Nền điện ảnh Hàn Quốc đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong hơn một thập kỷ qua khi sự phản ánh xã hội của những bộ phim xứ Kim Chi đang ngày một rõ nét và mãnh liệt hơn.
Silenced (2011) và Hope (2013): Tái dựng hai vụ án ấu dâm khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ
Cùng khai thác đề tài ấu dâm và dựa trên những sự kiện có thật, nếu như Silenced (Sự im lặng) là nỗi đau không thể nói thành lời, một nốt lặng đáng sợ về niềm tin con người vào pháp luật và công lý, thì Hope (Niềm hy vọng) cũng là một quả bom gây chấn động cả đất nước, khơi lên làn sóng phẫn uất trong dư luận.
Silenced (Sự im lặng) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Kong Ji Young, dựa trên sự kiện có thật từng xảy ra từ năm 2000 đến 2005 tại trường khiếm thính Inhwa, thành phố Gwangju. Nhân vật chính của phim là Kang In Ho (Gong Yoo) - một giáo viên mỹ thuật biết dùng thủ ngữ vừa chuyển đến dạy ở ngôi trường dành cho trẻ câm điếc. Tại đây, anh đã phát hiện ra tội ác bạo hành và xâm hại tình dục của các giáo viên, mà nạn nhân chính là các em học sinh non nớt, tật nguyền, không có khả năng tự vệ. Với trách nghiệm, tình thương và lòng dũng cảm, hành trình đấu tranh cho sự thật và đi tìm công lý của In Ho bắt đầu.
Bản án chưa đến 2 năm tù mà những kẻ tội đồ phải chịu khiến cả đất nước dậy sóng. Trong vòng chưa đầy một tháng kể từ ngày ra mắt - 22.09.2011, Ủy ban Chống bạo lực tình dục đã kêu gọi được hơn 50.000 chữ ký yêu cầu lật lại vụ án.
Hope (Niềm hy vọng) cũng là một bộ phim đề tài ấu dâm dựa trên sự kiện có thật gây chấn động dư luận xứ Kim Chi. Trên đường đi học về, Nayoung (8 tuổi) bị một người đàn ông trong tình trạng say rượu bắt cóc tới một nhà vệ sinh công cộng, hãm hiếp và đánh đập tàn bạo, khiến em chịu tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần. Thủ phạm sau đó đã bị bắt, được xác định tên Jo Doo Soon, 57 tuổi. Sự việc sau đó tiếp tục trở thành đề tài được quan tâm khi tại phiên tòa xét xử, tên ấu dâm này chỉ bị kết án 12 năm tù - một bản án quá nhẹ đối với một tội ác man rợ và thú tính của hắn.
Vượt trên sự mất mát, đớn đau và căm phẫn đầy ám ảnh, Hope lấy đi nước mắt của khán giả không chỉ bởi nỗi đau mà chính là nhờ câu chuyện của tình yêu thương, là ánh lửa của niềm hy vọng thắp lên nơi đường hầm tăm tối và tuyệt vọng.
Train to Busan (2016): Sự phân biệt giai cấp trong xã hội và và câu hỏi day dứt về nhân tính con người trước thảm họa
Lần đầu ra mắt khán giả năm 2016, lấy đề tài tận thế và xác sống, Train to Busan (Chuyến tàu tới Busan) đã vượt lên motif phim thảm họa, hành động quen thuộc, trở thành món ăn đặc sắc, đáng nhớ trên bàn tiệc điện ảnh xứ Kim chi những năm vừa qua.
Phim lấy bối cảnh đất nước Hàn bị tấn công bởi một loại virus bí ẩn, biến con người thành những xác sống hung hăng, khát máu. Có mặt trên chuyến tàu từ Seoul tới Busan là nhân vật chính Seok-woo (Gong Yoo) cùng con gái, hai vợ chồng chuẩn bị đón đứa con đầu lòng và một số cô cậu học sinh cấp 3. Khi đại dịch xác sống bất ngờ bùng phát, họ buộc phải đương đầu với nó, bảo vệ những người thân yêu của mình. Hành trình từ Seoul tới vùng an toàn Busan bỗng trở thành cuộc chiến sinh tồn khốc liệt.
Bên cạnh những câu chuyện cảm động, lấy đi nước mắt khán giả qua mối quan hệ cha con, vợ chồng, bạn bè và nhân tính của con người trước thảm họa, Train to Busan là lời phê phán đanh thép sự phân biệt giai cấp, những kẻ nắm quyền lực ích kỉ gây ra thảm họa tận thế, đặt tiền bạc lên đầu và coi khinh tính mạng của đồng loại.
Parasite (2019): Khi kẻ giàu hay người nghèo đều là những ký sinh trùng
Parasite (Ký sinh trùng) ra mắt tại Liên hoan phim Cannes 2019 và, là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên chiến thắng ở hạng mục cao quý nhất - Cành Cọ Vàng.
Câu chuyện bắt đầu ở căn hộ dưới tầng hầm nghèo khổ ở Seoul (Hàn Quốc), nơi Ki-woo (Choi Woo-shik) cùng bố mẹ Ki-taek (Song Kang-ho) và Choong Sook (Jang Hye-jin) và em gái Ki-jeong (Park So-dam) chật vật sống qua từng ngày. Tình cờ trở thành gia sư cho con gái của ngài Park (Lee Sun-kyun), Ki-woo lên kế hoạch lừa đảo nhằm đưa người thân của mình vào làm việc trong ngôi nhà này. Tuy nhiên, biến cố xảy ra khiến mọi chuyện trở nên phức tạp.
Đạo diễn Bong Joon-ho chuyển tải sự phân biệt giàu - nghèo dưới lăng kính trào phúng mà vô cùng tinh tế trong từng chi tiết ông mang lên màn ảnh. Trong khi gia đình ông Park tận hưởng cuộc sống với tiện nghi xa hoa, những món đồ đắt đỏ, nhà Ki-taek vật lộn để kiếm ăn qua ngày, sục sạo bắt từng vạch sóng wi-fi từ hầm vệ sinh. Nhà Ki-taek, thâm nhập vào nhà ông Park giống như những con ký sinh trùng đeo bám và bòn rút sức sống của vật chủ. Thế nhưng, bản thân gia đình ông Park cũng không thể tự làm chủ chính ngôi nhà, cuộc sống, họ trả tiền để sống “ký sinh”, phụ thuộc vào chính những người giúp việc của mình.
Ghost Walk (2019): Sự vô cảm, lạnh lùng đến đáng sợ của con người trong xã hội hiện đại
Ghost Walk (Lạc hồn) là phim của nữ đạo diễn Yu Eun-jeong, xoay quanh nhân vật Hye-jeong (Han Hae-in) – một cô gái có tính cách tẻ nhạt đang làm việc trong một nhà máy vùng ngoại ô. Trầm lặng và vô cảm, Hye-jeong sống như một bóng ma, cắt đứt liên lạc với người thân, không giao lưu bạn bè, khóa cửa trái tim trước tình yêu. Cô thậm chí thờ ơ trước sự cầu cứu tuyệt vọng của cô bé Su-yang (Gam So-hyun) trong cơn thập tử nhất sinh. Và rồi, Hye-jeong bị đâm chết, thực sự trở thành hồn ma theo đúng nghĩa đen, lang thang nơi mình sinh sống, đi ngược lại thời gian và trải nghiệm lại những biến cố xảy của cuộc đời.
Bộ phim ám ảnh nhiều người về lối sống ích kỷ, thờ ơ của con người trong xã hội hiện đại. Rốt cuộc giá trị vật chất chúng ta đang theo đuổi là gì vậy? Chúng ta tồn tại có ý nghĩa gì? Có phải thế giới đang trở nên đáng sợ bởi sự im lặng của mình không?
Được nhào nặn dưới bàn tay của nữ đạo diễn trẻ Yu Eun-jeoung, cùng sự tham gia của dàn diễn viên Han Hae-in, Gam So-hyun, Jeon So-nee, Lee Ja-min, Lee Seung-chan, Lee Young-soo, Lạc hồn giành giải thưởng bình chọn của khán giả tại Liên hoan phim Bucheon International Fantastic Film Festival (BIFAN) năm 2018.