Facebook là mạng xã hội khổng lồ với gần 2 tỷ người dùng. Chính điều này đã biến Facebook trở thành mục tiêu tấn công với các tội phạm mạng.
Theo Điều 17 Luật An ninh mạng 2018, hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng sẽ bị nghiêm cấm và bị xử lý.
Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vì cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng đều là hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm cả việc hack Facebook người khác.
Ngoài ra, quy định này được áp dụng đối với nhiều mạng xã hội khác nữa chứ không chỉ riêng Facebook.
Theo đó, hành vi hack Facebook người khác sẽ bị xử phạt hành chính với các mức phạt sau:
-
Thứ nhất, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.
-
Thứ hai, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Truy cập trái phép, làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác,...
Ngoài ra, nhiều trường hợp các hacker sau khi chiếm đoạt tài khoản Facebook của người khác còn tung nội dung tin nhắn hay những nội dung cá nhân khác, thậm chí tống tiền.
Do đó, bên cạnh hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền, người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.
Với tình hình tài khoản mạng xã hội bị xâm nhập tràn lan như hiện nay, việc tự bảo vệ tài khoản của bản thân thật sự rất cần thiết.
Làm sao để bảo đảm an toàn tài khoản mạng xã hội?
1. Bật xác thực 2 yếu tố: Thêm một bước phụ mỗi khi chúng ta đăng nhập vào tài khoản của mình từ một máy tính hoặc thiết bị khác.
-
Đối với Facebook, vào Thiết lập > Chọn Bảo mật và đăng nhập > chỉnh sửa mục Xét duyệt đăng nhập.
-
Đối với Twitter, vào Thiết lập > Cài đặt và riêng tư > Tài khoản > Đăng nhập và bảo mật.
-
Đối với Gmail và Google, chọn Bảo mật ở hình đại diện > Xác minh hai bước ở mục Công cụ và thông tin.
2. Gỡ kết nối với ứng dụng bên thứ ba: Kiểm tra tất cả những dịch vụ bạn đã từng kết nối, gỡ bỏ những ứng dụng mà bạn không còn sử dụng nữa hoặc đã lâu không cập nhật.
3. Tránh xa các đường link không an toàn: Đừng ấn vào những đường link hiện lên trong inbox hoặc các ứng dụng tin nhắn mà bạn không chắc chắn về độ an toàn của nó. Bạn có thể kiểm tra xem đường link đó có an toàn không bằng các công cụ hỗ trợ trước khi ấn vào.
4. Đặt mật khẩu cho thiết bị.
5. Thường xuyên update các chương trình diệt virus.
6. Không nên dùng mật khẩu quá ngắn và đơn giản, đừng sử dụng một mật khẩu cho tất cả tài khoản.
Tuy nhiên, không có biện pháp bảo vệ nào có thể đảm bảo tài khoản của bạn an toàn 100%, do đó bạn cũng cần cẩn thận về những thông tin mà mình chia sẻ trên mạng xã hội.