Thực sự rất khó để có thể bỏ qua, cũng như rời mắt khỏi màn hình khi dõi theo từng bước chân của Brand trong câu chuyện của Toy Odyssey.
Kể từ khi những hình ảnh đầu tiên của Toy Quest xuất hiện trên mạng internet, được Hiker Games, đội ngũ những nhà phát triển game Việt đã quá quen thuộc với các bạn với những game đầy ấn tượng từ trước tới nay như 7554, 2112 Revolution hay những dự án game online mobile như Đại Minh Chủ... Ngay cả khi Emobi Games, tiền thân của đội ngũ Hiker Games ngày hôm nay vẫn đang phải trải qua muôn vàn khó khăn, trong tâm khảm của họ vẫn luôn muốn đem game Việt đến với thế giới.
Ngay từ lúc Toy Odyssey vẫn còn mang tên Toy Quest và được Steam Greenlight thông qua (dĩ nhiên nhờ vào chính nỗ lực của cộng đồng game thủ chúng ta), niềm hy vọng y hệt như thời kỳ 7554 ra mắt một lần nữa lại sục sôi trong huyết quản của những con người đam mê game, yêu quý game do người Việt phát triển. Ở thời điểm bài viết ra mắt các bạn độc giả, Toy Odyssey đã chính thức được bán ra trên nền tảng Steam, nơi mọi tựa game đều muốn góp mặt.
Các bạn có thể mua game với giá 14,99 USD, tương đương chỉ hơn 300 nghìn Đồng mà thôi. Đối với bản thân tôi, những game đỉnh một thời được bán giảm giá cho dù có rẻ hơn mức giá này, tôi vẫn khó có thể thưởng thức một cách thoải mái và yêu quý chúng như Toy Odyssey. Và lý do sẽ được tôi giải thích ra ngay tại đây cho các bạn.
Có hai kiểu game khiến tôi yêu thích. Một là những game hay mới ra mắt với cách chơi kết hợp giữa nhập vai và hành động. Bạn có thể nâng cấp nhân vật, có thể chặt chém cân cả bản đồ. Fallout 4 và Skyrim là hai ví dụ cho kiểu game này. Kiểu game thứ hai là những sản phẩm indie game đem lại trải nghiệm hoặc cực kỳ mới lạ và gây nghiện, hoặc cực kỳ gần với những cảm giác khi tôi được chơi những tựa game 2D thuở xưa khi còn đang là cậu bé mài đít quần ở trường mẫu giáo, cuối tuần được bà nội chiều chuộng cho vài đồng lẻ "ra quán chú Xuân đầu ngõ mà chơi điện tử".
Và, Toy Odyssey, ở một chừng mực nhất định, có thể được xếp vào cả hai dạng game mà tôi thích nhất. Nó vừa có chiều sâu, không đơn thuần chỉ là một game beat em' up nhưng cùng lúc lại tạo ra cảm giác khi tôi mê mẩn dán mắt vào cái màn hình 14 inch nhỏ xíu với những hình ảnh đầy răng cưa chạy trên đó, nhưng không bao giờ chán được.
Câu chuyện của Toy Odyssey bắt đầu khi bạn, đóng vai Brand, một... món đồ chơi yêu thích của người con trai trong một gia đình chuyển tới một căn biệt thự nhìn có vẻ ma ám. Sẽ không có những đoạn phim cắt cảnh mà thay vào đó là những bức concept art kể cho bạn câu chuyện của game.
Hiểu một cách đơn giản, Toy Odyssey giống như một tựa game nơi Toy Story kết hợp cùng với Castlevania. Những món đồ chơi sống dậy như những sinh vật có linh hồn vào ban đêm, và bạn cũng chính là một món đồ chơi trong vai chàng hiệp sỹ chống lại thực thể đang chiếm hữu những món đồ chơi vô chủ. Và chính bạn trong vai Brand sẽ là người cứu rỗi cho tất cả, để cả gia đình cậu bé Felix được yên ổn trong căn nhà mới.
Ngôi nhà ma ám biến mọi món đồ chơi trở thành sinh vật sống, và những món đồ chơi lại trở thành những vũ khí và vật dụng để giúp Brand phiêu lưu trong căn nhà rộng lớn. Những món đồ chơi như xe tăng, robot hay thậm chí là những con chuột, nhện xuất hiện rất nhiều trong từng màn chơi, và bạn sẽ phải dùng những chiếc kiếm nhựa hay những cây rìu để chống lại chúng.
Trong game, những game thủ đã quen với Metroid hay Castlevania sẽ cảm thấy game có cách chơi, phong cách thiết kế màn chơi 2D với chiều sâu và những câu đố bạn phải giải quyết trong game có nét tương đồng rõ rệt. Điều đặc biệt của Toy Odyssey chính là việc những màn chơi của nó được Hiker Games tinh chỉnh để không có căn phòng nào giống nhau sau những lần hồi sinh. Mỗi lần bạn lỡ để nhân vật Brand hết máu, bạn sẽ phải quay lại những căn phòng nhưng với đối thủ và kết cấu bản đồ khác hoàn toàn so với lượt chơi trước đó.
Phải khẳng định, độ khó của game không hề thấp. Những cỗ xe tank, những con hạc giấy sẽ không chịu đứng yên để bạn vừa nhảy nhót trên bản đồ, leo trèo qua những tủ gỗ, chiếc ti vi hay ghế bành trong phòng khách để hạ gục đâu. Chúng đôi lúc phòng thủ, đôi lúc lại chủ động tấn công, khiến bạn vừa phải né tránh, vừa phải điều khiển nhân vật di chuyển mượt mà, lại vừa phải hạ gục đối thủ vì chúng đánh rất đau. Chỉ cần một vài bước sơ hở, bạn sẽ phải quay trở lại căn phòng ngủ của Felix và bắt đầu lại cuộc phiêu lưu.
Trong game, những game thủ đã quen với Metroid hay Castlevania sẽ cảm thấy game có cách chơi, phong cách thiết kế màn chơi 2D với chiều sâu và những câu đố bạn phải giải quyết trong game có nét tương đồng rõ rệt. Điều đặc biệt của Toy Odyssey chính là việc những màn chơi của nó được Hiker Games tinh chỉnh để không có căn phòng nào giống nhau sau những lần hồi sinh. Mỗi lần bạn lỡ để nhân vật Brand hết máu, bạn sẽ phải quay lại những căn phòng nhưng với đối thủ và kết cấu bản đồ khác hoàn toàn so với lượt chơi trước đó.
Cùng với đó, bạn còn có thể nâng cấp cho nhân vật, vũ khí và cả căn phòng ngủ của cậu bé Felix. Sử dụng những "bánh răng" thu thập được sau khi hạ gục đối thủ sẽ được dùng để nâng cấp, tạo ra chiều sâu cho toàn bộ cơ chế gameplay thay vì chỉ chạy nhảy và chém quái. Nói tóm lại, qua ít phút đầu tiên thưởng thức, Toy Odyssey là một tựa game đơn giản nhưng rất dễ gây nghiện nếu bạn thích những tựa game indie chặt chém đi cảnh như Castle Crashers, hay nhưng tuyệt phẩm xưa kia như Metroid hoặc Castlevania.
Không chỉ đơn giản nâng cấp nhân vật, chỉ số và căn cứ riêng trong căn phòng ngủ của Felix, ngay cả những vật phẩm mà bạn có thể tạo ra cho Brand cũng đem lại vẻ ngoài "ngầu" hơn cho nhân vật chính. Là một cậu bé, ai mà chẳng muốn trở thành một người hùng cứu thế giới, đem lại hòa bình cho nhân loại, tiêu diệt những kẻ xấu cơ chứ?
Và game cũng đánh đúng vào tâm lý này. Hình ảnh âm u, tối tăm của game vẫn sáng bừng lên khi Brand cùng chú đom đóm đi cùng anh từng bước chân chẳng khác gì một người anh hùng đúng nghĩa đen. Và anh hùng thì không bao giờ thất bại. Bạn bị hạ gục, bạn quay trở lại căn cứ, nâng cấp vật phẩm, chỉ số nhân vật và quay trở lại "làm cỏ" đối thủ. Nó giống như một phiên bản ngược của Infinite Blades. Cứ mỗi lần bị hạ gục, game có vẻ sẽ dễ hơn khi bạn được trang bị những món đồ xịn hơn, mạnh mẽ hơn. Cảm giác bị hạ gục như vậy cũng không quá cay đắng, đôi lúc bạn chỉ muốn nằm nhanh để về nâng cấp khi đã kiếm đủ số lượng ốc vít.
Âm nhạc trong game lại là một điểm sáng nữa. Những bản nhạc đầy ấn tượng, tạo ra trải nghiệm hoàn hảo kết hợp cùng gameplay và hình ảnh cũng khiến cho tôi, vốn là một người rất mê nhạc trong game cảm thấy ấm lòng. Trước đây 7554 đã làm rất tốt nhiệm vụ của nó với những bản nhạc bi tráng. Còn giờ đây, Toy Odyssey lại là một cảm giác khác hẳn. Ngay cả phần lồng tiếng Anh cho các nhân vật của game cũng được hoàn thiện ở mức xuất sắc. Tuy nhiên chỉ có duy nhất một nhược điểm. Đôi lúc nhạc im bặt, và bỗng nhiên vang dội khi bạn chuẩn bị đối mặt với những chiếc xe tăng nhựa, những chiếc ô tô điều khiển từ xa thay vì nhạc nền nhẹ nhàng khi bạn tìm đường và dâng lên cao trào khi bắt đầu chiến đấu.
Nhược điểm kể trên cũng là nhược điểm duy nhất mà tôi có thể "bới" ra trong suốt 1 tuần chơi thử Toy Odyssey trước ngày nó ra mắt cộng đồng. Đây là một tựa game 2D kết hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa gameplay mechanic hiện đại kết hợp cả hành động và nhập vai, và cả những trải nghiệm nguyên sơ nhất của những cậu bé khi lần đầu được chơi game. Thực sự rất khó để có thể bỏ qua, cũng như rời mắt khỏi màn hình khi dõi theo từng bước chân của Brand trong câu chuyện của Toy Odyssey.
Game thủ Việt có thể theo dõi những tin tức về Toy Odyssey tại trang web của tựa game:http://store.steampowered.com/app/392410/