Trước làn sóng chỉ trích gay gắt của truyền thông, sau khi công chiếu chính thức tròn 3 ngày, nhà sản xuất bộ phim Vợ Ba đã xin ngừng chiếu phim tại rạp vào tối ngày 20.05 vừa qua. Không lâu sau đó, trên mạng xuất hiện bản phim full HD, làm dấy lên nhiều trăn trở.
Chính thức ra rạp vào ngày 17.05 và thu về 3,6 tỷ chỉ sau 4 ngày công chiếu, Vợ Ba hứa hẹn là một trong số ít những phim nghệ thuật thành công về mặt thương mại. Song trước làn sóng dư luận đổ dồn về nữ diễn viên nhí Trà My cùng câu chuyện đóng cảnh nóng khi chỉ mới 13 tuổi, ngày 20.05, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản chỉ đạo theo ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, yêu cầu Cục Điện ảnh kiểm tra, báo cáo quy trình cấp phép phim này. Văn bản của Bộ yêu cầu Cục Điện ảnh phải có báo cáo trước ngày 24.05.
Tuy nhiên vào tối cùng ngày, đại diện nhà sản xuất đã xin rút phim khỏi rạp và ngưng trình chiếu Vợ Ba tại Việt Nam để đảm bảo cuộc sống bình thường cho cô bé Trà My - nữ chính của bộ phim.
Trước đó, trên mạng xuất hiện một bản phim căng nét của Vợ Ba, chất lượng phim tốt, không lẫn tạp âm, hoàn toàn không giống quay lén tại rạp. Không biết từ đâu mà có, khán giả thay nhau chia sẻ link phim với tốc độ chóng mặt vì tò mò muốn xem Vợ Ba có gì mà lại gây chú ý nhiều đến vậy.
Lấy bối cảnh vào khoảng thế kỉ thứ 19, Vợ Ba đã dựng nên bức tranh xã hội với những gam màu sáng - tối đan xen. Mây (Trà My) - cô bé tầm 14 tuối được gả đến một gia đình giàu có làm vợ ba, những tưởng sẽ mãi an nhàn và sung túc về sau nhưng cuộc đời lại không cho ai tất cả. Về nhà chồng, đối mặt với vợ cả và vợ hai, cộng thêm áp lực sinh con trai để có chỗ đứng trong gia đình nhà chồng khiến tâm hồn của cô gái 14 tuổi đầy ắp những hoang mang, lo lắng. Bên cạnh đó, bộ phim còn khắc hoạ thân phận của những bé gái, những người đàn bà "đeo gông" trong xã hội bấy giờ. Đó là cái gông của lề lối và hủ tục, là xiềng xích của thói đời đầy định kiến và nghiệt cay.
Dựa trên câu chuyện có thật về thân phận nhuốm màu nước mắt của những người phụ nữ ngày xưa, bộ phim đã mang đến cái nhìn chân thật đến trần trụi về số phận của họ với những nỗi chua xót không thể lột tả bằng lời. Yếu tố nghệ thuật được đặt để làm trung tâm, khai thác cái hồn Việt dựa trên những điều tưởng chừng giản đơn nhưng lại vô cùng tinh tế và khéo léo.
Với tất cả những thành công trên đấu trường quốc tế, Vợ Ba lại không thể sống sót trên chính quê hương mình. Đây thật sự là câu chuyện buồn và mang nhiều nuối tiếc đối với những người yêu điện ảnh nói chung và khán giả Việt nói riêng. Tuy nhiên, đằng sau sự việc rút phim khỏi rạp và xuất hiện bản phim căng nét trên mạng, tôi cho rằng đó còn là lòng tự tôn của một ekip có tầm nhìn xa hơn những điều trước mắt. Không ai biết bản phim từ đâu mà có, nhưng suy cho cùng nó đáp ứng được nhu cầu xem phim của những khác giả khao khát được xem và trải nghiệm. Trong chừng mực nào đó, chúng ta khó chấp nhận việc xem phim lậu nhưng có lẽ đây là tình huống ngoại lệ. Có người xem phim vì tò mò, có người xem chỉ để biết nhưng tôi tin, đâu đó vẫn có người xem vì cảm thấy thương cho chính tác phẩm được sinh ra trên mảnh đất này, lại bị chính con người nơi đây bức tử.
Rút phim khỏi các cụm rạp Việt Nam, ekip Vợ Ba đã từ bỏ cuộc đua tại quê nhà vì cuộc sống của cô bé nữ chính và có lẽ còn vì lòng tự trọng của mình nữa. Sự tổn thương khi đọc những dòng chữ phê phán, chỉ trích bằng tiếng mẹ đẻ là điều không tránh khỏi. Chưa kể đến việc có người còn dùng nó để câu view lá cải, như cái cách chúng tôi nói chuyện với nhau trong nghề. Có một sự thật phải thừa nhận, bao nhiêu mỹ từ quốc tế dành cho Vợ Ba dường như cũng không thể bù đắp được nỗi đau bị ghẻ lạnh ở nơi đáng ra nó phải được đón tiếp nồng hậu như một "đứa con" tha hương trở về.
Bộ phim bị bức tử như cái cách xã hội ngày trước đã bức tử một nhân vật trong phim. Một cô gái trẻ bị chồng ruồng rẫy nhưng không biết mình có tội tình gì, bị cha đẻ ghẻ lạnh, bỏ rơi vì làm mất mặt gia đình khi chàng con rể không chịu làm nghi thức kiểm tra trinh tiết trong đêm tân hôn. Cái chết này khiến người xem lặng người, như khi đứng trước thông tin Vợ Ba ngừng chiếu...
Yin Li