Những tựa game Anime dưới đây được xây dựng dựa trên các bộ truyện cực nổi tiếng như Dragon Ball, Gintama,.. và có đồ họa đẹp mắt cùng lối chơi cực hấp dẫn
Dragon Ball FighterZ
Ngày phát hành: 26 tháng 1 năm 2018
Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, Switch (tháng 9/2018)
Điểm Metacritic: 85 (PC), 87 (PS4), 86 (XBox One)
Dragon Ball FighterZ là tựa game dựa theo những điều kì diệu đã làm nên sự nổi tiếng của bộ truyện tranh Dragon Ball. Với dàn nhân vật có đồ họa đẹp mắt cùng những pha chiến đấu ngoạn mục kịch tính. Ngoài ra, người xem còn được thưởng thức 1 cốt truyện hoàn toàn mới với sự xuất hiện của "Tân Binh" Android 21 do chính tác giả Akira Toriyama thiết kế.
Với bề dày kinh nghiệm trong việc thiết kết các tựa game đối kháng theo phong cách đồ họa 2.5D, hãng Arc System Works đã rất thành công khi mạng lại 1 tựa game có đồ họa đẹp mắt và bám sát vào nguyên tác manga/anime nhất có thể, lối chơi chiến đấu thuần túy dễ tiếp cận nhưng cũng vừa đủ phức tạp để các tay chơi chuyên nghiệp phải bỏ công nghiên cứu.
Ngoài ra, bạn cũng được quyền triệu hồi Rồng Thần để ban cho mình những điều ước nhằm “lật kèo” khi đang ở thế bị dồn ép.
Sau thành công trên PC, PlayStation 4 và Xbox One, trò chơi sẽ cập bến lên máy Switch vào tháng 9.
The Seven Deadly Sins: Knights of Britannia
Ngày phát hành: 19 tháng 2 năm 2018
Điểm Metacritic: 55 (PS4)
Cốt truyện chính trong The Seven Deadly Sins: Knights of Britannia khi mà người chơi sẽ phai tập hợp 7 siêu chiến binh của 7 tội lỗi lớn nhất loài người đứng lên chống lại các thể lực tà ác để cứu lấy vương quốc Lioness đang trong bờ vực sụp đổ.
Cũng dựa trên cốt truyện của 1 tựa manga nổi tiếng, Knights of Britannia sẽ mang đến cho game thủ những pha chiến đấu dồn dập đầy kích tích không khác gì trong truyện. Được hóa thân vào các gương mặt nổi bật như "Nộ Long" Meliodas, công chúa Elizabeth,... cùng những chiến binh khác nhau để trải nghiệm các phong cách chiến đấu đậm chất riêng của họ.
Trò chơi còn sở hữu một dòng chảy nhiệm vụ riêng. Cụ thể thì sau khi hoàn thành thử thách được giao và nhận về số điểm xếp hạng dựa trên kết quả, tin đồn sẽ lan rộng trong cộng đồng dân cư, giúp mở khóa một vị trí mới trên bản đồ. Tiến hành đi đến địa điểm đó sẽ bật thêm loạt nhiệm vụ khác cho người chơi thực hiện.
Đáng tiếc là trò chơi lại không được đánh giá cao và bị nhận xét chỉ thích hợp cho những fan cứng của thương hiệu “Thất Hình Đại Tội”. Ngoài ra, việc phát hành độc quyền trên PS4 cũng phần nào làm hạn chế sức ảnh hưởng của nó với cộng đồng game thủ.
Little Witch Academia: Chamber of Time — Ngày 15 tháng 5 — Hệ máy: PC, PS4
Ngày phát hành: 15 tháng 5 năm 2018
Điểm Metacritic: 58 (PS4) — 40 (PC)
Đánh giá Steam: 88% tích cực
Little Witch Academia có lẽ là cái tên không mấy xa lạ đối với những ai yêu thích với các thể loại phim hoạt hình Nhật Bản. Về mặt phim ảnh thì không cần phài bàn cãi, đây là một sản phẩm được nhiều người yêu thích và không hề bất ngờ nếu như những người hâm mộ đều một lần “ước ao” được trải nghiệm Little Witch Academia một cách trực tiếp dưới hình thức một trò chơi điện tử.
Một trong những điểm sáng giá nhất của Little Witch Academia: Chamber of Time chính là lối dẫn chuyện và phong cách thiết kế nhân vật vô cùng “đậm chất” Studio Trigger. Những nhân vật trong game đều đậm cá tính, điển hình như cô nàng nhân vật chính Atsuko Kagari (Akko) với ước mơ trở thành một phù thủy tài ba, sở hữu tính cách năng động, luôn nhiệt huyết nhưng lại thường hay rước vào những rắc rối; Lotte Jansson – bạn thân của Akko, luôn cảm thấy tự ti với người lạ nhưng lại vô cùng tốt bụng và luôn quan tâm đến bạn mình, cùng rất rất nhiều nhân vật khác nữa.
Little Witch Academia: Chamber of Time có hai chế độ chơi khác nhau: một theo phong cách phiêu lưu khám phá dưới góc nhìn 3D quanh trường học, và một theo phong cách hành động 2.5D khi bạn dấn thân cùng 3 nhân vật khác khám phá mê cung kỳ bí, chiến đấu cùng các loài quái vật.
Little Witch Academia: Chamber of Time nhìn chung đã nắm bắt được bản chất của anime và tái hiện khá trọn vẹn. Nhưng nếu đánh giá nghiêm túc theo tiêu chuẩn của một game hành động nhập vai, nó vẫn thiếu đi chiều sâu cần thiết. Ngoài ra, nhịp độ chậm ở một số trường đoạn và vấn đề giật khung hình cũng góp phần kéo tụt trải nghiệm tổng thể.
Attack On Titan 2
Ngày phát hành: 15 tháng 3 năm 2018
Hệ máy: PlayStation 4, Nintendo Switch, Xbox One, PlayStation Vita, PC
Điểm Metacritic: 78 (PC), 75 (PS4), 74 (Xbox One), 72 (Switch)
Vẫn giữ nguyên cốt truyện cũ của phần 2, người chơi sẽ vào vai một chiến minh chống lại những con quái vật khổng lồ chỉ thích ăn thịt bất kì ai mà chúng thấy. Để giành được sự sống sau 3 bức tường vững chắc, nhân loại phải dùng hết sức mình hồi phục nền văn minh cũng như bảo vệ mọi người khỏi lũ Titans đáng sợ. Trách nhiệm nặng nề phải được đặt lên vai các chiến binh và bạn sẽ trở thành một trong những nhân vật chính đánh bại lũ khổng lồ cứ liên tục ùa vào.
Cốt truyện bám rất sát với nguyên bản Anime nên người hâm mộ có thể nắm rõ được cốt truyện trong khi chơi. Dù vậy người chơi vẫn sẽ bị lôi cuối bởi sự chân thực mà cốt truyện dẫn dắt bạn. Phần đầu game tạo cảm giác dài lê thê với những màn giải thích cặn kẽ quá mức cần thiết nhưng bạn sẽ cảm thấy biết ơn những phân đoạn này về sau vì chúng sẽ tạo cảm giác gắn kết với từng nhân vật (nhất là khi những nhân vật bạn vừa bắt đầu yêu thích đã phải đối mặt với những cái chết đau lòng).
Attack on Titan 2 sở hữu những chi tiết khá bạo lực khi bạn phải chứng kiến những cảnh máu bắn tung tóe mỗi khi từng con Titan bị xả thịt. Còn lại bạn sẽ dành thời gian cho những nhân vật trong cốt truyện để xem diễn biết khi họ chật vật chống lại cuộc xâm lăng của binh đoàn Tiitan và bạn sẽ cảm giác mình như là một phần trong cốt truyện của game.
Sau những pha combat khốc liệt, người chơi có thể tận hưởng những phút giây (tạm) bình yên với những hoạt động in-game như nâng cấp vũ khí, trao đổi nguyên vật liệu, tương tác kết bạn với những nhân vật khác và mở khóa các kĩ năng mới. Đây là cơ hội để các fan ruột của series tìm hiểu thêm về những người đồng đội cũng như hòa mình vào thế giới của trò chơi.
Gintama Rumble
Ngày phát hành: 18 tháng 1 năm 2018
Hệ máy: PS4 và PS Vita
Gintama Rumble là trò chơi hành động dựa theo bộ truyện Gintama được sáng tác bởi Hideaki Sorachi ra mắt từ năm 2003, vốn đã khẳng định vị thế của mình trong làng truyện tranh Nhật Bản, và cũng có cho mình hơn 300 tập phim hoạt hình kể từ ngày lên sóng vào năm 2006.
Nếu bám theo chế độ chơi cốt truyện, người chơi sẽ được tham gia vào từng sự kiện nổi bật của game và hóa thân trực tiếp vào anh chàng Gintama siêu bựa để cảm nhận rõ nét nhất.
Do đi theo phong cách hành động hack’n’slash nên các đòn thế được Bandai Namco chăm chút khá tốt và thể hiện được sức mạnh mỗi khi nhân vật tung chiêu. Sau các trận chiến, người chơi có thể dùng điểm kinh nghiệm để nâng cột chỉ số Spirit – Skill – Strength cho các nhân vật, tinh chỉnh vẻ ngoài và gán một số item hỗ trợ. Các trận đánh trùm cũng rất thú vị và thách thức (trừ những con mang tính “khởi động” đầu tiên), yêu cầu bạn phải tính toán kỹ lưỡng trước khi xông vào nếu không muốn bị rút máu vô ích.
Tuy nhiên điểm yếu của trò chơi là lượng combo không đa dạng, lối chơi lặp lại khá nhiều với chỉ càn quét sạch kẻ thù từ điểm A đến B, chuyển sang đánh trùm và tiếp tục lặp lại cho đến khi… hết game, AI đồng đội cũng chưa thật sự tốt và thỉnh thoảng cũng bị lỗi kỹ thuật (không báo nhiệm vụ) buộc bạn phải restart lại.
Sword Art Online: Fatal Bullet
Ngày phát hành: 23 tháng 2 năm 2018
Hệ máy: PlayStation 4, Xbox One, PC
Điểm Metacritic: 64 (PS4), 72 (Xbox One), 61 (PC)
Với Sword Art Online: Fatal Bullet, nhà sản xuất đã đưa vào một số thay đổi đáng kể để đem lại hương vị mới cho những ai đã cảm thấy nhàm chán với những phiên bản nhập vai trước đó.
Đầu tiên là bạn không còn bị bó buộc trong hình hài anh chàng Kirito quen thuộc để tham gia vào thế giới game Gun Gale Online nữa. Giờ đây, người chơi có thể tự do thể hiện “chất” riêng của mình bắt đầu từ màn hình tạo nhân vật, tùy chọn nâng cấp chỉ số và kết hợp với số lượng vũ khí đa dạng khác nhau.
Tiếp đến là về phong cách gameplay. Thay vì tiếp tục theo đuổi thể loại nhập vai như trước, Sword Art Online: Fatal Bullet đã chuyển hẳn sang style bắn súng góc nhìn ngôi thứ ba. Điều này giúp cho những ai đã cảm thấy “bội thực” với RPG cảm thấy đỡ ngán hơn phần nào.
Tuy nhiên điểm yếu của Fatal Bullet lại áp đảo hơn so với điểm mạnh: cốt truyện khá mờ nhạt và thiếu điểm nhấn, cử động nhân vật khi tương tác trò chuyện thô cứng, AI kém nhiều khi không biết hỗ trợ đồng đội cùng một thế giới thiếu sức sống với quái thú na ná nhau. Nhìn chung, trừ khi bạn là một fan cứng của Sword Art Online và muốn chơi bằng hết các tựa game liên quan đến thương hiệu này thì hãy bỏ thời gian ra cày cuốc Fatal Bullet.