Sau suất chiếu sớm, Pháp sư mù - bản điện ảnh của web drama đình đám YouTube Ai chết giơ tay đã nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía khán giả và giới chuyên môn. Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận rằng sự táo bạo, liều lĩnh và cả sự thông minh của Huỳnh Lập cùng ekip đã mang đến cho phòng vé cuối năm một phim Việt chỉn chu và tròn trịa.
Đề tài về thế giới tâm linh xưa nay vốn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim thoả sức sáng tạo, đồng thời cũng thu hút sự quan tâm của dông đảo khán giả. Tuy nhiên tại Việt Nam, muốn làm phim tâm linh lại là điều không hề dễ dàng khi mà sự kiểm duyệt gắt gao vẫn luôn là điều khiến các nhà sản xuất và phát hành trăn trở.
Huỳnh Lập là một nghệ sĩ còn khá trẻ về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng lại đi ngược lại dòng chảy của thị trường khi mà mọi người chọn cho mình lối đi an toàn thì anh lại đặt mình vào thế khó. Sau thành công của web drama đình đám Ai chết giơ tay - series xoay quanh câu chuyện tâm linh về các linh hồn, về nhóm bạn pháp sư trẻ: Tinh Lâm (Huỳnh Lập), Thuỵ Du (Quang Trung), Liên Thanh (Hạnh Thảo), Pháp sư mù đã ra đời tại rạp chiếu, mang theo khát vọng của những con người trẻ tuổi.
Nội dung Pháp sư mù tiếp nối đoạn kết của Ai chết giơ tay, kể về hành trình giúp đỡ các linh hồn của bộ ba pháp sư. Tuy nhiên, bản điện ảnh lại hé mở thêm mối quan hệ giữa Tinh Lâm và người cậu tên là Út Quái (Đại Nghĩa). Nguyệt Minh (Khả Như) đưa Tinh Lâm đến gặp cậu Út để chữa trị đôi mắt, nhưng chàng trai trẻ và Liên Thanh không ngờ rằng họ đang vướng phải một rắc rối kinh hoàng có liên quan đến cuốn bí kíp mà ba mẹ Tinh Lâm đã để lại trước khi ra đi.
Nội dung phim nhìn chung vẫn giữ được tinh thần mà Ai chết giơ tay đã mang đến cho khán giả. Tuy nhiên, biên kịch trẻ Huỳnh Lập có vẻ đã hơi tham khi đan cài nhiều chi tiết phụ vào phim, khiến nhịp phim bị kéo dài, mạch phim đôi chỗ bị rời rạc. Sự va vấp trong lần đầu bước chân ra màn ảnh rộng là điều không thể tránh khỏi, song phải thừa nhận rằng Huỳnh Lập đã rất thông minh và khéo léo khi sắp xếp cái kết phim không gây hụt hẫng cho người xem như những phim kinh dị Việt từng làm.
Có người cho rằng Huỳnh Lập chỉ nên dừng lại ở Ai chết giơ tay, bởi đơn giản Pháp sư mù không làm họ thoả mãn như cách web drama đã từng. Vấn đề ở đây là chúng ta đã mang tinh thần khi xem web drama áp đặt vào một sản phẩm điện ảnh. Làm phim điện ảnh khác xa với web drama khi mà khâu kiểm duyệt vẫn luôn là điều mà các nhà sản xuất liên tục trăn trở. Làm thế nào để chiều lòng công chúng mà vẫn "vượt ải" thành công? Làm sao để bộ phim được đón nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau chứ không phải chỉ nhắm vào những người trẻ như web drama? Đó là những vấn đề vô cùng hóc búa trong thời buổi phim thị trường đua nhau ra rạp.
Pháp sư mù trên thực tế không phải một bộ phim hoàn hảo, nhưng là một bộ phim được đầu tư chỉn chu và ra đời bằng thái độ làm việc nghiêm túc, có đầu tư của một ekip còn khá trẻ. Đó là sự liều lĩnh và táo bạo, song chính điều này đã thai nghén một tựa phim đi tiên phong cho dòng phim tâm linh, kì dị tại Việt Nam. Không bị cắt một phút nào khi ra rạp, bộ phim đã thể hiện đúng cái chất của Huỳnh Lập xưa nay và cho thấy sự tìm hiểu kĩ lưỡng của anh về thế giới tâm linh kì bí, đầy huyền hoặc.
Có thể Pháp sư mù sẽ không thể chiều lòng những khán giả từng yêu mến Ai chết giơ tay, nhưng đây hoàn toàn là tựa phim có đầu tư, chỉn chu và đáng xem.
Phim chính thức công chiếu toàn quốc từ 08.11.2019.