Review Monster Hunter: Màn dạo đầu của những con quái vật
Nếu bạn là người đang tìm kiếm một bộ phim hành động đơn thuần mà không cần phải nghĩ quá nhiều về cốt truyện, Monster Hunter có lẽ là một sự lựa chọn phù hợp
Từ xưa đến nay, những bộ phim chuyển thể từ game luôn là một con dao 2 lưỡi, có thể thành công bất ngờ hoặc trượt dài trong thất bại. Đáng tiếc rằng trong một thời gian quá lâu, cộng đồng game thủ mong chờ tựa game yêu thích của mình được mang lên màn ảnh rộng đã phải chịu đựng những sản phẩm đáng quên như Mortal Kombat: Annihilation, Dragon Ball Evolution, hay chỉ hơi tệ hơn kì vọng như Assassin's Creed, Prince of Persia: The Sand of Time. Dĩ nhiên bên cạnh đó vẫn có những chuyển thể được đánh giá tốt, như Rampage, Resident Evil, Detective Pikachu, Angry Birds, hay gần đây là Sonic the Hedgehog. Sau bộ phim khởi đầu khá thành công của nhím xanh Sonic vào tháng 2, thị trường phim chuyển thể từ phim trong năm 2020 rơi vào khoảng lặng, và đạo diễn Paul W.S Anderson quyết định phá tan khoảng lặng đó với bộ phim Monster Hunter dựa trên thương hiệu cùng tên.
Lưu ý: Bài viết có thể tiết lộ một số tình tiết trong phim
Dựa trên tiền đề đầy hứa hẹn của tựa game Monster Hunter: World ra mắt năm 2018, trong đó những con quái vật như Ratholos và Diablos sống ở một thế giới tiền công nghiệp, còn người chơi sẽ vao vai một thợ săn để giết những sinh vật đáng sợ này, bộ phim Monster Hunter của Anderson chưa thể gọi là một bản chuyển thể xuất sắc, nhưng nhìn vào khía cạnh nào đó, nó là màn chào sân tương đối ổn để chuẩn bị cho câu chuyện dài kì sắp tới xoay quanh thương hiệu Monster Hunter. Phim mở ra với hình ảnh thế giới khác, nơi một con thuyền đang lướt đi trên cát, dưới sự lèo lái của người thuyền trưởng do nam diễn viên kì cựu Ron Periman thủ vai, thì bị một con quái vật được gọi là Diablos tấn công. Sau đó bộ phim chuyển về thế giới hiện thực, nơi một toán lính Ranger do đội trưởng Artemis (Milla Jovovich) dẫn dắt, đang tìm kiếm một đội khác đã bị mất tích. Lúc này, một cơn bão kì lạ bất ngờ đổ bộ, khiến cả nhóm dường như đã rơi vào thế giới khác.
Tiếp tục hành trình, cả nhóm tìm thấy tàn tích của một bộ xương sinh vật khổng lồ, cùng với đó là những gì còn sót lại của những người đồng đội mất tích, và dường như thủ phạm gây ra điều này có khả năng tạo ra lửa nóng đến mức nung chảy cát thành thủy tinh. Ngay lúc đó, sinh vật mang tên Diablos xuất hiện và tấn công cả nhóm, khiến họ phải chạy vào một hang động gần đó mà không hề biết sinh vật gì đang chờ đợi bên trong. Monster Hunter đã dành thời gian để khán giả có thể cảm nhận được độ nguy hiểm của các sinh vật, đồng thời giới thiệu nhân vật thợ săn do Tony Jaa thủ vai, một người rõ ràng có kinh nghiệm sinh tồn ở vùng đất kì quái này. Khi tay thợ săn chạm trán Artemis, cả hai đã có một màn đấu tay đôi khá ngang sức, và cuối cùng hai người đã làm bạn với nhau nhờ ... socola, vì rõ ràng không ai hoàn toàn hiểu được ngôn ngữ của nhau.
Có thể nói, điểm nhấn của Monster Hunter phần nhiều nằm ở những con quái vật xuất hiện trong phim, mặc dù nếu so với tựa game khổng lồ cùng tên thì đây chỉ giống như màn dạo đầu. Nhưng với những khán giả khó tính, chính những con quái vật này cũng có thể trở thành điểm trừ, khi mà xuyên suốt phim hầu như không có một tình tiết nào lý giải về nguồn gốc thần bí của chúng. Diablos, Nerscylla, Rathalos, tất cả đều có thời lượng góp mặt tương đối ổn trên màn ảnh, nhưng không một ai được giải thích đầy đủ thông tin về chúng. Sau khoảng 2/3 thời lượng, nhân vật thuyền trưởng tái xuất để Artemis có được một số đồng minh trong việc tìm kiếm đường về nhà, và một lượng thông tin bất ngờ được tiết lộ, điều mà lẽ ra đã có thể làm từ trước đó, khiến mạch phim tạo cảm giác bị đẩy lên nhanh chóng. Và để chứng tỏ tham vọng xây dựng thế giới Monster Hunter trên màn ảnh của mình, đạo diễn Anderson đã lựa chọn một cái kết mở cho tiềm năng thực hiện phần tiếp theo.
Ngoài ra, không biết có phải vì xây dựng bộ phim quanh những con quái vật hay không, mà mảng con người của Monster Hunter không thực sự cuốn hút. Phim không cho thấy chiều sâu tính cách nhân vật, động lực sống hay ý nghĩa tồn tại của nhân vật mà Tony Jaa thủ vai, có chăng chỉ là một phút thoáng qua. Chưa kể, phim hầu như không nhắc gì đến những con người ở thế giới quái vật, họa chăng chỉ là đoàn tàu của vị thuyền trưởng với một vài thợ săn, đầu bếp mèo Palico, cô nàng quan sát Handler, ... những chi tiết mà có lẽ chỉ các game thủ của Monster Hunter World mới thực sự nắm bắt được. Với cấu trúc cốt truyện mơ hồ, phát triển nhân vật chưa thực sự mạnh mẽ, Monster Hunter đúng nghĩa là một màn chào sân của vài con quái vật khác nhau. Mặc dù các trường đoạn hành động của phim phần nào được xem là ổn, nhưng sẽ không dễ dàng để có thể thuyết phục khán giả quay trở lại với thương hiệu này khi ra mắt phần tiếp theo, trừ khi có thể xây dựng xã hội loài người trong thế giới Monster Hunter đa dạng và phong phú hơn.
Monster Hunter chính thức ra rạp từ ngày 30 tháng 12 tại các rạp trên toàn quốc.
Điểm: 7/10
Bài cùng chuyên mục