Thủ tướng Bỉ cấm nhân viên chính phủ cài đặt TikTok trên điện thoại công vụ vì bảo mật an ninh quốc gia.
Theo Reuters, bắt đầu từ ngày 10/3/2023, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo các nhân viên chính phủ không được phép cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại công vụ của họ.
De Croo nêu rõ lệnh cấm được đưa ra sau khi Hội đồng an ninh quốc gia Bỉ cảnh báo về những rủi ro liên quan lượng lớn dữ liệu người dùng mà TikTok thu thập.
"Đó là lý do tại sao việc cấm sử dụng TikTok trên điện thoại do chính phủ liên bang cung cấp là hợp lý. Sự an toàn thông tin của chúng ta phải được đặt lên hàng đầu", De Croo cho biết.
Xem thêm: TikTok sắp bị cấm tại Mỹ trong Dự luật sắp tới
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tạm thời trong vòng 6 tháng, áp dụng cho tất cả các thiết bị sử dụng một phần hoặc toàn bộ chi phí của chính phủ liên bang, cũng như đăng ký trên hệ thống chính phủ liên bang.
Tuy không áp đặt lệnh cấm đối với những thiết bị cá nhân, tự sắm của các nhân viên chính phủ liên bang, nhưng Thủ tướng De Croo khuyến cáo họ cũng không nên cài TikTok trên các thiết bị này.
Trước đó, lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công vụ cũng đã có hiệu lực tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch và Australia.
Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu thông báo áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok vào các thiết bị phục vụ công việc kể từ giữa tháng 3 này.
Gần đây nhất, chính phủ Mỹ đưa ra Dự luật cấm các công nghệ làm ảnh hưởng đến an nhinh quốc gia. Mục tiêu của Dự luật là TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc hiện có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ. Luật sẽ cho phép Bộ Thương mại hạn chế hoặc thậm chí cấm TikTok và các công nghệ khác đe dọa an ninh quốc gia.
Về phần mình, TikTok liên tục bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng lệnh cấm dựa trên những quan điểm sai lầm: "Mọi quyền truy cập dữ liệu sẽ không chỉ tuân thủ các luật bảo vệ dữ liệu có liên quan, mà trước tiên còn phải đi qua các cổng bảo mật này và các bước kiểm tra bổ sung." Ứng dụng chia sẻ video ngắn cho biết.
Năm 2020, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ cho rằng ByteDance nên bán TikTok vì lo ngại dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. TikTok đã bác bỏ cáo buộc thông tin trên và tuyên bố rằng họ đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào các biện pháp bảo mật dữ liệu.