Lý Hải chịu chơi, đầu tư lớn cho bối cảnh “Lật mặt nhà có khách”
NSau những ông hoàng phòng vé liên tục đổi ngôi, các khán giả yêu điện ảnh nước nhà lại đang háo hức kỳ vọng vào sự xuất hiện của một “cú nổ” mới mang tên Lật Mặt: Nhà có khách sắp ra mắt vào tháng 4.Cùng tìm hiểu xem, hậu trường phim đã được đầu tư hoành tráng ra sao nhé!
Cối xay gió khổng lồ và đại cảnh xuất hiện 200 cặp cô dâu chú rể
Ngay từ những phân đoạn đầu tiên, Lật mặt: Nhà có khách đã khiến khán giả phải choáng ngợp bởi đại cảnh 200 cặp đôi mặc lễ phục cưới chạy ùa ra đồng cỏ xanh mướt. Đây là bối cảnh vô cùng lãng mạn được ê kíp của đạo diễn Lý Hải đích thân lên ý tưởng và thực hiện. Điểm nhấn của cảnh phim chính là một chiếc cối xay gió khổng lồ cao tới 14 mét, một sản phẩm hoàn toàn do đoàn phim dựng nên để phục vụ cho duy nhất cả quay này.
Vây quanh chiếc cối xay là 400 diễn viên quần chúng được tuyển chọn kỹ càng về mặt ngoại hình, thêm vào đó là hàng trăm nhân viên hậu trường, nâng tổng số nhân lực trên trường quay lên tới con số cả ngàn người. 400 nhân vật cô dâu chú rể tương ứng với 400 bộ váy cưới và vest cưới đều được ê kíp chuẩn bị chỉn chu đến từng chi tiết. Để cảnh quay diễn ra đúng theo ý tưởng của đạo diễn Lý Hải, 400 diễn viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ với sự quản lý, hướng dẫn của đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, rất nhiều máy móc tối tân đã được huy động để bố trí nhiều góc quay nhất có thể, nhằm tạo ra hiệu ứng hoành tráng hiếm thấy trong điện ảnh Việt. Sự công phu và “chịu chơi” của ê kíp Lý Hải Production đã khiến một diễn viên dày dặn kinh nghiệm như Huy Khánh cũng phải trầm trồ và ngỡ ngàng. Nam diễn viên chia sẻ cảnh quay đám cưới hoành tráng này là một trong những cảnh phim anh cảm thấy ấn tượng nhất trong Lật Mặt: Nhà có khách.
Khu nghĩa địa âm u, rùng rợn
Là bộ phim thuộc thể loại mà hài, khá nhiều cảnh quay của Lật mặt: Nhà có khách được thực hiện tại bối cảnh nghĩa địa nhằm nhấn mạnh yếu tố kinh dị hấp dẫn. Ý tưởng ban đầu của đạo diễn Lý Hải là tìm kiếm một khu nghĩa địa vừa rùng rợn vừa đảm bảo về thẩm mỹ, đồng thời là nơi để các diễn viên có thể thỏa sức diễn xuất mà không gặp bất cứ trở ngại nào về địa hình và tâm lý. Lý Hải cùng các chuyên gia đã khảo sát rất nhiều khu nghĩa địa nằm trong rừng nhưng không may mắn gặp được một địa điểm ưng ý. Với tinh thần làm việc chi tiết và cầu toàn, Lý Hải đã quyết định tự thiết kế riêng cho mình một khu nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ nằm gọn giữa vùng rừng núi hoang vu. Đây sẽ là một khu nghĩa địa thực sự khác biệt với các tác phẩm kinh dị trước đây nhưng vẫn tạo ra cảm giác quen thuộc đến lạnh gáy như một nghĩa trang có thật.
Để đạt được hiệu ứng này, Lý Hải xác định tất cả các ngôi mộ sẽ được đắp đất và dựng bia chứ không xây cất công phu để phù hợp với tập quán vùng núi. Dù được thiết kế là bối cảnh ghê rợn nhưng khu nghĩa địa lại để lại cho ê kíp những kỷ niệm rất hài hước. Hàng trăm ngôi mộ sẽ phải tương ứng với hàng trắm cái tên “người đã khuất” ghi lại trên bia. Nhằm tránh sự trùng hợp tình cờ có thể gây rắc rối không đáng có, đội ngũ hậu trường đã buộc phải dùng tên tuổi của chính các anh em trong đoàn để tạc lên những ngôi mộ giả kia. Tưởng mọi người sẽ sợ nhưng bất ngờ là mọi người lại thích và còn hóm hỉnh sefie bên tấm bia mộ có tên mình như một kỷ niệm đáng yêu trong quá trình quay phim.
Phiên chợ vùng cao sầm uất mang đậm dấu ấn dân tộc
Bối cảnh phiên chợ vùng cao tiếp tục là một thử thách mà ê kíp của Lý Hải gặp phải khi tìm kiếm địa điểm quay phù hợp. Từ Tây Nguyên đến Lâm Đồng, vị đạo diễn khó tính cất công lặn lội khắp nơi mà không tài nào tìm thấy một khu chợ vùng cao nguyên đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu như kịch bản. Một lần nữa, các chuyên gia thiết kế lại phải bắt tay vào xây dựng và bài trí một phiên chợ y như thật với đầy đủ các món hàng hóa đặc sản và các loài vật đặc trưng vùng cao. Đặc biệt hơn nữa, toàn bộ các nhân vật quần chúng được sử dụng trong cảnh quay này đều lại những người dân tộc sinh sống ở vùng cao. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh chân thực tối đa.
Số lượng diễn viên quần chúng cực lớn lại là khó khăn cho ê kíp khi hoàn thành cảnh quay. Chỉ cần một vài diễn viên không chuyên diễn xuất lệch khỏi chỉ đạo, toàn bộ đoàn phim hàng trăm người lại phải dựng cảnh lại từ đầu vô cùng khổ cực. Nhưng kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ không làm khán giả phải thất vọng.
Lễ hội thả đèn hoa đăng đầy lung linh
Cảnh phim hoành tráng cuối cùng trong Lật mặt: Nhà có khách là một lễ hội hoa đăng lung linh, huyền ảo. “Để dựng nên bối cảnh này, tổ thiết kế của phim đã phải làm việc suốt nửa tháng. Khung cảnh ở Đà Lạt đã đẹp sẵn rồi nhưng Lý Hải muốn tạo nên sự khác biệt với bất cứ bộ phim hay ảnh chụp nào từng ghi hình tại đó. Cho dù bạn đã đến nơi đây, chắc chắn bạn cũng sẽ không thể nhận ra khung cảnh quen thuộc sau khi đã được ê kíp Lật mặt trang trí lại”, đạo diễn Lý Hải tiết lộ.
Anh đã cho bày trí lại toàn bộ các cây cầu và dựng thêm một chiếc cầu phao để các diễn viên bước ra thả từng cây đèn sáng lung linh xuống dòng sông. Hàng trăm cây đèn hoa đăng và hàng ngàn ngọn nến cùng góp công tạo ra một đêm hội lấp lánh kỳ diệu.
Cũng giống như các phần phim trước, Lật mặt: Nhà có khách là dự án được đạo diễn Lý Hải dồn tâm huyết thực hiện với mức kinh phí khủng lên tới 17 tỷ đồng. Công sức dàn dựng công phu, số lượng diễn viên quần chúng khổng lồ và loạt máy móc hiện đại, tối tân sẽ mang đến cho khán giả những thước phim hoành tráng nhất nhì màn ảnh Việt.
Lật mặt: Nhà có khách sẽ được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 12.04.2019.
Cocaine
Bài cùng chuyên mục