Review Watch Dogs Legion - Khi lối chơi đột phá bị ngăn cản bởi lỗi kỹ thuật
Watch Dogs Legion đã thay đổi công thức game thế giới mở quen thuộc khi cho phép người chơi vào vai gần như bất kì nhân vật nào họ muốn, ở bất kì lúc nào
Thương hiệu Watch Dogs của Ubisoft nổi tiếng với sự cải tiến sau mỗi phần game. Phần sau luôn có một sự thay đổi hoàn toàn ở khía cạnh quan trọng nào đó của game dựa trên những thiếu sót của bản tiền nhiệm, như việc thay đổi hình tượng "thanh niên nghiêm túc" Aiden Pierce trong phần 1 thành một nhân vật chính có phần vô tư hơn là Marcus Holloway trong phần 2. Với Watch Dogs Legion, một số cơ chế nhất định của game dường như đã được điều chỉnh nhằm phản hồi lại những mối lo ngại rằng sự vui vẻ sẽ đối nghịch với nhịp điệu cốt truyện game.
Để "chỉnh" vấn đề này, Ubisoft quyết định hoàn toàn loại bỏ đi tuyến nhân vật chính, để mở ra bối cảnh sandbox thực sự, cho phép người chơi vào vai bất kì nhân vật nào họ muốn, và vào bất kì lúc nào họ muốn. Lẽ dĩ nhiên điều này làm dấy lên các câu hỏi từ người hâm mộ, khi họ không biết cơ chế nói trên sẽ hoạt động như thế nào, khi mà Watch Dogs vốn là một thương hiệu luôn cố gắng kể câu chuyện thông qua dàn nhân vật chính/phụ mạnh mẽ.
Tiền đề của Watch Dogs Legion đã trở thành một giải pháp độc đáo cho vấn đề xoay quanh lối chơi này. Việc hệ thống đa dạng nhân vật nói trên có thực sự hiệu quả hay không lại phụ thuộc phần lớn vào cảm nhận của từng người chơi. Với những ai chỉ quan tâm đến lối chơi, tính năng này thực sự nâng tầm trò chơi. Người chơi sẽ không còn bị bó hẹp vào một tính cách duy nhất như Aiden hay Marcus nữa, và những phụ kiện hay vũ khí đã mở khóa sẽ ít bị giới hạn hơn.
Người chơi giờ đây có quyền tự do và sự lựa chọn để làm cho từng nhiệm vụ trở nên dễ hơn hoặc khó hơn, tùy vào nhân vật họ muốn điều khiển. Việc quyển đổi giữa các nhân vật cũng giúp làm mới trải nghiệm, giảm bớt sự mệt mỏi hay buồn chán, vì mỗi nhân vật đều mang đến thứ gì đó mới mẻ. Ở chiều hướng ngược lại, sự tự do này gây ảnh hưởng đến khía cạnh cốt truyện của game. Với mỗi nhân vật đều được lồng tiếng, có một cá tính và một lộ trình riêng, rất khó để tạo nên mối dây liên kết với bất kì ai trong họ.
Ngoài ra, không một nhân vật có thể điều khiển nào có được cá tính nổi bật hay sự hiện diện đáng nhớ mà một nhân vật chính thực sự sẽ có. Vì người chơi thường xuyên được khuyến khích đổi nhân vật, hầu như chẳng còn không gian để phát triển sự gắn kết, ngoài việc tùy chỉnh trang phục của họ. Nhưng ngay cả khi có sự thiếu hụt này, tính năng "là bất kì ai" lại tỏ ra hiệu quả một cách bất ngờ xuyên suốt quá trình chơi. Cốt truyện chung của game xoay quanh sự nổi loạn của người dân và quá trình giành lại quyền kiểm soát từ một lực lượng quân đội nhà nước có tên Albion, một băng đảng tội phạm tên Clan Kelly, và một nhóm hacker bí ẩn mới được gọi là Zero-Day. Yếu tố cá nhân đã giảm đi ít nhiều, nhưng các mục tiêu vẫn tương tự. Đó là một sự đánh đổi thú vị mà thương hiệu này chưa từng thấy trước đây, và chắc chắn sẽ gây chia rẽ trong cộng đồng người chơi.
May mắn là "khoảng trống" nhân vật chính đã được lấp đầy bởi A.I. nổi loạn của DedSec, Bagley. A.I. này là tiếng nói vang lên trong tai người chơi, cùng với thủ lĩnh chi nhánh DedSec Luân Đôn. Trong toàn bộ các nhân vật, chính Bagley là "người" có khả năng giữ cho người chơi gắn kết với thế giới game một cách tốt nhất, một sự kết hợp linh hoạt giữa trợ lý ảo J.A.R.V.I.S. của Tony Stark trong MCU và một thiếu niên sầu đời, biết rằng mình tốt hơn bất kì ai khác. Địa điểm mới cũng bổ sung thêm nhiều thứ hấp dẫn vào game. Trong Watch Dogs Legion, người chơi sẽ được "tham quan" một phiên bản tương lai gần của Luân Đôn, Anh Quốc. Ubisoft thực sự đã biến Luân Đôn thành một sân chơi ảo cho người chơi. Không chỉ những địa điểm du lịch nổi tiếng và những công trình lịch sử đều nằm ở nơi mà người hâm mộ mong muốn, thành phố cũng hết sức thú vị để lái xe tham quan vòng quanh, mặc dù việc điều khiển có thể hơi khó chịu một chút.
Những cái tên quen thuộc như Tập đoàn Blume cũng xuất hiện, với phiên bản hoàn toàn mới của hệ thống giám sát ctOS mà người chơi đã làm quen trong hai tựa game trước đó. Những sự kiện đó được nhắc đến trực tiếp thông qua rất nhiều các vật phẩm thu thập trong game, cho thấy hệ thống không thực sự bảo mật tốt như những gì Blume muốn người ta tin vào. Điểm này xuất hiện trong nhiệm vụ mở đầu của game, khi người chơi vào vai đặc vụ Dalton Wolfe, một thành viên của MI5 và DedSec, đang điều tra những báo cáo về một mối đe dọa khủng bố. Người chơi sẽ nhanh chóng phát hiện ra một âm mưu lớn hơn đang diễn ra, thông qua một cuộc tấn công hết sức hoàn chỉnh trong thành phố Luân Đôn, do một nhóm hacker bí ẩn được gọi là Zero-Day gây ra, nhưng DedSec lại là nhóm bị buộc tội, tạo động lực để người chơi khám phá ra thủ lĩnh của Zero-Day và những kế hoạch của chúng. Việc DedSec bị buộc tội, nằm ngoài vòng pháp luật và bị người dân Luân Đôn lên án đã tạo nên một điểm khởi đầu để người chơi tái xây dựng mọi thứ.
Không may là cuộc tấn công này cũng tạo điều kiện cho tổ chức quân sự tư nhân Albion, dưới sự dẫn dắt của Nigel Cass, xuất hiện. Về cơ bản, Albion được trao quyền kiểm soát thành phố, lan truyền thông tin và quấy rối người dân Luân Đôn dưới lớp vỏ bọc đang "bảo vệ" họ. Cass và Mary Kelley, lãnh đạo của băng đảng Clan Kelly, thực sự thể hiện vai trò phản diện của mình, gây ra những hành động kinh khủng nhằm khuyến khích người chơi hạ gục chúng. Mục tiêu chung của người chơi là gây ra tình trạng bất ổn một cách có hệ thống ở từng quận của Luân Đôn, bằng cách hoàn thành những nhiệm vụ nổi loạn khác nhau, như tuyên truyền việc hack, giải thoát các nhân vật VIP, ... Dần dần khi tình trạng bất ổn tăng cao sẽ dẫn đến một nhiệm vụ cuối cùng để giải phóng quận đó. Những hoạt động này thường tập trung vào một công trình biểu tượng nằm trong khu vực quận, điển hình như trèo lên tháp đồng hồ Big Ben để tái lập trình nó, hoặc loại bỏ hoạt động tuyên truyền của Albion khỏi Con mắt Luân Đôn (Vòng quay Thiên niên kỷ).
Việc giải phóng một quận sẽ mở khóa những NPC có kĩ năng cao hơn, xuất hiện nhiều hơn, đồng thời việc chiêu mộ thêm người ở quận đó cũng trở nên dễ dàng hơn. Watch Dogs Legion cũng giữ lại lối di chuyển parkour và các cơ chế đã góp mặt trong phần 2, với những yếu tố độc đáo thực sự đến từ các nhân vật NPC. Có thể nói, độ đa dạng mà game thể hiện chủ yếu thông qua dàn nhân vật đông đảo của mình. Ngay cả khi có lượng lời thoại khổng lồ, Ubisoft cũng đã không xem nhẹ việc lồng tiếng. Những nhiệm vụ phụ truyền thống cũng đã bị loại bỏ khỏi Watch Dogs Legion, và thay thế bằng các nhiệm vụ chiêu mộ. Tuy người chơi có thể điều khiển bất kì ai, người đó sẽ phải được chiêu mộ trước, nghĩa là phải hoàn thành một chuỗi nhiệm vụ của mỗi người. Chuỗi nhiệm vụ này khá đa dạng, từ phá hủy bằng chứng, hạ gục một sát thủ, giải cứu người thân, ... Có rất nhiều sự đa dạng để giữ cho các nhiệm vụ này không tạo cảm giác lặp lại. Việc thất bại trong một nhiệm vụ chiêu mộ không khiến người chơi bị dính màn hình "Game Over", và cũng không thể làm lại nó.
Thay vào đó, nhân vật sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm về DedSec, thể hiện qua biểu tượng không tương thích trong hồ sơ của họ. Điều này có nghĩa là người chơi sẽ phải vất vả hơn trong việc chiêu mộ, nhưng nếu tiếp tục thất bại hay người được chiêu mộ gặp chuyện, họ có khả năng chống lại DedSec vĩnh viễn, và có thể tác động đến lối chơi, như việc các thành viên ngẫu nhiên trong đội bị bắt cóc, nhưng chủ yếu nó đóng vai trò thể hiện cho trạng thái thất bại trong việc chiêu mộ họ. Đặc trưng nhân vật thường cũng rất hữu dụng, nhưng một số nhân vật cụ thể có thể có một đặc tính kì quái hoặc tiêu cực. Ví dụ như các nhân vật có máu cờ bạc, nghĩa là ETO (Đơn vị tiền trong game) của người chơi sẽ "bất biến" tùy việc họ thắng hay thua. Công cụ chỉnh sửa Doomed còn có thể khiến một nhân vật chết hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong khi người chơi có thể tạo ra một đội quân toàn những chuyên gia hacker, rất nhiều người lớn tuổi trong game sẽ đi kèm đặc điểm tiêu cực, khiến họ không thể chạy thoát hoặc tìm chỗ núp.
Những tùy chọn đặc quyền trong game cũng đa dạng một cách đáng kinh ngạc, cho thấy Ubisoft rõ ràng đã tận dụng thời gian phát triển do sự trì hoãn phát hành game. Tuy vậy, một vài NPC có thể quá mạnh với những lợi thế mang lại cho người chơi. Việc chiêu mộ một thành viên của Albion về cơ bản sẽ cho phép người chơi lẻn vào những khu vực giới hạn tốt hơn, giúp các nhiệm vụ dễ hoàn thành hơn. Trong khi vẫn có thể bị phát hiện, lính gác sẽ mất nhiều thời gian hơn để xác định danh tính kẻ giả mạo. Ngoài ra, việc gọi một thiết bị vận chuyển không người lái có thể cho phép người chơi bay lên và tiếp cận những chỗ không thể đến được trước đây. Phần lớn các nhiệm vụ sẽ rất quen thuộc với những người hâm mộ lâu năm của seri, thường xoay quanh việc thâm nhập vào một khu vực bị giới hạn để hack một máy trạm, dùng AR để ghép các mảnh sự kiện trong quá khứ lại với nhau, giải cứu một người đưa tin, và nhiều thứ khác. Người chơi có thể thực hiện nhiệm vụ theo bất kì cách nào - hoàn toàn im lặng, đấu súng rầm rộ hay kết hợp cả hai.
Ngay cả với một số tùy chọn độ khó, game luôn mang đến cảm giác hành động bí mật là lựa chọn thích hợp hơn, khi các pha hành động góc nhìn thứ ba không thực sự là điểm mạnh của game. Và mọi thứ chỉ trở nên thích hợp hơn thông qua hệ thống nâng cấp. Tìm và nhận được các điểm kĩ thuật sẽ giúp người chơi mở khóa những kĩ năng, phụ kiện và công cụ mới, có thể được thay đổi khi không phải chiến đấu. Những thứ này bao gồm các vũ khí không chết người, những kĩ năng mới như có thể che phủ cơ thể, các trò hack mới, và những công cụ như Spiderbot. Mỗi kĩ năng đều cực kì hữu dụng, và cho phép người chơi điều chỉnh trải nghiệm theo phong cách chơi của mình. Một trong những khía cạnh thỏa mãn nhất của lối chơi đến từ nâng cấp Deep Profiler, có thể mở khóa bất kì lúc nào khi người chơi có đủ điểm Tech. Về cơ bản, công cụ này tăng cường khả năng kiểm tra hồ sơ, giúp người chơi có được nhiều thông tin hơn về bất kì nhân vật nào, bao gồm lịch sinh hoạt hàng ngày, và những tùy chọn tiềm năng để giúp chiêu mộ họ, ngay cả khi họ đang ghét DedSec. Với các NPC đang ghét bỏ DedSec, việc nâng cấp này sẽ cho thấy những cách để chiêu mộ họ trở lại.
Các hành động của người chơi cũng có những hậu quả tùy theo cách tiếp cận nhiệm vụ. Có thể gây ra một vụ tai nạn khiến một người bạn hay thành viên trong gia đình phải nằm bệnh viện hoặc tệ hơn, và khiến một nhân vật trở nên căm ghét DedSec. Nếu người chơi cứu một ai đó khỏi bị tống giam, có thể họ sẽ tìm kiếm người chơi hoặc một nhân vật khác có quan hệ với họ được thuyết phục để tham gia. Đó là một cơ chế thú vị giúp game của mỗi người trở nên độc đáo.
Đó cũng là khía cạnh mà Watch Dogs Legion thực sự tỏa sáng, biến một tựa game tương tác thế giới mở thông thường chung chung như gây ra một vụ tai nạn hay vô tình cứu một cá nhân khỏi lính Albion thành thứ có thể thay đổi trò chơi của người chơi ở một thời điểm trong tương lai. Mọi thứ sẽ còn trở nên hấp dẫn hơn nữa nếu người chơi bật chế độ Permadeath, một tùy chọn có thể bật ở đầu game. Khi kích hoạt, bất kì nhân vật nào bị giết sẽ không còn được gửi đến bệnh viện gần đó để phục hồi nữa, mà thay vào đó là bị xóa sổ hoàn toàn.
Tuy nhiên, lối chơi hấp dẫn của game vô tình bị níu lại bởi những lỗi khá kì lạ, như NPC đi bộ hoặc tương tác với môi trường không phù hợp. Có lúc một vụ nổ súng ngẫu nhiên sẽ xảy ra, nhưng lại chẳng thấy được ai đang bắn. Lúc thì sau sau khi hack một con drone, những chiếc xe hơi ở bãi đậu xe bên dưới sẽ ngẫu nhiên xáo trộn, hoàn đổi với những chiếc hoàn toàn khác. Watch Dogs: Legion đã gặp phải không ít chỉ trích vì những lỗi kĩ thuật khác nhau, từ xé hình khi đang lái xe, những lỗi kì lạ, và engine vật lý có thể trở nên quái đản trong một vài trường hợp.
Mặc dù bản thân trò chơi vẫn tính sát thương khi bị ngã, đôi lúc nếu người chơi bị tông bởi một chiếc xe máy và văng lên thì khi rớt xuống sẽ lại rất ... nhẹ nhàng, như thể chưa có chuyện gì xảy ra cả. Với phiên bản Xbox One, game thỉnh thoảng bị văng, gây nên vấn đề nghiêm trọng mà Ubisoft hiện đang tìm cách sửa, may mắn là game cho lưu thường xuyên, nên tiến trình không bị mất quá nhiều. Tuy game hiện đang lên kế hoạch cung cấp một loạt các chế độ chơi trực tuyến hoàn chỉnh, bao gồm Classic Invasion và co-op thế giới mở, nhưng hiện tại chúng vẫn chưa sẵn sàng. Mảng chơi online của game sẽ bắt đầu vào tháng 12, nên người hâm mộ sẽ phải chờ thêm một chút nữa.
Watch Dogs Legion cũng đi theo mô-tuýp của các game Ubisoft khác, khi cung cấp hệ thống Microtransactions bao gồm các đặc vụ mới, tiền trong game, trang phục và nhiều thứ khác. Không một thứ nào trong số đó có thể phá vỡ sự cân bằng của game, mà tập trung hơn vào việc tiết kiệm thời gian cho người chơi, và không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua. Tóm lại, Watch Dogs Legion là một tựa game phù hợp với những người hâm mộ thương hiệu này, khi nó tiếp tục sử dụng nền tảng lối chơi vững chắc của các bản tiền nhiệm. Mặc dù việc thiếu một nhân vật chính có thể không phải điểm thu hút với tất cả mọi người, nó lại hoạt động hết sức hiệu quả. Xuyên suốt 3 phiên bản, Watch Dogs đã giới thiệu ngày một nhiều sự tự do của người chơi, nhưng với Legion, mọi thứ còn được nâng lên một "tầm cao mới". Watch Dogs Legion hiện đang phát hành trên PC, PS4, Xbox One, Google Stadia và Xbox Series X, và sẽ ra mắt trên PS5 vào ngày 24 tháng 11.
Bài cùng chuyên mục