Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh

Bỏ qua những nhiệm vụ cốt truyện chính không mấy hấp dẫn, Dying Light 2: Stay Human mang đến hệ thống parkour xuất sắc, những nhiệm vụ phụ lôi cuốn và một thế giới ở rộng lớn để khám phá

Sau thành công rực rỡ của Dead Island, mọi con mắt đều hướng đến dự án tiếp theo của Techland để xem họ sẽ phát triển thể loại game zombie thế giới mở như thế nào. Và thế là Dying Light ra đời, duy trì cấu trúc nhiệm vụ và các yếu tố hành động nhập vai của Dead Island, nhưng bổ sung thêm một cơ chế parkour ấn tượng góp phần cải thiện khả năng di chuyển của người chơi.

Nay, bảy năm sau khi phần game đầu tiên phát hành, Techland đã quay trở lại với Dying Light 2: Stay Human, với sự hoàn thiện về cơ chế parkour quen thuộc, một hệ thống nhiệm vụ phụ ấn tượng, một thế giới mở rộng lớn với vô vàn thứ để khám phá, và một câu chuyện ... không còn hấp dẫn như trước đây nữa. Hôm nay LagVN sẽ cùng phân tích về tựa game mới toanh này.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh

Phần game Dying Light đầu tiên đã từng phải nhận những đánh giá trái chiều ở thời điểm nó ra mắt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm hệ thống cốt truyện yếu kém và các nhân vật được lên kịch bản không quá ấn tượng. Và những ai kì vọng rằng Dying Light 2 có thể khắc phục các nhược điểm đó có lẽ sẽ phải thất vọng một lần nữa.

Trong phần tiếp theo này, nhân vật chính của chúng ta có tên Aiden, với mục tiêu tìm kiếm cô em gái bị mất tích mà anh đã không gặp mặt trong nhiều thế kỷ. Ký ức của Aiden về tuổi thơ rất mơ hồ, với các chi tiết được cung cấp thông qua những đoạn hồi tưởng, nhưng gần như không khiến game thủ có thể đồng cảm với nhân vật. Nó chỉ thể hiện một bí ẩn mà chẳng ai quan tâm để giải quyết, với một vài tình tiết "bất ngờ" dễ đoán .

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 2

Với một nhân vật chính không để lại nhiều ấn tượng, không quá khó hiểu khi hệ thống nhiệm vụ chính của Dying Light 2 trở nên yếu đi khá nhiều. Các nhân vật mà Aiden tương tác xuyên suốt trò chơi cũng gần như không khá hơn, khi người chơi cứ lần lượt gặp các nhân vật phụ mờ nhạt nối tiếp nhau, nói rất nhiều nhưng không cho thấy bất kì điều gì thú vị.

May mắn là dàn diễn viên lồng tiếng góp phần cứu vãn nội dung trò chơi, với ngôi sao Jonah Scott đã làm rất tốt để truyền tải những câu thoại của mình, cùng với Rosario Dawnson cũng làm rất tốt trong vai trò đồng minh của Aiden là Lawan. Bên cạnh hệ thống kịch bản chán chường cùng những đoạn hội thoại vô nghĩa, cốt truyện Dying Light 2 còn có một số vấn đề về tính hợp lý khiến người chơi khó lòng nhập tâm vào thế giới game.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 3

Mặc dù phần chơi chiến dịch của Dying Light 2 khá lộn xộn, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ đều nhàm chán. Trong lúc chạy từ điểm A sang điểm B, cơ chế parkour góp phần đảm bảo cho người chơi cảm thấy hào hứng nhất có thể. Nhảy qua lũ zombies, trèo lên mái nhà và trượt dưới các vật cản chưa bao giờ nhàm chán. Càng về sau, Aiden càng nhận được thêm nhiều công cụ hơn giúp tăng khả năng di chuyển quanh bản đồ rộng lớn.

Những công cụ này kết hợp với các kĩ năng đã mua cùng vô số nâng cấp khác mở ra những cánh cửa mới cực kì thú vị. Bên cạnh lối chơi parkour đầy tự do, game cũng có nhiều khu vực đi cảnh tuyến tính trong hệ thống nhiệm vụ chính được thiết kế khá chuyên nghiệp, mang đến một số khoảnh khắc ấn tượng nhất game.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 4

Có thể nói, Techland đã thực sự hoàn thiện cơ chế parkour của Dying Light 2, đảm bảo người chơi không bao giờ phải lo về việc Aiden vô tình buông tay khỏi một bờ tường hay hụt một bước nhảy. Đáng tiếc rằng phần parkour của Dying Light 2 chỉ mang đến sự hoàn thiện một nửa, với nửa còn lại nằm ở cơ chế chiến đấu khá khó chịu. Dying Light 2 đã rất nỗ lực để áp dụng những kĩ năng của Aiden vào chiến đấu, khi cho phép người chơi làm những thứ như nhảy lên lưng kẻ thù và tung ra những cú đạp.

Ngoài ra còn có một hệ thống phản đòn yêu cầu việc canh thời điểm gần như hoàn hảo, và một cơ chế né đòn, nhưng có lẽ tốt hơn hết vẫn là cầm lấy món vũ khí chất lượng nào đó và vung về phía kẻ địch. Các phân đoạn chiến đấu trong game nhìn chung chủ yếu liên quan đến việc đánh đuổi bầy đàn zombies, hoặc thường xuất hiện trong phần chơi chiến dịch là kẻ thù con người.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 5

Game gần như không có súng, do đó người chơi chủ yếu dùng hàng loạt vũ khí cận chiến khác nhau. Việc chặt đầu zombies nhìn chung cũng sẽ tương đối thú vị, nhưng chiến đấu với những nhóm zombies lớn có thể trở nên phiền toái. Và trong khi các đòn đánh của Aiden trông khá ấn tượng, chúng lại yêu cầu một vài tổ hợp phím kì lạ rất khó để ghi nhớ giữa lúc đánh nhau. Khi người chơi tiến hành làm những nhiệm vụ khó khăn hơn, kẻ thù cũng bắt đầu tấn công với số lượng lớn hơn và có thanh máu lớn hơn, hầu như chỉ khiến mọi thứ càng thêm khó chịu. Điều cuối cùng là những màn chiến đấu gần như diễn ra liên tiếp nhau, và tuy người chơi có thể lén lút đi qua một số khu vực, vẫn có nhiều lúc họ buộc phải chiến đấu.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 6

Lối chơi cốt lõi của Dying Light 2 gần như đều xoay quanh chiến đấu và parkour. Techland đã làm rất tốt phần parkour, nhưng lại để lỡ quá nhiều tiềm năng của phần chiến đấu. Tuy vậy, vẫn còn một yếu tố then chốt khác trong game, chính là những chọn lựa của người chơi. Aiden sẽ đưa ra những quyết định quan trọng xuyên suốt phần chơi chiến dịch, và có hệ quả gần như ngay lập tức.

Những lựa chọn của Dying Light 2 cũng tác động đến việc khám phá bản đồ thế giới game, như khi người chơi chiếm lấy hệ thống cối xay gió và các tháp nước, hoặc khôi phục những trạm phát điện. Giống như nhiều tựa game thế giới mở khác, Dying Light 2 cũng có một bản đồ khổng lồ với một danh sách đầy những hoạt động để người chơi thực hiện, và nhiều hoạt động trong số đó bao gồm lấy lại một khu vực hoặc mở rộng một công trình lớn.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 7

Điều bất ngờ trong Dying Light 2 là sau khi người chơi hoàn thành những hoạt động này, họ sẽ quyết định đưa tài nguyên đã mở khóa cho một trong hai phe: Peacekeepers hoặc Survivors. Giúp đỡ một phe nhiều hơn phe còn lại sẽ thay đổi thế giới trong game. Ví dụ, nếu người chơi quyết định để cho phe Survivor tiếp quản một cối xay gió, ho sẽ nhận thấy thành phố được cập nhật với những công trình mới, giúp việc parkour trở nên dễ dàng hơn.

Ngược lại, giúp phe Peacekeeper sẽ mở ra những cơ hội chiến đấu mới trong khu vực. Trong khi nhiều tựa game hứa hẹn về những lựa chọn đầy ý nghĩa để rồi không thể hiện được điều đó, với Dying Light 2, người chơi gần như sẽ nhìn thấy được tác động tức thời và rõ ràng với những quyết định họ đưa ra trong game. Cái kết của trò chơi cho thấy những lựa chọn đó đã dẫn đến hệ quả như thế nào thay vì thể hiện trong một phân đoạn cụ thể, và tuy có đôi chút thất vọng, nhưng nhiều người có lẽ sẽ cảm thấy ấn tượng với cách mà game xử lý lựa chọn của mình, và tác động của nó đến cốt truyện.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 8

Toàn bộ những nội dung này đều được trải dài trong thế giới mở rộng lớn của Dying Light 2, mà người chơi sẽ càng có thể tiếp cận được nhiều hơn về sau. Techland đã nâng tầm trải nghiệm của Dying Light một cách đáng kể khi cho phép người chơi tự do khám phá thế giới xung quanh, bước chân vào những khu vực bên trong các tòa nhà, và làm nhiều thứ khác mà không gặp phải những màn hình chờ đầy khó chịu. Thậm chí mọi thứ còn ấn tượng hơn khi game duy trì được tỷ lệ khung hình mà vẫn mang đến hình ảnh chất lượng cao và môi trường cực kì chi tiết.

Game cũng không có quá nhiều lỗi so với tưởng tượng, mặc dù những lỗi hiếm hoi đó lại tương đối nghiêm trọng, điển hình như việc Aiden không thể ngủ để chuyển đổi từ đêm sang ngày, hoặc thỉnh thoảng âm thanh trong game hoàn toàn biến mất. Điều này xảy ra trong những khoảnh khắc cốt truyện quan trọng, và để khiến mọi thứ tồi tệ hơn, tốc độ phụ đề bị đẩy nhanh khiến cho người chơi gần như không đọc được chúng. Cách duy nhất để sửa lỗi là khởi động lại trò chơi.

Đánh giá game Dying Light 2: Nâng tầm lối chơi parkour và chất lượng hình ảnh 9

Nhìn chung, những lỗi nhỏ khác nhau trong Dying Light 2 cũng khá bất tiện, nhưng dù sao nó vẫn không bằng với những vấn đề lớn nhất của trò chơi, nằm ở hệ thống cốt truyện chính đơn điệu, hội thoại nhàm chán và cơ chế chiến đấu thiếu hấp dẫn. Dù vậy, bất kì ai có thể bỏ qua chúng sẽ tìm được một tựa game sở hữu hệ thống parkour xuất sắc, những nhiệm vụ thú vị, và một thế giới mở rộng lớn để khám phá. Techland từng cho biết họ đang lên kế hoạch hỗ trợ Dying Light 2 trong ít nhất là 5 năm tới, do đó tuy không thể sửa chữa những vấn đề của bản game gốc, các nội dung tương lai có thể tập trung vào việc làm nó trở nên tốt hơn. Nếu đã từng yêu thích phần game đầu tiên, hoặc chỉ đơn thuần là đang tìm kiếm một tựa game zombies thế giới mở, Dying Light 2: Stay Human vẫn là một lựa chọn không tồi. Game hiện đang phát hành trên PC, PS4, PS5, Xbox One và Xbox Series X/S.

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang