Vì sao khi xem phim chiếu rạp phải ăn bỏng ngô?
Đã có bao giờ bạn thắc mắc vì sao tại các rạp chiếu phim, người ta thường hay bán bỏng ngô cho khán giả xem phim mà không phải là bất kỳ loại thức ăn nào khác?
Từ lâu, bỏng ngô đã trở thành một trong số những món ăn vặt không thể thiếu và luôn có mặt tại rạp phim với đủ vị mới lạ. Bởi khi tới rạp xem phim, hẳn bất cứ khán giả nào cũng sẽ ghé qua quầy nước để mua cho mình một bịch bắp rang bơ to đùng kèm ly nước ngọt. Nhưng vì sao lại là bỏng ngô mà không phải là bất kỳ loại thức ăn nào khác?
Muốn biết câu trả lời chúng ta phải quay ngược chiều lịch sử.
Vào năm 1885, Charles Cretor đã chế tạo thành công chiếc máy nổ bỏng ngô đầu tiên. Từ lúc này, bỏng ngô rất được ưa chuộng bởi tính lưu động, tiện lợi (bạn không cần phải vào bếp để làm bỏng ngô như khoai chiên) và mùi hương thơm nức mũi. Kể từ đó, món ăn vặt này bắt đầu được phục vụ như một món ăn đường phố cho các khán giả đến tham gia những event thể thao, đi xem xiếc hay tham dự hội chợ.
Phiên bản nâng cấp của chiếc máy bỏng ngô đầu tiên do Charles Cretor chế tạo tại Chicago
Thế nhưng, các rạp chiếu phim vẫn ban hành lệnh cấm đối với món ăn đường phố này. Nguyên nhân được đưa ra là vì các chủ rạp chiếu không muốn những thứ bình dân ngoài đường ảnh hưởng đến rạp. Bên trong rạp phim được trải thảm đẹp đẽ, hẳn nhiên, chẳng ai muốn nhìn thấy cảnh bỏng ngô rơi đầy sàn. Ngoài ra, âm thanh phát ra lúc thực khác nhai bỏng ngô cũng được cho là có thể sẽ làm ồn đến người xem phim bên cạnh.
Mãi đến năm 1927 trở đi, phim có tiếng động bắt đầu thịnh hành. Chính vì phim có tiếng động nên tiếng động này phần nào "lấn át" được tiếng nhai bỏng ngô. Đồng thời lúc này, các chủ rạp chiếu nhận ra tiềm năng của món ăn vặt đường phố này khi thấy một túi bỏng ngô có giá hợp lý từ 5 đến 10 cents lại có thể níu giữ người xem đến với rạp chiếu. Thay vì nhường lại cơ hội này cho những người bán hàng rong, họ quyết định mở bán bỏng ngô ngay tại rạp, thế là "một mũi tên trúng hai con nhạn".
Đến năm 1945, mối quan hệ giữa bỏng ngô và phim ngày càng khăng khít. Một nửa tổng số bỏng ngô tiêu thụ ở Mỹ được tiêu thụ từ các rạp phim. Tại đây, họ cũng đẩy mạnh quảng cáo cho các quầy ăn vặt hơn.
Cứ như vậy, bỏng ngô đã dần trở thành món ăn vặt quen thuộc đối với khán giả Mỹ. Áp dụng mô hình này, các rạp chiếu phim nước ngoài cũng mang bỏng ngô đến với mô hình của họ, tạo nên trào lưu "xem phim không thể thiếu bỏng" trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.
Bài cùng chuyên mục