Lập trình và phát triển game đã khó, điều chỉnh game sao cho phù hợp với thị hiếu của người dùng lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Bởi vậy nhiều tựa game mặc dù hay và hấp dẫn, nhưng cũng không thể vượt qua được hệ thống kiểm duyệt tại một số quốc gia.
1. Game Outlast 2 bị cấm ở Úc
Outlast 2 là phần tiếp theo của tựa game cùng tên được phát hành lần đầu vào năm 2013. Với nội dung bạo lực và nhạy cảm, Outlast 2 đã gặp rắc rối với Ủy ban kiểm duyệt của Úc. Thậm chí, hệ thống kiểm duyệt này đã từ chối gắn mác R18+ với Outlast 2 và thẳng tay “cấm cửa” tựa game này.
Tuy nhiên, chính phủ Úc cuối cùng cũng gỡ bỏ lệnh cấm phát hành Outlast 2 sau khi biết đó chỉ là đoạn game chơi thử mà nhà sản xuất game Red Barrels đã vô tình gửi nhầm đến Ủy ban kiểm duyệt.
Bản Outlast 2 chính thức đã loại bỏ nhiều yếu tố phản cảm và kinh dị hơn bản chơi thử. Sau sự nhầm lẫn, Outlast 2 cuối cùng cũng được phát hành tại xứ sở chuột túi trong niềm vui của các game thủ.
2. Marc Ecko’s Getting Up: Content’s Under Pressure bị cấm tại Úc
Khi tham gia vào trò chơi này, bạn sẽ hóa thân thành một người nghệ sỹ đường phố tên là Trane sống ở thành phố New Radius. Anh đã sử dụng những hình ảnh graffity để thức tỉnh người dân về sự tham lam, độc tài của thị trưởng Sung cũng như tìm hiểu về cái chết của cha mình.
Tựa game này đã bị cấm tại Úc vì hành vi vẽ bậy gây mất mỹ quan của nhân vật. Nghe thì có vẻ nhảm nhí nhưng việc vẽ tranh tại nơi công cộng được coi là hành vi phá hoại tại xứ sở chuột túi.
3. Command & Conquer: Generals bị cấm ở Trung Quốc
Mặc dù là một tựa game được lòng những người chơi ưa thích nhưng Command & Conquer: Generals vẫn bị cấm phát hành tại Trung Quốc.
Lý do nó bị “cấm cửa” là vì trong game cho phép người chơi phá hủy các di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh tại Trung Quốc như Thiên An Môn, Trung tâm Hội nghị Triển lãm Hồng Kông, Vạn Lý Trường Thành,… Điều này đã động chạm đến lòng tự tôn dân tộc của Trung Quốc. Vì vậy mà không chỉ chính phủ Trung Quốc cấm phát hành mà người dân nơi đây cũng tẩy chay tựa game này.
4. Fallout 3 bị cấm ở Úc
Tựa game kinh điển này nằm trong số các trò chơi điện tử không được lòng hệ thống kiểm duyệt của Úc. Nó đã bị cấm vì nội dung game có nhiều cảnh sử dụng ma túy.
Lệnh cấm này đã khiến các nhà phát triển phải thay đổi nội dung của game. Vì vậy “morphine” đã được thay đổi thành “Med-X”. Chính quyền Úc tin rằng người chơi không biết ý nghĩa của “Med-X” là gì, nên sau đó lệnh cấm với Fallout 3 đã được gỡ bỏ.
5. Football Manager 2005 bị cấm tại Trung Quốc
Football Manager là 1 series trò chơi mô phỏng việc quản lý bóng đá, được phát triển bởi Sports Interactive và phân phối bởi SEGA. Theo Eurogamer, Football Manager 2005 là game bán nhanh thứ 5 trong mọi thời đại. Tuy nhiên, tựa game này lại không được phát hành tại Trung Quốc vì lý do “đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Cụ thể Football Manager 2005 đã công nhận Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng là các quốc gia độc lập.
Sau đó, SEGA đã phải giải thích rằng phiên bản trò chơi mà các nhà chức trách Trung Quốc đang kiểm duyệt chỉ là bản lậu và không có ý nghĩa liên quan đến vấn đề chính trị tại quốc gia này. Để có thể phát hành tại thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất game đã phải điều chỉnh nhằm làm vừa lòng hệ thống kiểm duyệt tại đây.
6. Battlefield 3 bị cấm ở Iran
Chính phủ Iran đã cấm phát hành Battlefield 3 vì lý do tựa game này kích động khủng bố. Lý do bị cấm vì trong game có cảnh binh lĩnh Mỹ bao vây thủ đô Tehran và khu chợ cổ Grand Bazaar để truy quét khủng bố. Lực lượng chức năng tại quốc gia này đã thu hồi tất cả các đĩa game Battlefield 3.