Sau lệnh cách ly xã hội 15/4, làm gì để dịch Covid-19 không lây lan?

Dù nới lỏng cách ly xã hội, mỗi người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Keyword đầu tiên có dấu

Bệnh viện vẫn là nơi tập trung đông người nên cần phải kiểm soát và thực hiện các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 (Trong ảnh: Thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt tại cổng Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội)

Theo ý kiến chuyên gia y tế, dù nới lỏng cách ly xã hội, mỗi người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế để tránh lây lan và bùng phát dịch.

Có thể nới lỏng cách ly tùy địa phương, ngành nghề

Mặc dù số bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phát hiện mới trong những ngày qua giảm nhiều, tuy nhiên PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế, Bộ Y tế nhận định: “Dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp, nếu buông lỏng, nguy cơ bùng phát ổ dịch có thể xảy ra. Chính vì vậy trước mắt vẫn tiếp tục siết chặt việc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Dự kiến, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xây dựng một số phương án để ngày 15/4 Thường trực Chính phủ họp bàn, quyết định phương án phù hợp về cách ly xã hội”.

 

Theo ông Phu, Ban chỉ đạo sẽ xem xét thực hiện việc “cách ly xã hội” theo tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế từng nhóm địa phương; Phân ra các địa phương có nguy cơ cao thì tiếp tục thực hiện cách ly xã hội với những quy định cụ thể. Riêng các địa phương nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ thì nới lỏng, dừng cách ly xã hội, đồng thời vẫn duy trì thực hiện một số biện pháp cần thiết phòng chống dịch.

Tương tự, trước diễn biến của dịch bệnh, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng TP HCM chia sẻ, sau ngày 15/4, sẽ không có chuyện xóa bỏ hẳn cách ly xã hội mà nếu có thì có thể nới lỏng với một số địa phương, ngành nghề kinh doanh. Bởi thực tế, trong thời gian qua đã dù xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh nhưng đều không xác định rõ nguồn lây, có dấu hiệu của lây nhiễm cộng đồng.

Điển hình như bệnh nhân 237 phát hiện nhiễm sau 1 ca TNGT, hay bệnh nhân 243 được phát hiện khi sàng lọc dịch tễ (có xuất hiện ở BV Bạch Mai) khi đưa vợ tới khám dù chỉ có mặt tại bệnh viện này chỉ 1 giờ và không vào căng tin của bệnh viện - vốn được coi là ổ dịch Trường Sinh… “Những trường hợp mắc Covid-19 có nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nhất là khi xã hội chủ quan, lơi lỏng”, BS. Khanh cho biết.

Cần tiếp tục tuân thủ cách ly xã hội

Theo phân tích của BS. Trương Hữu Khanh, cần nhìn nhận rõ nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đó là những người F1 xuất viện, người trong khu cách ly về cộng đồng. Theo quy định, người cách ly tập trung vẫn cần phải cách ly tại nhà thêm 14 ngày để cắt hẳn nguy cơ. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ quy định tự cách ly thì đây cũng có thể là nguy cơ nguồn lây rất lớn. Bên cạnh đó là nguy cơ dịch xâm nhập từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia... Và nếu tình hình dịch bệnh các nước khác vẫn chưa ổn thì Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng nguy hiểm.

Nguy cơ còn đến từ những điểm tập trung đông người. Đầu tiên là bệnh viện, nơi đông người tìm đến thăm khám và sau đó lại tản ra nhiều nơi. Chính vì vậy, bệnh viện phải là nơi cần kiểm soát chặt chẽ, đề phòng lây nhiễm Covid-19. Tiếp đến là những quán bar, quán cà-phê, karaoke... là những nơi có không gian kín và đông người tập trung cũng luôn phải được kiểm soát.

“Các công ty, cơ quan, công sở cũng có thể là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch nếu không được tiếp tục kiểm soát, khai báo y tế, hay tổ chức ăn uống, sinh hoạt tập thể mà thiếu các biện pháp dự phòng”, ông Khanh cho biết thêm.

Theo ông Trần Đắc Phu, tại những nơi được nới lỏng cách ly xã hội không đồng nghĩa với việc trở lại như trước khi bệnh dịch mà cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh như khuyến cáo của cơ quan y tế.

Còn BS. Khanh cho hay, nếu không cách ly xã hội thì mỗi người vẫn kiên định với các nguyên tắc phòng dịch “coi tất cả những người mình tiếp xúc đều có nguy cơ nhiễm bệnh”.

“Hiện giờ nguy cơ không chỉ ở những người đi nước ngoài về, người nước ngoài, mà dịch đã lan ra ngoài cộng đồng. Do vậy, luôn giữ khoảng cách tiếp xúc, nhất là đến chỗ đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, có thể dùng thêm kính chắn giọt bắn. Ở ngoài về nhà, việc quan trọng nhất là rửa tay trước khi động chạm vào bất cứ đồ vật nào trong nhà…”, ông Khanh khuyến cáo, đồng thời lưu ý, nếu trong gia đình có 1, 2 người sốt, triệu chứng lạ phải báo cơ quan y tế, lập tức đeo khẩu trang, súc miệng nước muối, không tiếp xúc với ai và cần rà soát lại trong 14 ngày qua mình có tới đâu, có lúc nào không đeo khẩu trang.

“Bản thân mỗi người phải tự bảo vệ gia đình mình vì nguy cơ “lọt lưới” dịch bệnh vào chính gia đình mình luôn có thể xảy ra. Việc tụ tập, ăn uống, cà-phê bên ngoài có thể mang nguồn lây về cho chính gia đình, đặc biệt với người cao tuổi trong nhà”, BS. Khanh nhấn mạnh.

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang