Gacha có nguồn gốc từ “gachapon” – là một loại máy bán hàng tự động của Nhật Bản phân phối các viên nang nhựa có chứa đồ chơi. Các đồ chơi thường là các nhân vật chính của các bộ truyện tranh hoặc phim hoạt hình nổi tiếng và mục tiêu của người mua là hoàn thành được một bộ sưu tập.
GACHA LÀ GÌ ?
Gachapon là âm thanh thỏa mãn mà máy tạo ra khi người chơi quay Gacha và nhận được vật phẩm.
Hiện nay các máy này vẫn còn đang được sử dụng phổ biến. Gacha có thể có sức gây nghiện khủng khiếp. Rất nhiều thứ có thể bỏ vào trong các viên nang để người mua thu thập. Vì người chơi Gacha không biết họ sẽ nhận được món đồ chơi nào, họ phải tiếp tục chơi để hoàn thành bộ sưu tập của mình rồi khoe với bạn bè hoặc chỉ đơn giản là thỏa mãn thú vui của mình.
Hầu như tất cả các game trên nền tảng mobile thành công của Nhật gần đây đều tích hợp cơ chế này. Đáng kể nhất phải nhắc đến Puzzles & Dragons.
Trong Thiết kế Game, Gacha được đưa vào để tái hiện sự phấn khích mà các máy bán hàng tự động mang lại. Người chơi sẽ quay các Gacha ảo để nhận được các vật phẩm có giá trị trong game (trang bị hiếm, nhân vật, thẻ tướng hoặc có thể là tất cả mọi thứ ).
Thuật ngữ gacha game thường chỉ được dùng khi chỉ các game di động miễn phí đến từ các nhà phát hành bên Nhật Bản có loại hình gacha này là phương thức kiếm tiền chủ yếu (và ôi chu choa nó hiệu quả kinh hồn ấy). Mấy ông làm game thích cái kiểu này ghê hồn, vì nó kiếm tiền rất là hiệu quả dựa trên bản năng của con người: đã có cái gì thì phải có full bộ mới chịu. Và trước khi full bộ thì đã ra đường ngồi lúc nào không hay. Hoặc đơn giản chỉ là người ta thích việc niềm vui bị giới hạn bởi cơ chế RNG. Cũng tùy, mà ngắn gọn lại là game gacha có sức hút rất lớn.
Ngay cả các ông lớn như Square Enix hay Nintendo cũng đã phát hành những game gacha dựa trên nhân vật của các dòng game nổi tiếng sẵn của mình, lần lượt là Final Fantasy và Fire Emblem. Dạo gần đây cũng có vài cuộc tranh cãi trong làng game rằng gacha các kiểu các thứ này đơn giản chỉ là một loại cờ bạc, và một số nước châu Âu cũng đã lên án việc này và bắt các developer phải công khai tỉ lệ trúng thưởng của game mình ra. Tuy việc này không có tăng độ hên của game thủ hơn là bao, nó cũng góp phần trong việc làm cho việc chơi game minh bạch hơn một chút, và giúp game thủ biết lựa chọn tỉ lệ ra đồ hiếm đủ cao để đầu tư thời gian cày cuốc.
Ngoài ra, nó còn giúp loại bỏ hoàn toàn loại hình “gacha hoàn toàn“ ra khỏi nhiều game. Có thể tạm hiểu “gacha hoàn toàn” này là bạn gác hết hi vọng của mình vào bên trong một món vũ khí tối thượng là thẻ tín dụng ấy, bạn phải quay ra một mớ đồ xoàng xong rồi phang chúng nó với nhau để ra 1 món đồ hiếm, sau đó, phang mớ đồ hiếm đó để ra đồ siêu hiếm, vân vân và vân vân. Gacha kiểu này cực kì khó chịu và ơn giời là nó đã bị bỏ đi vì lý do là quá giống với cờ bạc và chỉ là một hình thức làm tiền trắng trợn.
Fire Emblem Heroes…
Final Fantasy Brave Exvius…
Có lẽ là nhiêu đó là tạm đủ khi nói về gacha game, và bây giờ là tại sao gacha game lại có sức hút lớn tới như vậy? Tại con người dễ nghiện quá chứ sao. Người chơi ba cái trò này thường tự nhủ với bản thân “Hay là mình quay thêm lượt nữa ta, lỡ lượt này mình trúng con mạnh thì sao” và quá trình này cứ lặp đi lặp lại tới khi chán chê. Tuy nhiên, game gacha không chỉ kiếm tiền dựa vào đặc điểm này của con người mà còn đánh vào yếu điểm của con người, là sợ mình bỏ lỡ cái gì đó quan trọng. Thiệt luôn, game gacha nó đánh vô tâm lý rất chuẩn. Giả sử thế này, bạn có con Cục Bột, 5 sao và thuộc hàng mạnh nhất game.
Hết khoảng tuần, hai tuần là lại có một cái banner nói rằng “Xuất hiện nhân vật Cục Đất, 5 sao với tuyệt chiêu Ăn Đất Mà Sống, tỉ lệ trúng đã được nhân đôi chỉ trong ngày hôm nay, quay ngay kẻo lỡ!” Không ít thì nhiều, bạn cũng bị ảnh hưởng bởi những lời nói đường mật này mà quên mất Cục Bột của mình rồi lại chi thêm vài trăm kim cương để quay trúng Cục Đất nhưng không may bạn chỉ toàn trúng Cục C*t thì bố ai chả thở dài thườn thượt cho được. Gacha game khai thác nỗi sợ này rất hiệu quả, và sau một thời gian thì một sự kiện mới lại được tung ra. Sự kiện này nối đuôi sự kiện khác và bạn với tư cách là người chơi chỉ có cách chơi hoài chơi tiếp với mong muốn quay trúng Cục Đất. Mà ngay cả khi bạn trúng Cục Đất đi chăng nữa thì 2 tuần sau game nó lại phát hành ra Cục Mỡ!
Các loại banner đầy sức cuốn hút trong FFBE.
Thêm vào đó, game gacha có những hệ thống độ khó khá là buồn cười. Nói là buồn cười vì đa số story mission dễ như ăn chuối, và phần thưởng của bạn thì lúc nào cũng nhiều. Tuy là rác, nhưng nhiều. Bấy nhiêu đó cũng đủ thu hút bạn cứ chơi mãi không thôi vì dễ chơi dễ trúng thưởng thì ai mà chả thích. Tuy nhiên, khi bạn đã cắn ngập răng vào một game đủ lâu thì bạn sẽ nhận ra rằng sự rộng lượng của nhà phát hành game cũng chỉ kéo dài khoảng vài ba tuần chơi game mà thôi. Lúc đó thì phần gacha sẽ thu hút bạn nhiều hơn là phần game, và thời gian quay thưởng và ngắm thành tích sẽ nhiều hơn hẳn thời gian bạn thực sự chơi game. Hơn nữa, một vài sự kiện sẽ cần bạn có một đơn vị có lực chiến đủ mạnh để đánh boss và down the rabbit hole we go…
Thường thường mấy unit mạnh sẽ có đủ loại chiêu thức, tuy không bá đạo nhưng phần miêu tả dài đến độ bạn nghĩ là nó sẽ bá đạo kinh khủng nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Lâu lâu vài game lớn cũng có crossover với các dòng game nổi tiếng khác, chẳng hạn như Final Fantasy Brave Exvius đã từng crossover với NieR: Automata và bạn không biết tui muốn một con 2B như nào đâu, nhưng quay mãi cũng chỉ được 21O (một unit khá gà) làm tới. Trong sự kiện crossover này, FFBE đã thu được lợi nhuận kinh khủng vì sức hút của NieR: Automata cộng thêm chiến dịch marketing chất lượng. (À mà bây giờ đang có event crossover với Xenogears đấy, nên là… e hèm) Destiny Child cũng có crossover với Hatsune Miku, rồi game Shin Megami Tensei: Liberation Dx2 có crossover với Devil May Cry 5, vân vân. Trong FFBE có cả một unit riêng cho Ariana Grande, cô ca sĩ ấy. Yep, that’s a thing. Nói chung là ăn theo hầm bà lằng, nhưng mỗi lần ăn theo vậy là thu về hơi bộn đa.
Nguồn: Hiepsibaotap và thietkegame.com