Đây chắc chắn sẽ trở thành một công cụ hữu dụng cho việc tìm kiếm người thân thất lạc.
Khi có người thân bị mất tích, bạn bè và gia đình sẽ cung cấp một tấm ảnh cho cảnh sát để mọi người ngoài cộng đồng có thể dễ dàng nhận ra người thất lạc và báo cho chính quyền địa phương. Thế nhưng trong những trường hợp vụ việc kéo dài nhiều năm thì bên phía công an lại phải lấy hình ảnh của người đi lạc vào thời điểm họ biến mất, rồi sau đó “lão hóa” bức ảnh để phù hợp với khoảng thời gian hiện tại. Kết quả thu được là rất hữu dụng – thế nhưng những thông tin này hầu hết là phỏng đoán và có phần không chính xác.
Chị của em bé Ben Needham
Đây là điều mà những nhà nghiên cứu ở đại học Bradford của Anh đang cố gắng cải thiện bằng dự án mới nhất của họ. Các nhà khoa học này đã phát triển ra một phương thức thêm tuổi tác vào khuôn mặt trong ảnh một cách chính xác hơn nhờ có công nghệ machine learning.
“Trong quá trình làm việc, chúng tôi dạy máy tính học bằng cách cho nó xem hàng trăm ngàn bức ảnh mặt người và cung cấp cho nó tuổi tác của họ,” Ali Maina Bukar, thành viên trong nhóm nghiên cứu với chuyên môn phân tích và tổng hợp các khuôn mặt. “Chính vì vậy, sau khi đã nhận biết được quy trình lão hóa của con người, máy mọc sẽ xử lý dữ liệu hình ảnh một cách vô cùng nhanh chúng. Đây là một kỹ thuật vừa nhanh và lại hiệu quả.”
Ben Needham
Thuật toán mà đội ngũ này phát triển có khả năng nhận diện được các đường nét phi tuyến và sự biến đổi của cơ trên mặt người như một cách học về tuổi tác của con người. Để nó phân tích một hình ảnh, hệ thống trí tuệ nhân tạo này sẽ lấy thông tin của đối tượng, sau đó áp dụng quá trình lão hóa mà nó đã học được, từ đó tạo ra hình ảnh chuẩn xác của người thất lạc sau nhiều năm tháng.
Trong bài thử nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng thuật toán này để xuất ra hình ảnh của Ben Needham – em bé đã biến mất ở đảo Kos, Hy Lạp hồi năm 1991 khi mới chỉ 21 tháng tuổi. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Needham, thế nhưng thuật toán này đã cho phép các thanh tra có cơ hội tìm kiếm anh chàng này ở độ tuổi hiện tại là 26. Dựa trên kết quả thu được từ các bài test, họ tin rằng các hình ảnh do thuật toán này tạo ra chính xác hơn rất nhiều dữ liệu do cảnh sát công bố.
Mặc dù thuật toán này được áp dụng để làm một công cụ cho các cơ quan tìm người thất lạc, thế nhưng Bukar cho biết nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển và cần được nghiên cứu nhiều hơn. Hiện tại công nghệ machine learning của nó chỉ cho phép làm việc với những tấm hình đã crop, điều này đồng nghĩa với việc nó chưa thể tạo ra được hình ảnh của mái tóc của đối tượng đi lạc.
“Chúng tôi đang tiến hành làm việc để cải tiến khả năng tái tạo khuôn mặt lẫn mái tóc của nó,” Bukar nói. “Hy vọng dự án này được công chúng và phía cảnh sát chấp nhận để có thể áp dụng vào thực tế. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn đối tượng rất nổi tiếng – Ben Needham – trong thử nghiệm của mình. Thuật toán này minh chứng cho khả năng giúp chúng ta tìm lại những người ta yêu thương nhưng chẳng may bị thất lạc.”
Theo Digital Trends