Tại Trung Quốc, hơn chục tài khoản rao bán dịch vụ tương tự ChatGPT trên WeChat.
Chỉ sau vài tháng ra mắt, những câu trả lời cực kỳ thuyết phục và không khác gì con người đã giúp ChatGPT trở nên phổ biến khắp toàn cầu. Bên cạnh những Big Tech đến từ Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu, NetEase và JD.com bắt tay vào việc ra mắt chatbot cho riêng mình, thì việc trở nên phổ biến một cách nhanh chóng cũng khiến ChatGPT bị lạm dụng và nhiều bản nhái xuất hiện trên trực tuyến.
Trang tin Sixth Tone cho biết, người dùng có thể thấy hàng chục tài khoản rao bán dịch vụ tương tự ChatGPT trên WeChat. Ngoài ra, những tài khoản này cam kết với người dùng có thể trò chuyện với chatbot thông qua các ứng dụng và trang web đó.
Xem thêm: 5 công cụ chatbot thay thế cho ChatGPT
Trái ngược hoàn toàn với ChatGPT, một chatbot AI do OpenAI phát triển và phát hành miễn phí cho người dùng, một số phiên bản đạo nhái tại Trung Quốc buộc người dùng phải đóng phí lên đến 999 nhân dân tệ (147 USD) mới có thể truy cập không giới hạn sau vài lần dùng miễn phí.
“Trí tuệ nhân tạo ChatGPT không phải là tập lệnh hay phần mềm. Đó là một 'con người' có khả năng biết và làm mọi thứ, đồng thời đưa ra câu trả lời ban đầu dựa trên suy nghĩ của chính nó”, trích từ một chia sẻ của một tài khoản có tên “AI Asking Robot” cho biết. Tài khoản này tuyên bố sẽ giúp người dùng quyền truy cập vào một chatbot.
Một tài khoản khác, được đặt tên là “ChatGPT Portal” do một người điều hành, đã định giá dịch vụ của mình là 66 nhân dân tệ mỗi tháng, mà người dùng có thể thực hiện tối đa 1.200 truy vấn. Dịch vụ này vừa bị WeChat chặn vào tuần trước sau khi nền tảng nhận được nhiều báo cáo lừa đảo từ người dùng.
Chu Jiang, một luật sư cao cấp tại một công ty luật có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, việc sao chép ChatGPT có thể vi phạm pháp luật.
Không giống như ChatGPT, các bản đạo nhái này không được kỳ vọng nhiều. Khi được hỏi "Cha của bạn là ai?", phiên bản đạo nhái ChatGPT trả lời: "Cha tôi là John Smith". Và khi được hỏi "John Smith là ai?" thì ứng dụng gặp lỗi.
Chen Lijiulie, một người có ảnh hưởng trong ngành công nghệ, cho biết những sản phẩm như vậy là giao diện lập trình ứng dụng cho GPT-3, tiền thân của ChatGPT hoặc các chatbot không liên quan được phát triển tại Trung Quốc. "ChatGPT chưa ra mắt dịch vụ của mình tại Trung Quốc hoặc bất cứ tổ chức nào tại Trung Quốc được cấp quyền".
Nhưng trên mạng xã hội, ChatGPT đã gây bão khắp đất nước, với nhiều chuyên gia công nghệ và các công ty quan tâm đến làn sóng AI. Theo một báo cáo phân tích dựa trên Google Trends, kể từ ngày 23 tháng 1, chủ đề ChatGPT nhận được lượt tìm kiếm tăng vọt trên khắp thế giới sau khi ra mắt, và một trong số đó đến từ Trung Quốc.
Xem thêm: Để cải thiện hiệu quả trong công việc, nhiều nhân viên "lén" sếp sử dụng ChatGPT
Mỗi ngày, ngày càng có nhiều người dùng Trung Quốc trên phương tiện truyền thông xã hội chia sẻ kinh nghiệm tạo nội dung từ các cuộc trò chuyện với ChatGPT. Một số cửa hàng trên sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Taobao đã kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ bằng cách giúp người dùng đăng ký dịch vụ ChatGPT. Tuy vậy, sàn thương mại điện tử này đã gỡ bỏ những quảng cáo như vậy.
Chen cho biết, cộng đồng của anh ấy đã tăng từ con số 0 lên 2.000 thành viên chỉ trong hai tuần qua. Hầu hết người dùng trong cộng đồng của là anh là học sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ để tạo nội dung và chỉnh sửa tài liệu ứng tuyển đại học. Là người từng sử dụng ChatGPT bằng tiếng Anh và Trung, Chen cho biết chatbot này "không đủ thông minh" khi giao tiếp bằng tiếng trung vì thiếu bộ dữ liệu nguồn.
Trong vài tuần qua, một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Baidu thông báo rằng các dịch vụ tương tự như ChatGPT đang được thử nghiệm ở phiên bản beta và sẽ được ra mắt trong thời gian gần nhất. Có thể thấy được đường đua trí tuệ nhân tạo càng trở nên nóng hơn buộc các nhà đầu tư phải "đổ tiền" vào các công ty nghiên cứu để phát triển công nghệ AI cho riêng mình.