Từ trước đến nay, các tựa game bạo lực thường bị đem ra làm ví dụ khi giới truyền thông cần lên án trò chơi điện tử. Nhưng nếu ở một mức độ chừng mực nào đó, không thể phủ nhận mức độ giải trí chúng mang lại
Game bạo lực, một cụm từ mà giới truyền thông vô cùng yêu thích để nói về những tác hại của việc chơi game nhằm khiến cho người ta tin rằng game có ảnh hưởng xấu đến những người chơi. Tuy vậy,, không thể phủ nhận trong những trường hợp nhất định, việc "xả stress" vào các tựa game bạo lực có thể giúp chúng ta thoải mái hơn. Một số tựa game bạo lực thậm chí còn mang đến những lối chơi vô cùng ấn tượng, đồ họa đặc biệt, tạo ấn tượng vô cùng đặc sắc cho giới game thủ. Hãy cùng điểm qua những tựa game bạo lực giúp game thủ giải tỏa bớt những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống NẾU chơi có chừng mực.
Hotline Miami
Nhà phát triển: Dennaton Games, Abstraction
Ngày phát hành ban đầu: 23/10/2012
Nhắc đến game bạo lực, chắc chắn không thể bỏ qua Hotline Miami, tựa game bắn súng góc nhìn từ trên xuống do hai nhà làm game Jonatan Soderstrom và Dennis Wedin cùng hợp tác thực hiện. Lấy bối cảnh Miami năm 1989, game cho người chơi điều khiển một nhân vật chính vô cùng kín tiếng,được người hâm mộ gọi là "Jacket", thực hiện những phi vụ tàn sát các băng đảng Mafia Nga. Game pha trộn lối chơi góc nhìn thứ nhất kết hợp hành động bí mật, tính bạo lực cao, cốt truyện siêu thực, cùng âm thanh và hình ảnh lấy cảm hứng từ nền văn hóa thập niên 1980. Game được đánh giá cao bởi cốt truyện, chủ đề, âm nhạc lẫn lối chơi, và nhanh chóng trở thành một "hiện tượng" trong thể loại game bạo lực.
Postal 2
Nhà phát triển: Running with Scissors
Ngày phát hành ban đầu: 14/04/2003
Là một tựa game thế giới mở vô cùng quái đản, Postal 2 nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì mức độ bạo lực, sự rập khuôn và các yếu tố "hài đen", đặc biệt game được chơi hoàn toàn dưới góc nhìn thứ nhất. Lấy bối cảnh thị trấn giả tưởng Paradise, game giới thiệu đến người chơi cuộc sống của The Postal Dude, người được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ "trần tục" xuyên suốt một tuần trong game, tự do quyết định mức độ bạo lực trước những tình huống khác nhau. Game được giới phê bình đánh giá trái chiều khi ra mắt, nhưng vẫn thu hút được một lượng lớn game thủ quan tâm đến nó. Điều thú vị là các nhân vật trong Postal 2 dù mang tạo hình kì dị, nhưng vẫn khiến người chơi có cảm giác họ đang "sống" thực sự, với những hành động tách biệt hoàn toàn so với các hành động của Dude. Nếu bạn có hứng thú với Postal 2 nhưng không thể chịu nổi đồ họa của nó, hãy thử Postal 4: No Regrets với lối chơi bựa tương tự nhưng chắc chắn đẹp mắt hơn.
Doom Eternal
Nhà phát triển: id Software
Ngày phát hành ban đầu: 20/03/2020
Doom, tựa game FPS ra mắt từ năm 1993, gần như đã trở thành một tượng đài khó quên trong lịch sử game. Yếu tố bạo lực đẫm máu, tốc độ nhanh, sự đa dạng vũ khí, ... tất cả đã biến Doom thành huyền thoại. Năm 2016, một bản tái khởi động của thương hiệu này được id Software phát triển và Bethesda phát hành, tiếp tục "nâng tầm" thương hiệu game bắn súng bạo lực đình đám một thời. Và nay, phần tiếp theo của nó, Doom Eternal, tiếp tục thể hiện sức hút mạnh mẽ với phần chơi chiến dịch được đầu tư hơn cho cốt truyện, đồ họa, thiết kế màn chơi, âm thanh lẫn cơ chế chiến đấu đều được đẩy lên cao hơn. Dù vẫn còn một số người không thích vì việc tập trung nhiều vào cốt truyện, vẫn không thể phủ nhận Doom Eternal chắc chắn là một trong những tựa game bạo lực đáng chơi nhất trên PC.
My Friend Pedro
Nhà phát triển: DeadToast Entertainment
Ngày phát hành ban đầu: 20/08/2019
Vốn là một tựa game chơi trên nền web từ những năm 2014, 2015, My Friend Pedro đã được công bố sẽ phát triển hoàn chỉnh vào tháng 12 năm 2015, và bốn năm sau thì chính thức ra mắt trên PC. Game nói về một nhân vật chính vô danh đeo mặt nạ, vượt qua những màn chơi khác nhau và tiêu diệt vô số kẻ thù. Lối chơi của My Friend Pedro là điểm sáng nhất, khi cho phép người chơi sử dụng nhiều loại vũ khí và kĩ năng khác nhau để tiêu diệt kẻ thù, đồng thời bổ sung thêm khả năng lộn nhào để né đạn hay tua chậm thời gian để tạo nên những pha slow-motion cực kì đẹp mắt. Bên cạnh đó, game còn sở hữu đồ họa và âm thanh cực kì ấn tượng, với một cốt truyện ẩn chứa điều bất ngờ ở cuối game. Tuy có thời lượng không quá dài, với việc "tính điểm" cho người chơi sau mỗi lần qua màn, My Friend Pedro luôn có giá trị chơi lại để người chơi tìm ra những phương pháp xử lý kẻ địch nhanh chóng hơn nhằm đạt điểm số cao hơn.
Killer 7
Nhà phát triển: Grasshopper Manufacture
Ngày phát hành ban đầu: 07/07/2005
Không có nhiều tựa game bạo lực tạo được ấn tượng đủ mạnh mẽ để gầy dựng một cộng đồng hâm mộ trung thành, qua đó góp phần khiến cho hãng phát triển có thêm động lực tiếp tục cho ra đời những sản phẩm chất lượng, và Killer 7 là một trong số đó. Được Capcom phát hành vào năm 2005 trên PS2 với GameCube, Killer 7 đưa người chơi đến với câu chuyện về một nhóm sát thủ chuyên nghiệp được gọi là "Killer7". Các sát thủ, dưới sự cố vấn của một người đàn ông tên Harman Smith, đã thực hiện nhiều phi vụ thay cho chính phủ Hoa Kỳ. Xuyên suốt các nhiệm vụ này, nhóm Killer7 khám phá ra một âm mưu khủng khiếp liên quan đến vai trò của Nhật Bản trong chính trị Mỹ, và các bí mật về bản chất tổ chức của họ.
Là tựa game đầu tiên của Suda51 được phát hành bên ngoài Nhật Bản, Killer7 mang đến những đánh giá trái chiều do sơ đồ điều khiển lạ lẫm, lối chơi tuyết tính và hệ thống cốt truyện phức tạp. Giới phê bình đánh giá cao cơ chế điều khiển và hướng tiếp cận cách điệu của nó, trong khi nhiều người lại cảm thấy game khó hiểu và hạn chế người chơi. Nhưng âm nhạc, cách trình bày, phong cách đồ họa và một cốt truyện kích thích tư duy đã khiến cho Killer7 được xem là một tựa game kinh điển, góp phần giúp Suda51 có thêm động lực thực hiện một bản Remastered trên PC vào năm 2018, và nối tiếp là tựa game No More Heroes cực kì thành công.