Đã bao giờ bạn từng thắc mắc, Tề thiên đại thánh với 72 phép thần thông biến hóa, đầu đội trời chân đạp đất, nhiều lần đại náo thiên cung lại sở hữu những điểm yếu gì?
Vốn là một trong số những nhân vật được nhiều người yêu thích và gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ với tác phẩm kinh điển Tây Du Ký bản phim năm 1986, Tôn Ngộ Không được xem là vị thánh có khả năng thiên biến vạn hóa không thể lường trước được. Từng nhiều lần đại náo thiên cung và khiến cho nhiều vị thánh thần phải lao tâm khổ tứ, thế nhưng đồ đệ lớn của Đường Tăng lại sở hữu một điểm yếu chí mạng mà rất ít người biết.
Trong tác phẩm sách mới ra mắt của Lục Tiểu Linh Đồng, nam diễn viên đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về nhân vật đã từng gắn bó rất lâu với sự nghiệp diễn xuất của mình. Theo đó, nam diễn viên tiết lộ Tôn Ngộ Không có điểm yếu là chiến đấu dưới nước.
“Thế vô hoàn nhân, kim vô thập túc”, Ngộ Không bản lãnh cao cường, hai vị sư đệ của hắn thì còn lâu mới theo kịp. Nhưng Ngộ Không cũng có nhược điểm, chính là không thiện thủy chiến" - Lời bình của nam diễn viên viết trong Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du.
Chi tiết này thể hiện trong lần bốn thầy trò đụng độ với loài yêu quái dưới nước. Khi sư phụ bị yêu quái bắt mang xuống thủy cung. Ngộ Không xuống nước trinh sát phát hiện nơi Đường Tăng bị giam, căn dặn hai sư đệ xuống nước khiêu chiến, bản thân nhảy lên trên mặt nước nói “Hai đệ muốn bắt con yêu quái đó thì bắt, nếu bắt không được thì giả thua dụ nó lên đây để ta cho nó một gậy". Thế là hai sư đệ thể hiện bản lĩnh. Quan Âm Bồ Tát cũng đến giúp đỡ, cuối cùng cũng cứu được Đường Tăng.
Ngoài ra yếu điểm này của Tôn Ngộ Không cũng khéo léo được che đậy trong một lần khác, sớm nhất là lần Đường Tăng thu phục Sa Tăng, chính là do Bát Giới hạ thủy nghênh chiến Sa Tăng, Ngộ Không trên bờ tiếp ứng. Ngoài ra, Hắc thủy hà cũng là Sa Tăng phụ trách dẫn dụ, Ngộ Không trên bờ giúp đỡ. Bích Ba đàm bắt Cửu Đầu Trùng là Bát Giới hạ thủy khiêu chiến, Bạch Long Mã cũng hiện thân giúp đỡ, khi Cửu Đầu Trùng lên bờ, Ngộ Không với Nhị Lang Thần cùng xông tới chiến đấu, chế phục Cửu Đầu Trùng.
Có thể thấy, so với hai người huynh đệ của mình, khả năng chinh chiến dưới nước của Tề thiên đại thánh vốn không thông thạo bằng. Thế nhưng xét về tổng thể, Tôn Ngộ Không vẫn cho thấy sức mạnh thần thông quảng đại của mình và đã chứng minh được điều đó khi đã dùng chính sức lực của mình vượt qua nhiều kiếp nạn trên đường đi thỉnh chân kinh.