Ra mắt cách đây bảy năm, tựa phim điện ảnh World War Z bất ngờ gây sốt trở lại dạo gần đây khi bộ phim đã tái hiện một cách chân thực thảm họa dịch bệnh covid-19 đang hoành hành khắp thế giới.
World War Z (tựa Việt: Thế chiến Z) là phim điện ảnh hành động được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết gốc của nhà văn trẻ Max Brooks về đề tài tận thế và xác sống zombie. Ngay khi vừa khởi chiếu vào năm 2013, bộ phim đã gây được tiếng vang lớn bởi tạo ra được nhiều sự khác biệt so với những tác phẩm khác khi cùng khai thác về đề tài kinh dị vốn quen thuộc với nhiều người này.
Trở lại thì hiện tại, giữa lúc dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới hoang mang, World War Z bỗng gây sốt trở lại và được người ta nhắc đến nhiều hơn như một lời tiên tri về căn bệnh kỳ lạ.
1. Nguồn gốc và sự lan truyền virus
Trong nguyên tác tiểu thuyết, nguồn gốc căn bệnh được tác giả đề cập tới trực quan hơn. Loại virus lây bệnh truyền nhiễm thực ra có nguồn gốc từ Trung Quốc, chính xác hơn là bệnh nhân đầu tiên được phát hiện chính là một cậu bé. Trước khi phát bệnh, cậu bé đã bị một loài động vật hoang dã cắn.
Chi tiết này khá giống khi được so với nguồn gốc của virus Corona bùng phát ở ổ dịch Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo như báo chí đã đưa tin, chủng virus này được phát hiện trên loài dơi, rắn hoang dã ở rừng núi Vũ Hán. Người dân và khách du lịch tới Vũ Hán thường được khuyến khích thưởng thức các món ăn từ các loài động vật hoang dã. Nếu người ăn phải những con vật mang virus Corona thì họ sẽ lập tức đổ bệnh.
2. Dịch bệnh cũng không đáng sợ bằng ý thức con người?
Theo mô tả trong tiểu thuyết cũng như hình ảnh trong phim, ta có thể thấy đại dịch zombie trong World War Z "cao cấp" hơn nhiều so với loại zombie đến từ những bộ phim khác. Chúng hoạt động bất kể ngày đêm không sợ ánh sáng và không dễ bị lừa. Hơn cả, điều đáng sợ nhất của đám zombie là chúng không cần ăn thịt người sống mà chỉ muốn truyền virus đến càng nhiều người càng tốt. Những người dân bình thường tất nhiên chỉ biết cách trốn trong nhà, tránh xa đường phố càng nhiều càng tốt.
Ở thực tại, trên thế giới đã từng xảy ra những trường hợp bệnh nhân bị cách ly nhưng vẫn trốn ra khỏi khu cách ly vì lý do cá nhân. Hay có những vụ việc rùm beng hơn như bệnh nhân 31 nổi tiếng vì đã rải virus Corona khắp đất nước Hàn Quốc thông qua một giáo phái tôn giáo lớn. Hay ở Việt Nam là bệnh nhân 17 trốn khai báo y tế, nhiễm bệnh cho người thân, khiến cả một khu phố ở nội thành Hà Nội bị cách ly hoàn toàn trong 14 ngày. Một trường hợp cũng tại nước ta là bệnh nhân 34 đã "tung tăng" lây nhiễm chéo cho hơn 10 người, thậm chí còn có cả F2.
3. Hành động của những nhà cầm quyền
Đối mặt với Thế chiến Zombie, mỗi quốc gia lại có những chính sách hành động khác nhau. Tiểu thuyết World War Z có đề cập tới một số quốc gia đóng cửa biên giới hoàn toàn như Isarel, và trong thực tế, chúng ta có Triều Tiên, Lào, hay một vài nước khác. Chính phủ các nước hành động quyết liệt ngay từ đầu nhằm chặn con đường len lỏi của virus, bất chấp việc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lớn trong nước.
Một số đất nước khác lại "dửng dưng" như Mỹ trong World War Z. Hậu quả tất yếu mà họ phải nhận là số lượng người nhiễm bệnh tăng không kiểm soát, cả đất nước suy sụp vì sự lây lan chóng mặt. Khi chính phủ bắt tay vào hành động thì số lượng thành phố an toàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng chính là thực tại diễn ra tại Mỹ và một số các nước châu Âu. Nước Mỹ nằm ở châu lục cách Trung Quốc 12 múi giờ nên chủ quan. Châu Âu lại càng "vô tư" hơn để rồi nước Ý đang trở thành ổ dịch lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Mặt khác, trong phim cũng có đất nước quyết liệt, họ chặn dịch bệnh bằng một cách thức vô cùng tàn nhẫn: Nhổ răng... toàn dân để cho dù có bị bệnh thì zombie cũng không thể cắn và lây cho bất kỳ ai khác. Điều này dường như đang ứng với chính sách "máu lạnh" của chính phủ Ý khi họ quyết định không điều trị cho người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi 60 trở lên.
4. Thông điệp lạc quan
Mặc dù World War Z có vô số những chi tiết rùng rợn khiến khán giả sững người, nhưng cái kết của phim vẫn là một niềm hi vọng lớn lao, đặc biệt là trong giai đoạn chống dịch đầy căng thẳng này.
Sau những trải nghiệm kinh hoàng trên chiến trường trực tiếp với đám zombie, cuối cùng thì cựu nhân viên Liên Hợp Quốc Gerry Lane (Brad Pitt) cũng nghĩ ra được loại vắc-xin "miễn dịch" với chủng virus gây ra dịch zombie. Trong phim, anh nhận thấy đám zombie không tấn công những người bệnh nặng sắp chết bởi vì họ không đủ sức để đi lây thêm virus trong thời gian dài. Do đó, anh hợp tác cùng WHO để chế tạo ra một loại vắc-xin tạm thời gây bệnh nặng để những ai chưa nhiễm virus zombie có thể dễ dàng trốn khỏi sự truy lùng của đám xác sống hung tàn.
Rõ ràng, điều này không thể áp dụng hoàn toàn trong thế giới của chúng ta, nhưng thông điệp của phim vẫn rất tươi sáng. Chỉ cần tất cả mọi người đều có ý thức chống dịch, các chuyên gia y tế đang làm việc miệt mài ngày đêm nhất định sẽ tìm được cách khống chế và ngăn chặn hoàn toàn Covid-19, đưa chúng ta trở lại một thế giới yên bình và tươi đẹp.