Review Beastars - Câu chuyện động vật sâu sắc, nhân văn, chân thật hơn cả loài người
Với câu chuyện về thế giới động vật giống với phim hoạt hình Zootopia, Beastars hiện là manga/anime được đánh giá cực kì cao tại Nhật Bản. Truyện này có gì hay mà thu hút đến vậy?
Beastars là gì? Sơ yếu lý lịch Beastars
Beastars là manga Nhật Bản được sáng tác bởi Paru itagaki, con gái của Keisuke Itagaki (Baki). Truyện phát hành vào tháng 9 năm 2016 trên Weekly Shonen Champion và vừa kết thúc vào cuối năm 2020.
Beastars được lấy tên dựa trên danh hiệu Beastar, danh hiệu dành cho những động vật có sức ảnh hưởng nhất trong thế giới động vật. Bên cạnh đó, Beastars còn có nghĩa là Be-a-stars, tức nhấn mạnh khao khát vươn lên thay đổi xã hội của các nhân vật.
Trong thời gian phát hành, Beastars đã nhận về vô số lời khen ngợi bởi câu chuyện đặc biệt thu hút cùng phần hình ảnh đậm chất nghệ thuật. Truyện đã giành được vô số giải thưởng văn học uy tín, trong số đó nổi bật nhất là giải thưởng Manga Taishou. Truyện cũng góp mặt trong Bảng xếp hạng 50 manga được yêu thích nhất năm 2020.
Ở chương Beastars cuối cùng, tác giả Paru đã hứa hẹn rằng một phần truyện khác có tên Beast Complex lấy bối cảnh thế giới động vật sẽ sớm ra mắt trong năm 2021. Hiện tại, Beastars có tất cả 22 tập truyện và có điểm số 8.44 trên MyAnimeList. Manga cũng được chuyển thể thành anime và phần thứ hai sẽ sớm lên sóng vào tháng 1 năm sau trên Netflix.
Xem thêm: TOP 15 anime hay nhất năm 2021: Mới đầu năm đã toàn siêu phẩm cạnh tranh gay gắt (Phần Hai)
Tóm tắt cốt truyện Beastars
Tương tự tựa phim hoạt hình Zootopia của Walt Disney, Beastars lấy bối cảnh tại một thế giới nơi động vật nói chuyện, sinh hoạt, làm việc như con người. trong thế giới này loài ăn thịt không được ăn thịt và họ phải tập cách sống hòa thuận với loài ăn cỏ.
Nhân vật chính của Beastars là Legosi, một chàng gấu xám to lớn. Cậu học tại học viện Cherryton và là thành viên của câu lạc bộ kịch nghệ. Đối lập với tính cách nhút nhát của Legosi là chàng nai đỏ Louis. Mang thân phận của một thiếu gia danh giá, Louis là bộ mặt của câu lạc bộ và là ứng cử viên cho vị trí Beastars tương lai.
Đứng giữa hai chàng trai này là Haru, cô thỏ nhỏ nhắn luôn sống đúng với bản chất của mình. Cô luôn bị xa lánh bởi những động vật khác vì nhiều lời đồn không mấy hay ho. Haru là bạn tình của Louis và là “crush” của Legosi.
Mọi biến cố trong Beastars bắt đầu từ việc một cậu lạc đà tên Tem, thành viên câu lạc bộ kịch bị ăn thịt. Sự cố này khiến cả học viện rơi vào hoang mang khi không rõ ai là kẻ thực hiện hành vi này. Từ đây, những câu chuyện xoay quanh Legosi, Louis và Haru bắt đầu.
Mặc dù cũng có mạch truyện chính, Beastars lại không quá tập trung vào nó mà thường thêm vào các câu chuyện đời thường nhằm làm rõ tính nhân văn, tính kịch của thế giới động vật vậy nên đừng bất ngờ nếu bạn cảm thấy Beastars có hơi rườm rà nhé. Mỗi chương truyện đều có nội dung ý nghĩa và lí do của mình đấy.
Xem thêm: Beastar, Kimetsu No Yaiba và TOP 10 siêu phẩm anime hay nhất có hình ảnh ăn đứt manga (Phần Cuối)
Beastars – Đầy chiêm nghiệm về xã hội khắc nghiệt nhưng cũng mang đậm màu sắc nghệ thuật bay bổng
Legosi, Louis là cặp đôi đối lập làm nổi bật nhiều giá trị của Beastars
Với nội dung phản ánh xã hội đời thực cùng những mảng tối của chúng, Beastars có nét hơi giống với những manga tâm lí như Death Note, Homunculus, Oyasumi Punpun,… Tuy vậy, câu chuyện của Beastars lại có phần khá tươi sáng và đậm chất thơ nhờ phần hình ảnh nhẹ nhàng cùng cách dẫn chuyện vừa chiêm nghiệm vừa hài hước.
Chợ Đen trong Beastars là nơi buôn bán thịt động vật ăn cỏ cho loài ăn thịt
Bằng cách sử dụng hình ảnh các loài vật, Beastars tinh tế đề cập đến rất nhiều vấn đề nóng hổi như: phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tôn giáo,… Các mặt tối như mại dâm, mua bán nô lệ, chợ đen cũng được đưa vào thế giới động vật, từ đó đem lại sự đa dạng góc nhìn. Tính đến hiện tại, có lẽ Beastars là manga duy nhất làm được điều này nhưng lại ngập tràn cảm xúc mà vẫn không đem đến cảm xúc tiêu cực cho độc giả.
Xem thêm: Top 12 manga vi phạm “thuần phong mỹ tục” vì quá đen tối, tình dục và tệ nạn xã hội (Phần Cuối)
Beastars và câu chuyện nhân quyền
Trong Beastars, ngoài những soi chiếu từ xã hội, câu chuyện xoay quanh Legosi, Louis, Haru còn đặt ra nhiều câu hỏi về nhân quyền và về việc “sống thật”. Truyện liên tục khiến ta tự vấn rằng: “Sống với đúng bản chất con người mình mới là điều nên làm hay sống theo quy chuẩn xã hội mới là đúng?”. Chỉ khi đến những chương cuối cùng, câu hỏi này mới có lời giải đồng thời làm người đọc vỡ ra nhiều bài học quý giá mới.
Beastars không thật sự có kẻ xấu, cũng không có ai đúng hoàn toàn. Tất cả thiện – ác, trắng – đen đều có nguồn gốc của nó và ta chỉ được quyền phán xét khi hiểu rõ từ cả hai bên. Đây chắc hẳn là bài học quý giá nhất dành cho giới trẻ ngày nay khi nạn cyberbully (bắt nạt qua mạng) đang ngày càng biến tướng dưới sự lèo lái của nhiều nguồn dư luận khác nhau.
Xem thêm: Review siêu phẩm hack não: Summer Time Render – Manga vòng lặp thời gian xen lẫn tâm linh kì bí
Beastars có thật sự hấp dẫn?
Công bằng mà nói, nếu bạn đang mong đợi Beastars sẽ là manga động vật đánh nhau như trong Đấu Trường Thú – Bloody Roar thì…xin lỗi, bạn sai rồi. Beastars tuy vẫn có nhiều phân cảnh hành động nhưng phần lớn nội dung manga mang thiên hướng tâm lí rất rõ rệt. Điều này sẽ khiến mạch truyện Beastars có chút chậm nhưng hoàn toàn phù hợp để độc giả hòa vào thế giới động vật kì thú kia.
Beastars sẽ đặc biệt KHÔNG HAY với những ai đọc lướt bởi tinh túy của manga nằm trong từng câu thoại và cả thời gian mà ta dành cho nó. Vậy nên với những ai đang có ý định tìm đọc Beastars, hãy đọc thật kĩ nó để thấy truyện hay thế nào nhé.
Lag.vn đánh giá: Beastars đạt 8.5/10.
Xem thêm: Danh sách tất cả các anime đông 2021 và lịch công chiếu của chúng trong tháng 1 (Phần 1)
Bài cùng chuyên mục