Thor: Những thay đổi đáng chú ý trong MCU so với thần thoại Bắc Âu

Lê Khoa

Thần thoại Bắc Âu là một hệ thống tín ngưỡng vô cùng phức tạp. Và thay vì giữ đúng theo thần thoại, Marvel đã quyết định chuyển thể một phần nhỏ của nó để tạo nên các phần phim cho Thor

Là một trong số những nhân vật phổ biến nhất của Marvel, Thor đã trở thành một cái tên thân thuộc kể từ khi Chris Hemsworth thủ vai này trong bộ phim cùng tên vào năm 2011. Hai phần tiếp theo cùng với một phim team-up về sau đã gầy dựng nên một sự pha trộn phong phú giữa điện ảnh và thần thoại Bắc Âu dành cho Thần Sấm - dĩ nhiên là Marvel đã tận dụng một vài sự tự do liên quan đến thần thoại Bắc Âu. Được giới thiệu lần đầu trong phim riêng của mình, Thor đã gia nhập nhóm Avengers thông qua bộ phim The Avengers năm 2012. Kể từ đó, anh trở thành gương mặt được yêu thích, xuất hiện trong cả ba phim Avengers và có cho mình hai phần phim riêng tiếp theo, Thor: The Dark World và Thor: Ragnarok.

Thần thoại và văn hóa của người Scandinavia, vốn được sử dụng để xây dựng thương hiệu phim Thor, là một hệ thống niềm tin vô cùng phức tạp, xoay quanh một nền văn hóa chiến binh trân trọng sức mạnh và danh dự hơn tất thảy. Thần Sấm là hiện thân của những giá trị này, trong cả thần thoại lẫn các bản chuyển thể của Marvel. Trong những phim đơn của mình, anh được giao trọng trách bảo vệ nhân loại cùng với toàn cõi Asgard khỏi sự diệt vong và thiên tai, khi các thế lực bóng tối như Dark Elves và Hela trỗi dậy để chiếm quyền kiểm soát. Tuy vậy, trong khi truyện tranh Marvel nắm bắt khá tốt tính cách và niềm tin của Thor, MCU đã thay đổi vài thứ về nhân vật này, và cả những người xung quanh anh.

Marvel chỉ sử dụng một vài truyền thuyết về Cửu Giới

Trong thần thoại vũ trụ của Bắc Âu cổ đại, có tổng cộng 9 cõi thuộc về những thực thể cư dân khác nhau, tất cả đều được kết nối và duy trì bởi cây thần Yggdrasil. Trên những chiếc lá của cây thần này là quê nhà của các vị thần và Light Elves. Xung quanh thân cây ngự trị các thế giới của lửa, băng, tộc khổng lồ và Dark Elves. Thế giới con người cũng ở đó, trực tiếp kết nối với các vị thần thông qua cây cầu Bifrost. Thế giới ngầm nằm bên dưới rễ của cây Yggdrasil. Từng thế giới trong 9 cõi đều có môi trường và sinh vật riêng biệt.


Cây thần Yggdrasil

Tuy Marvel không giới thiệu từng cõi, những vùng đất họ đã mang đến đều cho thấy sự tái hiện xuất sắc. Trong Thor, khán giả được chứng kiến vùng đất băng giá của những gã khổng lồ băng, và vùng đất Asgard uy nghi của các vị thần, dù rằng họ đã làm cho cây cầu Bifrost có phần ít hoành tráng hơn tưởng tượng. Trong Thor: The Dark World, Marvel đã miêu tả chủng tộc Dark Elves và những vùng đất hoang vắng, cằn cỗi của họ; Cuối cùng là vùng đất lửa của Surtur trong Thor: Ragnarok. Rõ ràng đội ngũ Marvel đã nghiên cứu rất kĩ cấu trúc của từng cõi.


Cầu Bifrost

Thor có tạo hình và kĩ năng mới

Thor là một trong số những vị thần quyền năng nhất và được tôn trọng nhất trên toàn cõi Bắc Âu. Là người bảo hộ nhân loại, mang theo một cây búa thần được gọi là Mjolnir, có sức nặng của những dãy núi trong mỗi cú đập. Thor được miêu tả có một mái tóc màu đỏ và chòm râu đỏ dày, lao vào các trận chiến trên một cỗ xe được điều khiển bởi hai sinh vật là Tanngrisnir và Tanngnjóstr. Anh cũng là con trai của Allfather Odin và là chồng của nữ thần Trái Đất Sif. Marvel đã lấy những khía cạnh dễ nhận biết nhất của Thor, và chuyển thể phần còn lại.


Thor theo miêu tả của Thần thoại Bắc Âu

Trong các phần phim, anh được biết đến với danh hiệu Thần Sấm, và là con của Odin (Anthony Hopkins), sử dụng Mjolnir. Nhưng phim cũng tuyên bố rằng cây búa thần chỉ có thể được cầm bởi những ai xứng đáng, còn trong truyền thuyết, Mjolnir chỉ đơn giản là cực kì nặng. Tương tự, Marvel đã đổi mái tóc đỏ của Thor thành màu vàng của Hemsworth, và bỏ luôn cỗ xe ngựa. Thor cũng mang lòng yêu một người Trái Đất là Jane Foster (Natalie Portman) thay vì nữ thần Sif. Trong phim, Sif chỉ được coi là một trong số những người bạn của Thor, hỗ trợ anh trong các trận chiến ở phần 1 và phần 2 (Để rồi biến mất một cách bí ẩn trong phần 3).


Thor và Sif

Thần Odin

Allfather Odin ngự trị trên đỉnh cao của các vị thần Bắc Âu, nắm quyền điều hành toàn bộ và duy trì sự cân bằng giữa Cửu Giới. Ông là Vị thần của Thông Thái, Thơ Ca, Chiến tranh và Sự Hồi Phục, biến ông trở thành vị thần được tôn trọng nhưng cũng bị e sợ nhất trong toàn bộ các vị thần. Trong những mẩu truyện thần thoại, ông không chỉ từ bỏ một con mắt của mình để tiếp nhận ma thuật, ông còn được đồng hành bởi hai con quạ, "Suy Nghĩ" và "Ký Ức", bay quanh Trái Đất và báo cáo về những gì chúng tìm được. Tuy vậy, Marvel miêu tả Odin theo một hướng một người cha nhẹ nhàng hơn trong hai phần phim đầu tiên.


Odin theo miêu tả của Thần thoại Bắc Âu

Lần duy nhất mà khán giả chứng kiến ông trên chiến trường là trong một cảnh hồi tưởng ở phần phim đầu. Mặc dù ông đã nhận nuôi Loki và dạy cho Thor những bài học giá trị, câu chuyện về Odin trở nên phức tạp trong Thor: Ragnarok khi Hela (Cate Blanchett) hé lộ lịch sử của ông là một người chinh phục. Ở phân đoạn trong hoàng cung, Hela phá vỡ trần nhà miêu tả về một Odin hóa bình, nói về nền tảng hình thành nên Asgard, đồng thời cũng nói "Ta từng là vũ khí của Odin trong cuộc chinh phạt đã gầy dựng nên đế chế Asgard." Trong khi Odin của Marvel trông như một người cha hiền lành thật sự, đã có một chút thần thoại về ông không được đặt vào phim cho đến khi Thor: Ragnarok hé lộ chúng.


Odin trong MCU

Loki không được nhận nuôi trong thần thoại Bắc Âu

Loki được tôn thờ là Thần Lừa Lọc, luôn trêu đùa và sỉ nhục các vị Thần khác. Hành vi của anh thường khiến anh gặp rắc rối, nhưng chính anh cũng thường tìm được cách nói khéo để thoát khỏi các tình huống đó. Trong huyết quản, Loki có một nửa của tộc khổng lồ, đồng thời cũng là một người biến hình, cho phép anh có được nhiều đứa trẻ không phải con người. Đáng chú ý, anh là cha của Sleipnir, con ngựa tám chân của Odin; Jormungandr, con rắn khổng lồ bao quanh Trái Đất; và Fenrir, một con sói khổng lồ. Anh cũng là cha của Hel, Nữ thần Địa ngục.


Tranh họa Loki và vợ Sigyn của họa sĩ Marten Eskil Winge

Trong phim của Marvel, Loki (Tom Hiddleston) được miêu tả là luôn thèm muốn chiếm lấy Trái Đất và thay thế Odin trong vai trò thống trị Asgard. Trong khi những lời nói của Loki có khiến anh gặp rắc rối với các vị thần khác trong những câu chuyện Bắc Âu, anh chưa bao giờ có những dã tâm như vậy. Trong Thor: The Dark World, đã có một cảnh khá hài hước khi Loki biến thành Captain America, và một cảnh khi anh giả làm Odin, nhưng đó là phạm vi tối đa của việc biến hình. Tương tự, Marvel đã thay đổi hoàn toàn các mối quan hệ gia đình. Loki giờ đây là em trai của Thor và Hela, và được nhận nuôi bởi Odin. Còn trong thần thoại Bắc Âu, Loki là con trai của Fárbauti và Laufey, hai nhân vật không mấy được yêu thích.


Thần Lừa Lọc Loki trong MCU

Ragnarok thực tế đã giết Thor, Loki, Odin và Asgard

Mọi nền văn hóa đều có một phiên bản "kết thúc thời đại" của riêng mình, và với những người Scandinavia cổ xưa, Ragnarok chính là thời khắc đó. Sự kiện thảm họa này đã tiên đoán cái chết của rất nhiều vị thần, bao gồm cả Odin, Thor và Loki. Giữa những hỗn loạn của trận chiến, con sói khổng lồ Fenrir đã nuốt trọn mặt trăng, và khiến cả thế giới rơi vào bóng tối. Con rắn khổng lồ bao quanh Trái Đất đập mình, gây nên những trận tàn phá dữ dội. Cuối cùng, Surtur trỗi dậy từ vùng đất lửa, tạo nên thảm họa trên mọi con đường hắn đi qua. Dĩ nhiên không phải mọi vị thần và con người đều chết, khi một số còn sót lại tái khôi phục các thế giới sau trận chiến.


Sự kiện Ragnarok

Trong khi Marvel đã cố gắng giữ đúng nguyên tác cho trận chiến cuối cùng trong Thor: Ragnarok, cuối cùng họ quyết định mang đến cho nó một phong cách Hollywood xa rời với truyền thuyết. Trong phim, Hela là người gây nên mọi sự hỗn loạn, vốn không hề xảy ra trong các câu chuyện của Bắc Âu cổ đại. Mặc dù khán giả có chứng kiến một trận chiến với sự góp mặt của Fenrir và Surtur trên Asgard, không như thần thoại Bắc Âu, Thor và Loki "cố tình" tạo ra Ragnarok để đánh bại Hela và thoát đi với người dân của họ. Trong những khoảnh khắc cuối của Asgard, Marvel chỉ đơn giản là giữ lại ý chính của "Trận chiến của Thần" và chuyển thể phần còn lại.


Surtur phá hủy Asgard

Nhìn chung, thương hiệu Thor đã gắn kết mọi thứ lại với nhau một cách đáng chú ý; Sau cùng thì nó là phiên bản điện ảnh chuyển thể từ một seri truyện tranh, và bản thân truyện tranh chuyển thể từ thần thoại Bắc Âu. Theo từng bước, một vài khía cạnh của các nhân vật và cốt truyện đều bị thất lạc hoặc phóng đại, và trong khi một số yếu tố được giữ lại từ các câu chuyện xưa hàng thế kỷ, rất nhiều chi tiết đã bị bỏ đi để phù hợp với thể loại siêu anh hùng. Khi Thor: Love and Thunder tiếp tục câu chuyện về Thần Sấm vào năm 2021, người hâm mộ các câu chuyện Bắc Âu có thể sẽ được chứng kiến nhiều yếu tố thần thoại hơn được xuất hiện trên màn ảnh rộng.

Bài cùng chuyên mục