Vào ngày 11.1, trên bầu trời Việt Nam sẽ xuất hiện nguyệt thực nửa tối lớn nhất năm 2020. Đây là hiện tượng khi Mặt Trăng đi vào bóng nửa tối của Trái Đất
Nguyệt thực nửa tối là gì?
Theo Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam VACA, sau sự kiện thiên văn mưa sao băng diễn ra cực đỉnh vào ngày 4 - 5.1 vừa qua thì trong tháng 1, Việt Nam cũng sẽ chứng kiến một hiện tượng thiên văn kỳ thú khác vào ngày 11.1.
Cụ thể, vào ngày mai 11.1 sẽ xuất hiện nguyệt thực nửa tối. Đây là hiện tượng khi Mặt Trăng đi vào bóng nửa tối của Trái Đất. Khác với nguyệt thực một phần hoặc toàn phần, trong nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất - khu vực vẫn nhận được một phần đáng kể ánh sáng Mặt Trời.
Do đó nó không tối hẳn lại và trở nên đỏ thẫm như nguyệt thực một phần hoặc toàn phần. Thay vào đó, Mặt Trăng chỉ tối lại đôi chút và xuất hiện sắc đỏ nhạt. Tại những khu vực quá ô nhiễm hoặc có một lớp mây mỏng che phủ, ngay cả khi nhìn thấy Mặt Trăng bạn sẽ khó nhận ra sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên, nếu thời tiết đủ lý tưởng ( không có mây ) và không khí không quá ô nhiễm, bạn vẫn sẽ thấy đây là một hiện tượng thú vị để theo dõi.
Thời gian quan sát nguyệt thực ngày mai
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam VACA, trong năm 2020 này, có ba lần nguyệt thực nửa tối diễn ra và có thể quan sát tại Việt Nam.
"Trong số đó, lần sẽ xảy ra vào cuối tuần này là đáng chú ý nhất bởi có độ che phủ lớn nhất và Mặt Trăng sẽ ở cao trên bầu trời để dễ dàng quan sát được khi trời không mây. Theo giờ Hà Nội (các tỉnh thành khác cũng tương tự), nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 00h07 rạng sáng thứ bảy, đạt cực đại vào lúc 02h10 và kết thúc lúc 04h12" - ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam VACA cho hay, vào thời điểm cực đại, trên 80 % đĩa sáng Mặt Trăng sẽ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất và trở nên tốt hơn, đồng thời chuyển sang màu đỏ nhạt.