Các màn đấu trùm xuyên suốt vùng đất Hyrule trong Zelda: Tears of the Kingdom có thể khiến chúng ta liên tưởng đến tình huống tương tự trong Elden Ring
The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom đã khiến cả cộng đồng game thủ dậy sóng bởi màn ra mắt ấn tượng của nó. Có được doanh thu bán ra khổng lồ chỉ sau vài ngày, thành công của Tears of the Kingdom dường như giống với một "hiện tượng" khác của năm 2022? Chính xác thì Elden Ring đến từ From Software cũng đã từng tạo nên điều tương tự khi nó ra mắt vào tháng 2 năm ngoái, qua đó mở đường để trở thành Game of The Year. Và điều thú vị chưa dừng lại ở đây, khi hai trò chơi sở hữu cho mình những kiểu tiếp cận trùm khá tương đồng nhau.
Elden Ring đã nhận được vô vàn lời khen ngợi về cách thức tiếp cận nhiệm vụ chính đa dạng, những kẻ thù khó nhằn lảng vảng trong thế giới mở rộng lớn, cấu trúc hầm ngục và các màn đấu trùm, cùng nhiều yếu tố khác. Với Zelda: Tears of the Kingdom, Link cũng tiếp cận các nhiệm vụ theo những cách khác nhau, đối phó với kẻ thù hùng mạnh bên ngoài thế giới mở và trong các hầm ngục. sự đa dạng về hệ thống vũ khí và trang bị, ... Mặc dù đúng là các yếu tố kể trên khá cơ bản và có thể xuất hiện trong nhiều trò chơi khác nhau, nhưng sự tương đồng thú vị nhất của hai trò chơi này là ở cách thiết kế các con trùm.
Các con trùm bên ngoài thế giới của Tears of the Kingdom có thể khiến bạn liên tưởng đến Elden Ring
Trong Zelda: Tears of the Kingdom, người chơi có thể chạm trán những kẻ thù nguy hiểm trên vùng đất Hyrule ngay khi bắt đầu hành trình, với một vài con Trùm Thế Giới (Overworld Boss). Elden Ring cũng làm điều tương tự với hệ thống Trùm của nó (Field Boss). Cả hai đều áp dụng ý tưởng chung là người chơi có thể bị "ngậm hành ngập mồm" khi đụng độ những con trùm này quá sớm, nhưng sau một thời gian cày cuốc trong game để thu thập sức mạnh, ít nhất người chơi sẽ tự tin hơn để đối mặt với chúng.
Phong cách thiết kế những con trùm như thế này tạo nên cảm giác nhập tâm ấn tượng, khiến người chơi cảm nhận được chúng thực sự là một phần của thế giới trò chơi. Đối mặt với những con trùm này về sau cũng góp phần cho thấy sự phát triển của cá nhân người chơi, cho thấy họ đã tiến bộ như thế nào (Hoặc vẫn bị bán hành như trước đây, chỉ là lâu hơn). Ví dụ như con trồng 3 đầu Gleeoks ở Hyrule có thể khiến nhiều người liên tưởng đến những con rồng rải rác khắp The Lands Between. Lũ rồng nguyên tố này chờ đợi Link ở một số thời điểm, với kích thước khổng lồ mà lúc mới gặp người chơi dễ bị choáng ngợp.
Bên Elden Ring, người chơi cũng có những thách thức rồng nguyên tố của riêng mình, như Borealis, Freezing Fog và Decaying Ekzykes. Ngoài ra, Tears of the Kingdom còn có những con Golem bằng đá với kích thước ngoại cỡ được gọi là Stone Talus. Khi nhìn vào tạo hình của chúng, không quá khó để cảm thấy sự thân quen bắt nguồn từ lũ Walking Mausoleum trong Elden Ring.
Cả hai loại sinh vật này đều bị đánh bại bằng cách tấn công vào các quặng trên cơ thể chúng. Mặc dù Walking Mausoleum có thể không được xem là con trùm trong Elden Ring, nhưng chắc chắn không thể phủ nhận sự giống nhau giữa chúng với Stone Talus.
Vài đặc điểm chung giữa các con trùm trong Tears of the Kingdom và Elden Ring
Những đặc điểm mang tính chất tương đồng giữa các con trùm trong hai trò chơi còn được thể hiện một cách sâu sắc hơn trong hệ thống hầm ngục của Tears of the Kingdom. Ví dụ như màn đối đầu Colgera, khi Link phải chạm trán một sinh vật khổng lồ hung hãn trong lúc lơ lửng trên trời.
Nó là một trải nghiệm thú vị và ấn tượng, phù hợp với quy mô và bầu không khí thể hiện trong Elden Ring mà không tạo nên cảm giác sợ hãi. Hay như Mucktorok là một sinh vật điều khiển bùn, có khả năng tạo ra hình dạng cá mập khá đáng sợ.
Tuy vậy, hình dạng thực sự của nó lại khá ngốc nghếch và hèn nhát. Bên phía Elden Ring cũng có những con trùm sở hữu khả năng thay đổi hình dạng, biến đổi và tạo ảo ảnh, như Hoarah Loux/Godfrey, The First Elden Lord. Mặc dù Mucktorok chắc chắn không đáng sợ như Godfrey, nhưng cuộc chạm trán bất ngờ với nó khiến cho chuyến phiêu lưu của Link trở nên thú vị hơn.
Hoặc có thể kể đến Marbled Gohma, một sinh vật mang hình dáng nhện dung nham được lấy cảm hứng bởi tạo hình của Gohma trong loạt game Zelda. Những đòn tấn công gắn liền với dung nham và lửa của nó kết hợp cùng ngoại hình quái vật dễ khiến người ta liên tưởng đến Rykard, vua của Blasphemy, nhưng khác nhau ở độ khó giữa hai màn đối đầu.
Ganondorf trong Tears of the Kingdom và Radagon trong Elden Ring
Vua quỷ Ganondorf, phản diện chính và cũng là trùm cuối trong Tears of the Kingdom, mang đến một cuộc chạm trán ấn tượng nhiều giai đoạn, khiến cho trò chơi trở nên khác biệt. Ganondorf giống như thử thách cuối cùng cho người chơi, với vô số vũ khí và những ngọn lửa đỏ thẫm đặc trưng để khủng bố tinh thần game thủ trước khi đạt tới giai đoạn cuối cùng. Theo xu hướng trong quá khứ, màn đối đầu này đạt tới đỉnh điểm khi nó biến thành dạng Rồng Quỷ, còn Link được hỗ trợ bởi chú rồng của riêng mình.
Trong khi đó, vào cuối game Elden Ring, Tarnished phải đối mặt với Radagon of the Golden Order, và sau đó biến đổi thành Elden Beast. Tuy vậy, màn đối đầu Radagon và Elden Beast lại thường bị chỉ trích vì nhịp độ chậm và tính chất khó chịu của nó. Dường như bằng cách phân tích vài khái niệm khiến cho các con trùm trong Elden Ring trở nên hấp dẫn, Nintendo đã xây dựng nên những cuộc chạm trán có nét giông, nhưng "dễ thở" hơn cho Zelda: Tears of the Kingdom. Game hiện đang được phát hành độc quyền trên Nintendo Switch.