Với sự góp mặt của Xbox Series X, có lẽ đã đến lúc chúng ta cùng nhìn lại lịch sử 7 năm qua của hệ máy Xbox One, trong cuộc chiến không thực sự cân sức với đối thủ PlayStation 4 đến từ Sony
Theo đúng lịch, hôm nay (hoặc ngày mai do lệch múi giờ), Microsoft chính thức ra mắt Xbox Series X, cỗ máy console thế hệ tiếp theo rất được mong chờ của hãng. Xbox Series X sẽ thúc đẩy thế hệ tiếp theo của game trên console, và trong khi hệ máy Xbox One vẫn tiếp tục nhận được những tựa game mới và sự cập nhật thường xuyên của Microsoft, có lẽ đây là lúc kỷ nguyên của nó chấm dứt. Xbox One đã có một khởi đầu khó khăn, khi Microsoft không tận dụng được thành công từ Xbox 360. Và tuy bản thân cỗ máy này chưa bao giờ thực sự cạnh tranh một cách hiệu quả với PS4 của Sony về mặt doanh thu, nó vẫn kết thúc chặng đường của mình ở một vị trí tốt hơn so với ban đầu. Hãy cùng nhìn lại chặng đường 7 năm qua của Xbox One, với những khoảnh khắc và tựa game đáng chú ý nhất trên hệ máy này.
Năm 2013: Xbox One ra mắt
Hầu như ai cũng biết Xbox One đã có màn khởi đầu vất vả như thế nào. Buổi giới thiệu của Microsoft tại E3 2013 đã cho thấy một số tựa game với những hình ảnh ấn tượng dành cho Xbox One, nhưng phần lớn sự tập trung lại nhằm vào các "tính năng" gây tranh cãi của nó. Cụ thể, Microsoft ban đầu có ý định ra mắt Xbox One dưới dạng một thiết bị luôn luôn trực tuyến, yêu cầu người chơi kết nối mạng cho nó ít nhất mỗi 24 tiếng. Chưa hết, Xbox One còn khiến cho việc game thủ cho bạn bè mình mượn đĩa game, hoặc trao đổi chúng ở những nơi như GameStop trở thành bất khả thi. Điều này cộng với việc mỗi chiếc Xbox One đều kèm theo một thiết bị Kinect đã tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm về cỗ máy.
Mặc dù Microsoft đã thay đổi những quyết định gây tranh cãi nhất về Xbox One, nó vẫn rất chật vật trong việc có được những tựa game tương xứng trong vài tháng đầu tiên. Những cái tên độc quyền ban đầu của Xbox One đã đón nhận các đánh giá trái chiều, khi cả Dead Rising 3 lẫn Ryse: Son of Rome đều không thực sự thỏa lòng kì vọng của người hâm mộ. Dù sao thì Xbox One cũng có được một vài tựa game do bên thứ ba phát triển tương đối nổi bật, với ví dụ đáng chú ý nhất có lẽ là Assassin's Creed 4: Black Flag đến từ Ubisoft. Và mặc dù có màn ra mắt tương đối vất vả, những cập nhật về sau của Killer Instinct đã giúp nó trở thành cái tên được yêu thích trong cộng đồng hâm mộ thể loại game đối kháng.
Năm 2014: Phil Spencer trở thành Chủ tịch Xbox
Năm 2014 là thời điểm kho game chất lượng của Xbox One tăng lên đáng kể, và mặc dù nhiều tựa game không tận dụng được hoàn toàn lợi thế của phần cứng mới do tính chất đa thế hệ (ra mắt đồng thời trên cả Xbox 360 lẫn Xbox One), người hâm mộ đã thật sự có được những trải nghiệm đầu tiên của thế hệ tiếp theo, với Titanfall, dự án đầu tay của Respawn Entertainment, tỏ ra ấn tượng hơn rất nhiều khi được chơi trên Xbox One thay vì Xbox 360. Titanfall là tựa game độc quyền console với Xbox, biến nó thành cái tên "lớn" đối với Microsoft, và là một mặt hàng tiềm năng. Ngoài ra, một tựa game đáng chú ý khác của Xbox One cũng phát hành trong năm 2014 là Sunset Overdrive, tựa game thế giới mở đến từ Insomniac, một hãng chủ yếu được biết đến nhờ mối quan hệ với Sony.
Tựa game lớn của Xbox One ra mắt vào dịp lễ nội chính là Halo: The Master Chief Collection, một dự án đầy tham vọng muốn "bao trọn gói" toàn bộ những game Halo đã ra mắt vào một sản phẩm duy nhất, bao gồm cả bản làm lại của Halo 2. Đáng tiếc rằng Master Chief Collection đã gặp phải những vấn đề kĩ thuật nghiêm trọng khi ra mắt, khiến cho 343 Industries mất nhiều tháng để sửa chữa chúng. Nhưng sự kiện quan trọng nhất của hệ máy này vào năm 2014 chính là việc Phil Spencer trở thành chủ tịch Xbox. Spencer mong muốn tạo ra một số thay đổi đáng kể cho Xbox sau hậu trường, dẫn đầu về ý tưởng mua lại các hãng làm game, và cải thiện những tựa game do Xbox thực hiện. Chiến dịch quảng bá của Spencer cũng cho thấy những lựa chọn thân thiện với người dùng hơn, như việc tung ra gói Xbox One mà không kèm theo Kinect.
Năm 2015: Tính năng tương thích ngược
Có thể nói 2015 là thời điểm mà thế hệ console hiện tại thực sự đạt được những bước tiến lớn, khi nhiều tựa game đúng với tính chất thế hệ tiếp theo được tung ra một cách thường xuyên hơn. Chúng bao gồm những cái tên nổi tiếng như The Witcher 3: Wild Hunt, Fallout 4 và Metal Gear Solid 5: The Phantom Pain. Về mảng game độc quyền Xbox One, Microsoft tung ra cả Forza Motorsport 6 và Halo 5: Guardians trong năm 2015, và cả hai đều đón nhận những đánh giá tương đối tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một vài tranh cãi xoay quanh việc thiếu khả năng chia màn hình của Halo 5, và các chỉ trích này lớn đến mức Microsoft đã cam kết sẽ bao gồm hỗ trợ chia màn hình trong mọi tựa game Halo chính tuyến sau này.
Ngoài ra, năm 2015 cũng mang đến nhiều sáng kiến mới vô cùng quan trọng cho Xbox, bao gồm việc ra mắt tay cầm Xbox One Lite, giới thiệu chương trình truy cập sớm với tên gọi Game Preview, tính năng tương thích ngược cho các game trên Xbox 360, New Xbox Experience, ... Microsoft cũng giảm giá bán của máy Xbox One vào năm 2015, để người hâm mộ dễ dàng tiếp cận hơn. Đáng tiếc rằng không phải lúc nào cũng có tin tốt cho thương hiệu Xbox, khi Microsoft quyết định ngừng báo cáo doanh thu máy bán ra, mà nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là vì thua kém quá nhiều so với PlayStation 4.
Năm 2016: Xbox Play Anywhere
Mặc dù Microsft có vẻ như đã từ bỏ việc cạnh tranh doanh thu với PlayStation 4, hãng vẫn tiếp tục khiến cho Xbox One trở thành một cỗ máy hấp dẫn với nhiều bước tiến quan trọng vào năm 2016. Và mở đầu cho điều đó là sự xuất hiện của Xbox One S, một phiên bản mỏng hơn và hiệu quả hơn của Xbox One, đồng thời còn mở rộng hơn về phần cứng. Cũng trong năm 2016, Microsoft đã thực hiện nhiều cải tiến online và giao diện người dùng cho Xbox, như việc bổ sung thêm hệ thống Clubs và trợ lý ảo Cortana.
Những tựa game lớn do bên thứ ba phát triển cũng tiếp tục làm "dày" thêm cho thư viện game Xbox One. Thực tế, Microsoft đã bắt đầu chuyển đổi hoàn toàn từ việc game độc quyền trên Xbox sang thành "độc quyền console" trên Xbox và ra mắt cả trên PC, với những cái tên "tiên phong" là Gears of War 4 và Forza Horizon 3. Không những vậy, chương trình Xbox Play Anywhere còn cho phép người chơi chỉ phải mua game một lần duy nhất, và có thể chơi trên Xbox One lẫn trên PC tùy ý muốn.
Năm 2017: Xbox Game Pass
Bước tiến lớn trong phát triển của Xbox vào năm 2017 chính là việc ra mắt Xbox One X, cỗ máy console mạnh mẽ nhất trên thị trường trước khi "nhường sân" cho Xbox Series X. Xbox One X sở hữu cấu hình mạnh mẽ hơn, cho phép người dùng chơi nhiều game hơn ở độ phân giải 4K cùng nhiều sự tăng cường chất lượng khác. Với Xbox One X, Microsoft đã đạt được bước tiến cuối cùng để tách biệt bản thân khỏi hệ máy Xbox One và những thứ như yêu cầu phải có Kinect. Mặc dù hãng có bán một đầu chuyển cho phép Kinect dùng được trên Xbox Series X, họ đã chính thức ngừng sản xuất thiết bị này vào năm 2017.
Trong khi Kinect "ra đi" vào năm 2017, thì một vài sáng kiến mới của Xbox đã xuất hiện. Những tựa game trên hệ máy Xbox đầu tiên bắt đầu góp mặt trong chương trình tương thích ngược, và quan trọng hơn, Microsoft giới thiệu dịch vụ Xbox Game Pass của mình. Xbox Game Pass về cơ bản cho phép người chơi truy cập ngay lập tức hơn 100 tựa game với một mức phí hàng tháng, và nó đã chứng tỏ sức hút của mình với cộng đồng hâm mộ Xbox, đặc biệt là khi nó bao gồm toàn bộ những game do hãng phát triển ngay từ ngày đầu ra mắt. Giá trị của Xbox Game Pass đã tăng lên đáng kể từ khi được giới thiệu lần đầu, và tầm quan trọng của nó với thành công hiện tại của Xbox là không thể chối cãi.
Năm 2018: "Thâu tóm" các hãng phát triển
Đối với Xbox, năm 2018 hoàn toàn là về việc mang đến cho người chơi nhiều lựa chọn hơn, và tăng cường khả năng tiếp cận game. Microsoft đạt được điều này bằng việc bổ sung thêm hỗ trợ chuột và bàn phím cho Xbox One, cùng với tay cầm Xbox tương thích nổi tiếng, được thiết kế để mang đến cho những người khuyết tật trải nghiệm chơi game chất lượng. Những nỗ lực của Microsoft để người hâm mộ dễ tiếp cận game hơn đã dần được mở rộng sang mức giá ban đầu. Tuy người hâm mộ vẫn phải mua máy Xbox One với mức giá thông thường, họ cũng có thể lựa chọn chương trình Xbox All Access. Chương trình này hoạt động tương tự như các gói điện thoại di động, trong đó người chơi sẽ có ngay một chiếc Xbox One đổi lấy khoảng phí hàng tháng bao gồm việc đăng kí hai dịch vụ Games With Gold và Xbox Game Pass.
Và mặc dù tất cả những điều trên đều tạo ấn tượng mạnh cho cộng đồng Xbox vào năm 2018, bản thân Microsoft vẫn nhận thức được Sony đang vượt qua họ về mặt game độc quyền phải chơi. Sáng kiến Xbox Play Anywhere đồng nghĩa với việc Xbox không còn độc quyền thuần túy, nhưng độc quyền console vẫn còn một chặng đường dài để đi nhằm thuyết phục người dùng mua chiếc máy này. Do đó, Microsoft bắt đầu tiếp quản nhiều hãng phát triển game lớn và tạo nên Xbox Game Studios. Họ cũng lập nên một đội ngũ hoàn toàn mới, tập hợp những nhà phát triển kì cựu trong ngành công nghiệp game với tên gọi The Initiative, và đang tập trung vào phát triển những tựa game AAA. Thành quả của quá trình này sẽ phải chờ đến khi Xbox Series X ra mắt mới được kiểm nghiệm, nhưng rõ ràng Microsoft đã "gieo hạt" trong suốt vòng đời của Xbox One.
Năm 2019: Chuyển mình sang kỹ thuật số
Ngoài Xbox Series X, Microsoft còn mang đến cho người hâm mộ lựa chọn không ổ đĩa với Xbox Series S, và điều này đã từng được hãng thử nghiệm thông qua Xbox One S phiên bản kĩ thuật số hoàn toàn. Như tên gọi của nó, Xbox One S kĩ thuật số hoàn toàn là một cỗ máy Xbox One không đi kèm ổ đĩa, do đó được bán ra với mức giá rẻ hơn, vào khoảng 250 đô-la. Không mất quá nhiều thời gian để Microsoft dẹp bỏ chúng, nhưng thực tế đó gần như chỉ là con bài để "mở đường" cho Xbox Series X mà thôi.
Năm 2020: Xbox Series X ra đời
Từ đầu năm 2020 đến nay, người hâm mộ đã chứng kiến nhiều tựa game lớn thuộc bên thứ ba được tung ra, và vẫn còn nhiều dự án khác đang ấp ủ. Nhưng mọi con mắt lúc này đều đỏ dồn vào Xbox Series X, hệ máy console đời tiếp theo của Microsoft dự kiến sẽ thay thế Xbox One. Đây mới là lúc cộng đồng hâm mộ Xbox bắt đầu thực sự thấy được những lợi thế của việc mua lại các hãng phát triển game mà Microsoft đã làm từ 2 năm trước, mà gần đây nhất là hành động tiếp quản ZeniMax Media, qua đó giúp "Gã khổng lồ" nắm trong tay Bethesda cùng thương hiệu The Elder Scrolls, Fallout, ... mở đường cho nhiều tựa game hấp dẫn trong tương lai.