Đạo luật Giới hạn (RESTRICT Act) sẽ là đòn giáng chí tử vào các ứng dụng xuất phát từ các công ty Trung Quốc, và tiêu biểu nhất chính là TikTok khi nó chặn hoàn toàn các ứng dụng này trên lãnh thổ Mỹ.
Kể từ khi được ra mắt vào năm 2017, Tiktok đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ứng dụng video được tạo nên nhừ thuật toán cực kì đỉnh cao của ByteDance đã ngay lập tức làm lay động những nhà sáng tạo nội dung trên toàn thế giới.
Sự thu hút và gây nghiện của nó nằm ở sự đa dạng về nội dung mà bạn có thể khám phá, cùng với đó là cung cấp gần như vô hạn những video thuộc nội dung mà bạn yêu thích nhờ thuật toán của nền tảng. Một báo cáo cho thấy 67% trẻ vị thành niên ở Mỹ sử dụng ứng dụng này, và tổng số người dùng ở Mỹ của Tiktok lên tới hơn 150 triệu.
Tuy nhiên, cây cao thì đón gió lớn, ứng dụng này đã rơi vào tầm ngắm của người dùng, nhà báo và chính phủ Mỹ. Trong quá khứ, nó đã bị chỉ trích vì lan truyền những thông tin sai lệch trong nhiều chủ đề ví dụ như thay đổi khí hậu, COVID-19, tình hình tại Ukraine và thậm chí là cả chứng bệnh ADHD (Rối loạn Tăng động Giảm Chú ý). Tiktok cũng đối mặt với một số vụ kiện từ phụ huynh với cáo buộc rằng ứng dụng này khiến con cái của họ bị chứng biếng ăn/rối loạn ăn uống.
Gần đây hơn, Tiktok đã phải đối mặt với một thử thách lớn hơn nhiều khi các cơ quan của tiểu bang và liên bang Mỹ tìm cách cấm ứng dụng này vì nguy cơ rủi ro về mặt an ninh quốc gia. Đây cũng không phải lần đầu tiên Mỹ tìm cách cấm Tiktok trên toàn lãnh thổ khi cựu tổng thống Trump đã đề xuất lệnh cấm Tiktok vào năm 2020.
Vào giữa tháng 3 năm nay, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng chính quyền của Biden đã yêu cầu chủ sở hữu của Tiktok bán cổ phần cho họ hoặc sẽ bị cấm hoàn toàn trên đất Mỹ. Vào khoảng cuối tháng 03 vừa qua, CEO của Tiktok Shou Zi Chew đã phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ trong bối cảnh sự bất an ngày càng leo thang xung quanh ứng dụng này.
Tại sao chính phủ Mỹ muốn cấm Tiktok?
Về cơ bản, một số nhà lập pháp muốn cấm TikTok vì họ cho rằng nó gây rủi ro cho an ninh quốc gia, liên quan đến chính phủ Trung Quốc và cụ thể hơn là lo ngại rằng chính phủ này có thể hoặc can thiệp vào hoạt động của TikTok. Ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc và các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng TikTok có thể khai thác dữ liệu người dùng để theo dõi người dùng Mỹ và cung cấp cho họ thông tin sai lệch.
Có ba chính trị gia chủ chốt đang thúc đẩy lệnh cấm TikTok: Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher và Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Raja Krishnamoorthi. Lập luận của họ bao gồm rất nhiều điều liên quan đến việc bảo vệ nền dân chủ, chống lại chủ nghĩa cộng sản và nỗi sợ hãi chung về mối quan hệ giữa công ty sở hữu TikTok và chính phủ Trung Quốc.
“Đây không phải là về các video - đây là về một ứng dụng đang thu thập dữ liệu về hàng chục triệu trẻ em và người lớn Mỹ mỗi ngày. Chúng tôi biết nó được sử dụng để thao túng dữ liệu và ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử. Chúng tôi biết đó là mục đích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Thượng nghị sĩ Rubio cho biết đây là tuyên bố của ông về dự luật cấm TikTok.
TikTok có đang sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích khác?
FBI và Ủy ban Truyền thông Liên bang đều đã cảnh báo rằng TikTok có thể chia sẻ thông tin của người dùng với chính phủ Trung Quốc. Những người ủng hộ lệnh cấm chỉ ra một đạo luật năm 2017 của Trung Quốc rằng chính phủ sẽ yêu cầu các công ty như ByteDance cung cấp thông tin cho nhà nước khi liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, nhưng theo AP, không có bằng chứng nào cho thấy TikTok đã từng chuyển giao dữ liệu.
Theo nguyên tắc chung, người dùng nên nghi ngờ về cách dữ liệu của họ được các công ty công nghệ lớn sử dụng - bất kể trên nền tảng nào.
Không biết liệu các nhà lập pháp hay Tổng thống Biden có thực sự cấm TikTok ở cấp quốc gia và không cung cấp ứng dụng này cho tất cả công dân Hoa Kỳ hay không. Tại thời điểm viết bài, TikTok đã bị cấm ở một số hình thức hạn chế trên khắp Hoa Kỳ. Ứng dụng này đã bị cấm trên các thiết bị làm việc do chính phủ liên bang sở hữu và hơn hai chục bang cũng đã ban hành các lệnh cấm tương tự. Ngoài ra, một số trường cao đẳng và đại học đã chặn quyền truy cập vào TikTok trên Wi-Fi trong khuôn viên trường.
Tuy nhiên, việc thực thi lệnh cấm này sẽ là một điều tương đối khó khăn chỉ trong một đêm. Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi, một đảng viên Đảng Dân chủ trong ủy ban mới của Hạ viện cho biết trên Face the Nation rằng ông không nghĩ rằng ứng dụng này sẽ bị cấm chỉ trong vòng một đêm vì việc thực thi sẽ vô cùng phiền phức và khó khăn, chưa kể đến việc phải thông báo cho toàn bộ người dân Mỹ biết về vụ việc này.
TikTok sẽ bị cấm như thế nào trên đất Mỹ?
Theo một báo cáo từ NBC News tổng hợp lời khuyên từ bốn chuyên gia an ninh mạng, có một số cách mà lệnh cấm có thể được thực hiện. Đầu tiên sẽ yêu cầu xóa nó khỏi chợ ứng dụng như Google Play và App Store. Theo cách ban hành lệnh cấm này, ứng dụng sẽ vẫn tồn tại trên những chiếc smartphone đã cài đặt sẵn, nhưng nó sẽ trở nên không ổn định và cuối cùng không sử dụng được vì công ty sẽ không thể tung ra các bản cập nhật. Một cách khác mà Mỹ có thể thực thi lệnh cấm là hình sự hóa việc sử dụng TikTok, nhưng một chuyên gia an ninh mạng nói rằng trước đây chưa từng có tiền lệ về việc này.
Xem thêm: Shou Zi Chew - CEO của TikTok vừa phải tham gia điều trần tại Mỹ là ai?
Xem thêm: Game thủ Mỹ có thể bị cấm chơi Genshin Impact, LMHT và một số tựa game khác vì đạo luật mới