Dường như Top 5 điều sau đây là cái “dớp” khó có thể thay đổi của Shonen Jump TV anime khi phần lớn các tựa phim đều có sự tương đồng không hề nhẹ.
Shonen Jump anime thường dài, thậm chí quá dài!
Với vị thế là nhà xuất bản hàng đầu Nhật Bản, những manga đến từ Jump đều được đón nhận cực kì mạnh mẽ trên toàn thế giới. Hầu hết các tác phẩm ăn khách đều được chuyển thể thành anime nhằm đem lại lợi nhuận cũng như góp phần khuếch đại sự thành công của tác phẩm gốc.
Dài cũng tốt đấy, nhưng mà chất lượng thế này thì...
Mặc dù việc làm này hoàn toàn có lợi cho cả Shonen Jump lẫn người hâm mộ, nhưng nó lại dẫn đến nhiều hệ lụy mệt mỏi khác. Nhiều anime chuyển thể như One Piece, Black Clover, Boruto… được sản xuất dưới dạng TV anime (ra mắt liên tục mỗi tuần) với số tập phim lên đến hàng trăm! Điều đáng nói là chất lượng, nội dung anime đôi lúc không được chăm chút kĩ lưỡng mà chỉ chú trọng vào “số lượng” đã khiến không ít người hâm mộ phải lắc đầu ngao ngán.
Để nói chi tiết về điều này sẽ cần cả một bài viết chỉn chu nên Lag.vn sẽ chỉ dừng lại ở đây.
Kiểu mẫu nhân vật rập khuôn, thiếu đột phá
Nếu đọc một số lượng đủ nhiều các tác phẩm đến từ Shonen Jump, bạn sẽ nhận ra rằng các nhân vật từ những manga/anime khác nhau thường có điểm gì đó rất…giống nhau. Chẳng hạn như Luffy của One Piece và Goku của Dragon Ball, Tsuna của Hitman Reborn và Sena của Eyeshield21, cặp đôi Yuno – Asta trong Black Clover và Naruto – Sasuke trong Naruto,…
Có thể thấy, các nhân vật đến từ Jump thường đi theo một bộ khuôn khá “thương mại”. Dù không có nhiều đột phá nhưng những tuyến nhân vật này vẫn hút khách và không ngừng ăn nên làm ra. Đây có lẽ vừa là điểm yếu nhưng cũng là điểm đặc biệt của những tác phẩm đến từ Shonen Jump.
Xem thêm: Shonen manga sẽ Không-Bao-Giờ chết và những lí do cho việc đó!
Filler và Padding khá nhiều
Naruto là anime thường xuyên bị nhắc đến khi nói về Filler
Filler, Padding là hai định nghĩa dùng để chỉ những nội dung, tình tiết được nhà sản xuất anime thêm vào, không hề tồn tại trong bản manga. Mục đích của việc làm này đến từ hai lí do:
- Thứ nhất – đảm bảo phát hành tập mới mỗi tuần: Shonen Jump anime thường là TV anime, tức chiếu định kì hàng tuần (One Piece, Naruto, Black Clover,…). Vì một tập anime thường sẽ bao gồm nội dung của nhiều chương truyện, sớm muộn gì cũng tới lúc manga chưa ra mà phim đã đuổi đến nơi. Vậy nên, để tạo ra giãn cách vừa đủ giữa manga và anime, nhà sản xuất sẽ thêm vào các nội dung “mới” nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến mạch truyện.
- Thứ hai – duy trì tỉ suất người xem, thu hút fan manga: Với việc có thêm những nội dung mới, anime sẽ là sản phẩm thay thế lí tưởng dành cho những fan manga đang quá thiếu hơi tác phẩm yêu thích của mình.
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, Filler và Padding vẫn bị nhiều khán giả lên án. Họ cho rằng đấy là chiêu trò của nhà sản xuất nhằm cố gắng kiếm thêm lợi nhuận mà bở qua lợi ích của người hâm mộ.
La hét, la hét và… la hét
Đây hẳn là vấn đề quá là thân thuộc với khán giả của Shonen Jump manga/anime. Nhân vật vui? Cậu ta la hét. Nhân vật quyết tâm? Cậu ta la hét. Nhân vật chuẩn bị chiến đấu? Cậu ta cũng la hét. Tiếng hét tuy là một công cụ khá hữu ích để khơi dậy cảm xúc người xem, nhưng việc nó xuất hiện quá nhiều khiến nhân vật trở nên khá ấu trĩ và biến khán giả thành nạn nhân của ô nhiễm tiếng ồn.
Hmmm...Tôi có thể nghe được tấm ảnh này
Điển hình nhất cho điểm yếu này chính là nhân vật Goku, Luffy và Asta. Tuy nhiên, có một anime chuyển thể từ Shonen Jump lại cho hiệu ứng la hét khá tích cực. Tác phẩm đó chính là series đình đám Jojo’s Bizarre Adventure. Ai mà không biết cái meme kinh điển Ora Ora Oraaa đúng không nào?
Xem thêm: Top 10 manga Jump cực đỉnh nhưng không phải Weekly Shonen Jump như One Piece hay Naruto
Thường chú trọng vào hành động, phiêu lưu mà bỏ qua yếu tố tình cảm
Shonen Jump vốn phục vụ cho đối tượng là nam nên các tác phẩm đến từ đây đều cực kì hạn chế, thậm chí không hề có các yếu tố tình cảm lãng mạn (tất nhiên, trừ các tác phẩm thể loại tình cảm như Nisekoi, Bokuben,…). Tất nhiên, vẫn có những cặp đôi đến với nhau. Thế nhưng người xem rất khó để thấy hay cảm nhận quá trình phát triển cảm xúc giữa họ.
Nhiều fan còn tự vẽ cặp đôi yêu thích của mình cho đỡ...thèm
Xem thêm: Bạn đã từng thấy Naruto, Sasuke, Sakura, Hinata,… sexy, hấp dẫn cỡ này bao giờ chưa?
Việc lo sợ những yếu tố tình cảm sẽ làm giảm tỉ suất người xem đã dựng nên một rào chắn, ngăn cản khán giả cảm nhận cảm xúc nhân vật. Theo ý kiến của nhiều người, thay vì Filler những nội dung vô thưởng vô phạt, việc phát triển quan hệ giữa các nhân vật cũng nên được lồng vào nhiều hơn. Hiện tại, điểm yếu này cũng đã được khắc phục phần nào khi các tác phẩm thế hệ sau như Black Clover khá chăm chút vào yếu tố lãng mạn.