Ngày 19/7/2010, Tiến sĩ David Warren, nhà khoa học lớn của Australia, cha đẻ của thiết bị ghi chép bay ( gọi là "Hộp đen") hàng không đã qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Warren đã có cống hiến vô cùng quý báu về vấn đề an toàn cho công nghiệp hàng không thế giới.
David Warren sinh năm 1925 tại một vùng xa xôi hẻo lánh miền Bắc Australia. Năm 1934, cha của Warren bị thiệt mạng vì tai nạn máy bay thảm khốc, đây là một trong những vụ không nạn sớm nhất ở Australia, tạo ra cú sốc lớn đối với cậu bé Warren mới 9 tuổi - về cái chết của cha do máy bay rơi không rõ nguyên nhân!
Nhân ngày sinh lần thứ 8 của Warren, cậu bất ngờ được cha tặng cho món quà độc đáo - một chiếc máy thu thanh (radio). Warren rất vui, thường sử dụng nó để nghe mục tin tức khoa học kỹ thuật buổi tối hàng ngày sau khi cả nhà tắt đèn đi ngủ. Chiếc radio này đã khiến Warren trở nên hứng thú say mê tìm hiểu về thiết bị điện tử. Năm 1951, Warren tốt nghiệp ngành cơ điện, Đại học Sydney, sau đó xin vào làm việc tại một cơ sở nghiên cứu của ngành hàng không Australia.
Năm 1953, chiếc máy bay phản lực hàng không dân dụng đầu tiên trên thế giới do Công ty D. Havilan, Anh nghiên cứu chế tạo - máy bay khách "Comet" (sao chổi), đã xảy ra sự cố và rơi trên lãnh thổ Australia. Lúc đó, Warren đang làm việc tại Phòng Thực nghiệm nghiên cứu Hàng không Melboure, Australia đã được cử tham gia đoàn điều tra tìm nguyên nhân sự cố.
Sau lần kiểm tra này, cùng với ký ức về cái chết của người cha năm xưa cũng do máy bay rơi, Warren nảy sinh ý tưởng nghiên cứu chế tạo một loại thiết bị ghi chép bay. Mọi sự bắt nguồn từ những thiết bị ghi âm âm nhạc, Warren cho rằng, nếu như các cuộc đối thoại của các phi công và các số liệu thông tin của các thiết bị trên máy bay được tiến hành ghi chép bảo tồn, thì chắc chắn có thể có cơ sở tìm ra được các nguyên nhân, manh mối để điều tra và giúp phát hiện sự cố máy bay.
Phải mất gần 3 năm, năm 1956, Warren và các đồng nghiệp mới thực nghiệm thành công mẫu “hộp đen”, có thể lưu giữ được đầy đủ ngữ âm và các số liệu bay trong khoảng thời gian bay 4 giờ đồng hồ.
Nhưng kết quả nghiên cứu này lại bị giới hàng không Australia bài xích, ngay cả phía Không quân hàng không Hoàng gia Australia cũng cho rằng, "Phạm vi công dụng của loại thiết bị này không lớn, không giúp cho giải thích nguyên nhân sự cố...", "hộp đen" không được ứng dụng!
Warren không nản lòng, anh đã tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. Năm 1958, một quan chức hàng không Anh sau khi tiếp cận với phát minh của Warren, lập tức đồng ý giúp tiền bạc cho Warren thực hiện chế tạo “hộp đen” tại đất nước Anh.
Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu tiến hành cải tiến hoàn thiện cao hơn, Warren cùng nhóm nghiên cứu đã chế tạo ra một loại mô hình “hộp đen” kiểu mới; thiết bị ghi chép bay được đặt vào trong một chiếc hộp chống rung, chống cháy. Với sự giúp đỡ và quảng cáo của Anh, “hộp đen” được sản xuất và bán ra nhiều nước trên toàn thế giới. Đặc biệt là sau đó với một vài vụ sự cố rơi máy bay, những “hộp đen” tìm thấy đã chứng minh tác dụng thần kỳ của nó, tìm ra nguyên nhân xảy ra không nạn.
Điều thú vị là, đến năm 1960, tại bang Queensland, sau khi xảy một vụ không nạn lớn, Australia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện cưỡng chế bắt buộc tất cả các máy bay quân dụng và dân dụng đều phải lắp đặt “hộp đen”.
Từ nửa sau của thế kỷ XX đến nay, “hộp đen” đã được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng không thế giới, trở thành một loại thiết bị tiêu chuẩn phải có trên máy bay của tất cả máy bay thương dụng và đa số máy bay quân dụng trên toàn thế giới. Để dễ nhận biết, vỏ ngoài của “hộp đen” đều được sơn màu vàng tươi, bên ngoài còn được bọc dây đai phản xạ.
Chính phủ Liên bang Australia đã công bố tặng thưởng Huân chương quốc gia Australia cho Warren, đây là vinh dự cao nhất mà người dân bình thường được trao tặng. Năm 2008, để biểu thị tấm lòng tôn kính đối với Warren, Công ty Hàng không Australia đã lấy tên của ông đặt tên cho một chiếc máy bay khách A380 lớn nhất thế giới hiện nay.
Cùng với thời gian, “hộp đen” cũng không ngừng được đổi mới thế hệ. Hiện nay, “hộp đen” không những có thể ghi lại được âm thanh và số liệu bay trong khoang lái, khoang hành khách..., mà nó còn chịu được trong môi trường khắc nghiệt, như nhiệt độ cao, cao áp, va chạm mạnh...
“Hộp đen” thông thường được làm từ kim loại, hợp kim và một số nguyên liệu đặc biệt bền chịu nhiệt cao, có năng lực chống cháy, chịu áp, chống rung chấn... rất mạnh. Vì vậy, cho dù máy bay đã bị rơi và phá hủy hoàn toàn, nhưng âm thanh và các số liệu ghi chép trong hộp đen vẫn có thể được bảo tồn hoàn hảo