Tạm gác qua việc nội dung của Mulan có hay hay không, nếu chỉ xét riêng bối cảnh, dù được đầu tư sản xuất bởi hãng phim khủng Disney nhưng Mulan vẫn không tránh khỏi những "hạt sạn" to đùng đủ khiến người xem cảm thấy thất vọng nặng nề.
Được kỳ vọng là bom tấn lớn phá đảo mùa hè năm nay nhưng màn ra mắt của Mulan (tựa Việt: Hoa mộc lan) dường như không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Bên cạnh việc bị chê bởi nội dung khiên cưỡng và diễn xuất còn hạn chế của nữ diễn viên chính Lưu Diệc Phi, bối cảnh trong phim lần này dù được đầu tư bởi studios khủng song lại khiến cho nhiều người hâm mộ thất vọng.
Có thể nói, lần này, câu chuyện về nữ nhi hiếu thảo và dũng cảm Mulan qua góc nhìn của các nhà làm phim người Mỹ được tái hiện một cách vô cùng khó hiểu và đầy sạn. Hãy cùng điểm qua những hạt sạn lớn nhất bộ phim trước khi quyết định bước chân ra rạp:
Khái niệm "yêu quái" và tư duy "cứ phụ nữ mạnh là phù thủy"
Nhân vật Tiên Nương trong Mulan đã bị người dân gán cho cái tên là "phù thủy" bởi có sức mạnh hơn người. Tương tự như thế, khi Mộc Lan trở về tham gia chiến đấu với thân phận nữ giới cũng bị quân lính thuộc tộc Nhu Nhiên gọi là "phù thủy".
"Phù thủy" Tiên Nương
Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ, khái niệm "phù thủy" thực chất có nguồn gốc từ các quốc gia phương Tây. Ở khu vực Á Đông, thay vì gọi "phù thủy" để chỉ những người phụ nữ sở hữu quá nhiều tài năng, kiến thức khiến họ bị hiểu lầm là có phép thuật, người ta vẫn hay gọi là "yêu quái". Việc không thực sự tìm hiểu kỹ văn hóa phương Đông của các nhà làm phim Hollywood một lần nữa dù không gây ảnh hưởng quá nhiều đến cốt truyện nhưng đủ để khiến khán giả khó chịu và nhầm lẫn.
Dòng sông băng "đông - hè" khó hiểu, cây cối vẫn mọc nhưng nước bị đóng băng?
Vùng đất nơi diễn ra cuộc giao chiến giữa nàng Mộc Lan và Tiên Nương là nơi có khí hậu vô cùng khó hiểu. Dù đây là một thung lũng có nhiệt độ cao, giữa những kẽ đá có hơi nước phun lên ngùn ngụt, cây cối mọc phủ xanh rờn đất đai nhưng nước sông lại bị... đóng băng như tiết trời lúc vào đông.
Khi Mulan di chuyển ra giữa lòng sông nhặt cây kiếm, mặt băng bắt đầu nứt vỡ theo từng bước chân, hơi nước cực nóng theo đó cũng bốc lên từ mặt đất, rong rêu mọc xanh tươi ngay giữa mùa đông tuyết giá. Chi tiết này càng đã khiến cho người xem vô cùng khó hiểu không biết ý đồ của nhà sản xuất thực sự là gì khi tạo ra một vùng đất đặc biệt có khả năng vừa sở hữu cái băng giá của mùa đông, vừa mang hơi ấm của mùa hè?
Tứ linh cao quý trở thành... con vật canh cửa
Nếu Phượng hoàng từ lâu đã được nhân dân phương Đông, đặc biệt là Trung Hoa xem như một loài vật cao quý, linh thiêng thì khi qua bàn tay của những nhà sản xuất Hollywood lại trở thành "gia huy" cho một gia đình thuộc tầng lớp dân thường.
Thậm chí đáng nói hơn, đạo diễn phim còn không ngần ngại biến thần điểu của Tứ Linh thành... chú chim giữ cửa đứng trước phòng thờ của nhà họ Hoa, đặt bên cạnh bức tượng một con chó đá. Đối với các gia tộc người châu Á, linh thú giữ cửa trước này phải là chó đá chứ không phải loài chim thần thánh như Phượng Hoàng. Việc sắp đặt vị trí của hai loài vật không liên quan gì đến nhau này chẳng khác nào ví chó và Phượng hoàng có vai vế ngang hàng nhau.
Gia huy của gia đình quý tộc biến thành gia huy của nhà thường dân
Trong Mulan, đạo diễn đã nhắc đến "gia huy" - một trong những nét văn hóa lâu đời của người Trung Hoa. Gia huy được xem là huy hiệu, biểu tượng cho một gia tộc. Tuy nhiên lần nhắc đến này lại mang nhiều khiên cưỡng và sai lệch.
Trong các bộ phim châu Á, vấn đề này rất ít được nhắc đến. Không những vậy, việc gia đình nhà họ Hoa lấy gia huy là biểu tượng "chim phương hoàng" hoàn toàn là một việc làm cả gan, mạo phạm. Thông thường, những loài linh thú không được sử dụng để làm biểu tượng cho gia huy. Nếu có thì gia tốc đó sẽ thuộc dòng dõi hoàng gia hoặc quý tộc chứ không phải là một gia đình thường dân như gia đình của Mulan trong phim.
Phim về truyền thuyết Trung Quốc nhưng sử dụng đơn vị đo lường của... Mỹ
Hạt sạn lớn kế tiếp thuộc về lỗi không tìm hiểu kỹ lưỡng của nhà sản xuất có lẽ chính là việc cho nhân vật sử dụng đơn vị đo lường chuẩn Mỹ dù bộ phim đang nói về nữ tướng người Trung Hoa.
Vị tướng quân và câu nói gây hài: "Four ounces can move 1,000 pounds"
Trong một phân đoạn ở Mulan, vị tướng trong quân đội có một câu thoại mà sau này bản thân Mộc Lan cũng trích dẫn lại: "Four ounces can move 1,000 pounds" (Tạm dịch: 4 ounce có thể chuyển dời 1000 pounds). Nếu để ý kỹ, bạn chắc chắn sẽ nhận ra sai lầm của nhà làm phim khi sử dụng "ounce" và "pound" bởi đây vốn đơn vị đo khối lượng của Mỹ thay vì sử dụng đơn vị đo của các quốc gia châu Á phong kiến thời xưa là cân, tạ, lạng,...
Dù đây chỉ là những "hạt sạn" về văn hóa khu vực và nhiều người cho rằng không thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở một bộ phim về truyền thuyết cổ tích châu Á do Hollywood thực hiện song đối với những khán giả khó tính, đây chắc chắn là điểm trừ lớn cho bộ phim mang danh xưng bom tấn Hollywood của nhà Disney trong năm nay.
Trước đó, nhiều fan tinh mắt còn soi được cả gương mặt của nữ diễn viên đóng thế trong một phân cảnh cho Lưu Diệc Phi. Điều này đã khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán trước phân đoạn hậu kỳ của Nhà Chuột và tự hỏi rằng phải chăng Mulan chỉ "có đỏ mà không có thơm" như lời đồn?