Nhận được đánh giá tốt ban đầu từ khán giả, nhưng tệ từ phê bình, không khó hiểu khi The Witcher – series gốc mới của đài Netflix khiến nhiều người phân vân về việc có quyết định xem hay không.
The Witcher chuyển thể từ loạt tiểu thuyết và truyện ngắn cùng tên của tác giả người Ba Lan Andrzej Sapkowski. Đây là một trong những series gốc được mong đợi nhất của Netflix, một phần cũng đến từ danh tiếng của tựa game dựa trên tiểu thuyết. Phim theo chân nhân vật Geralt xứ Rivia, một Witcher – Thợ Săn Quái Vật trong hành trình phiêu lưu tiêu diệt các sinh vật hung ác này để kiếm sống. Định mệnh buộc anh phải tìm gặp Công chúa Ciri – Sư Tử Con của Cintra, Đứa Trẻ của Số Phận, nắm giữ sức mạnh ảnh hưởng đến Lục Địa nói riêng và nhân loại nói chung.
Series gồm 8 tập và 2-3 tập đầu có diễn biến hơi chậm rãi nhằm giới thiệu các nhân vật cần thiết như Geralt, Ciri và Yennefer. Lộn xộn và khiến bạn không biết phải trông đợi gì ở series là những gì người viết có thể nói về The Witcher ở những khoảnh khắc đầu tiên. Tuy nhiên, càng về sau, khi đã bắt được nhịp phim và các nhân vật, sự kiện bắt đầu có liên quan với nhau dần, The Witcher kịp lúc cuốn người xem vào câu chuyện và cuộc phiêu lưu của Geralt.
Một chút Game of Thrones, một chút The Lord of the Rings, The Witcher ở những tập đầu chật vật để tìm hướng đi cho mình và người xem nhận ra series đang tự gánh cho mình trách nhiệm nặng nề khi đặt lên bàn cân với các phim và series cùng chủ đề đã quá nổi tiếng. Tập đầu tiên mở tông cho phim khá ổn, nhưng khoảng tập 2 đến tập 3, phim dường như đang “quá cố” để trở thành một Game of Thrones thứ 2. Nhưng về sau, khi đã bắt được nhịp, The Witcher càng lúc càng tìm được nét hấp dẫn riêng. Dù vậy, nhiều khoảnh khắc trong phim có vẻ hơi sến sẩm và dựng phim có khi không được mượt mà. Phần đấu kiếm không có gì phải phàn nàn, nhưng CGI chưa thực sự xuất sắc, phục trang nhìn chung không mấy ấn tượng, nhưng trang phục của các phù thủy, đặc biệt là Yennefer được đầu tư rất đẹp. Dựng bối cảnh, trừ các cảnh nằm trong dòng thời gian quá khứ với màu sắc rực rỡ và ưa nhìn, thì các cảnh nằm trong dòng thời gian hiện tại trông có hơi nhàm chán.
Henry Cavill trong vai chính chắc chắn đã rất đầu tư vào màn thể hiện bởi niềm yêu thích của anh đối với dự án từ những ngày Netflix còn chưa bật đèn xanh sản xuất. Niềm yêu mến của vai diễn đó thể hiện rất rõ qua cách anh thể hiện vai Geralt. Nhưng vì cố quá mà có khi nó khiến người xem thấy anh hơi gồng. Có lẽ Cavill cần thư giãn hơn khi vào vai và hi vọng anh có thể khắc phục được điều này ở phần 2. Backstory của nhân vật Geralt trong phần này cũng chưa thể hiện được nhiều, bởi gần như toàn bộ mùa 1 được dùng để dựng các sự kiện và giới thiệu thế giới của The Witcher.
Cô nàng Anya Chalotra vai Yennefer có lẽ là bất ngờ lớn nhất đối của phim. Ấn tượng từ phiên bản game quá mạnh mẽ nên tạo hình và cast vai Yennefer trong phim khiến nhiều người thất vọng. Gương mặt có phần hơi hiền của Chalotra trong những bức ảnh công bố đầu tiên không toát lên vẻ của một phù thủy hùng mạnh. Nhưng màn thể hiện của cô trong phim lại hoàn toàn khác hẳn. Yennefer của Chalotra có thể nói là nhân vật có màu sắc và thú vị nhất trong season 1 của The Witcher. Nữ diễn viên 18 tuổi Freya Allan vai Ciri cũng đã thể hiện tốt. Câu chuyện về sức mạnh bí ẩn của Ciri vẫn chưa có gì rõ ràng và người xem vẫn đang chờ đợi bí ẩn tiếp theo về cô trong phần tiếp theo sẽ là gì.
Season 1 xuất hiện một số lượng lớn nhân vật phụ, tên tuổi và câu chuyện liên quan khiến người xem có phần hơi ngộp. Nhưng nếu nói về ấn tượng sâu đậm của các nhân vật phụ thì có lẽ phải dành sự chú ý cho Joey Batey trong vai anh chàng nhà thơ kiêm ca sĩ lắm lời Jaskier và Jodhi May trong vai Nữ hoàng Calanthe.
Phim kể song song 2 dòng thời gian: quá khứ và hiện tại, nhưng không có dấu hiệu nhận biết khiến người xem phải mất một khoảng thời gian tập trung mới nhận ra. Đây chính là điểm yếu khá lớn của The Witcher, thêm vào đó là một lượng nhân vật và sự kiện hơi đồ sộ, bị nhồi nhét hơi nhiều vào cốt truyện khiến việc nhớ hết tình tiết, tên nhân vật đối với khán giả khá khó khăn. Nhưng về cuối, khoảng từ tập 6 trở đi, mọi thứ sẽ bắt đầu đi vào nếp và người xem sẽ tự hiểu được câu chuyện ráp nối với nhau như thế nào.
8 tập là không đủ đối với cuốn đầu tiên của The Witcher, nhưng Netflix có lẽ không đủ kinh phí cho một cốt truyện nhiều hơn thế. Nhiều tiểu tiết, đặc điểm nhân vật không kịp giải thích hết khiến những ai không theo dõi cuốn sách hoặc chơi game phải tự tìm hiểu hoặc cảm thấy sự phi logic của nó. Hi vọng season 2 có thể kéo dài thời lượng để mạch phim dãn ra bớt và có thể liên kết tốt hơn.
Nhìn chung, nỗ lực thực hiện một series nghiêm túc và loại bỏ cảm giác rẻ tiền về nội dung, gia tăng trải nghiệm phim ảnh của Netflix có thể được xem là bước tiến tốt. The Witcher không phải là dự án duy nhất cho thấy nỗ lực đầu tư về chất lượng gần đây của Netflix, nếu bạn đã xem The Irishman, The Two Popes, I Lost My Body hay Marriage Story… Số lượng nội dung giờ không còn là vấn đề nữa, mà chất lượng mới là khứ khiến người xem trung thành với nhà cung cấp dịch vụ. Với các điểm yếu dễ nhận thấy và điểm mạnh được người xem đón nhận, hi vọng The Witcher season 2 sẽ làm khán giả phải thực sự trầm trồ.
Nguồn: Hội Những Người Hâm Mộ Phim và Tv Series Netflix