Các nhà làm phim Hollywood luôn có những thủ thuật bí mật để qua mắt các khán giả và mang tới những tác phẩm điện ảnh với kỹ xảo vô cùng hoành tráng. Thế nhưng các cảnh quay này lại luôn gắn liền với bức màn xanh lá huyền thoại và đằng sau chúng luôn ẩn chứa những bí mật ít ai ngờ đến.
Câu hỏi đầu tiên và cũng là câu hỏi vô cùng quan trọng nhất trong kỹ xảo của các nhà làm phim: Vì sao phông nền CGI lại chỉ có màu xanh lá?
Phông xanh (hay còn gọi là Blue or Green Background) là một tấm phông có chất liệu là một loại vải không dệt, có khả năng triệt tiêu ánh sáng đèn, thường được sử dụng làm nền đặt sau vị trí diễn xuất của diễn viên. Nói một cách dễ hiểu thì nó đóng vai trò như một tấm background, những người diễn viên sẽ diễn xuất trên đó. Sau đó người ta sẽ dùng kỹ thuật máy tính loại bỏ đi tấm nền màu xanh và ghép vào một khung cảnh khác theo chủ đề bối cảnh của câu chuyện.
Thực chất, phông nền màu xanh lá cây được sử dụng một cách cố ý, vì đây là màu gần như sẽ không trùng với màu tự nhiên của tóc, da và mắt diễn viên. Trong trường hợp diễn viên có mắt màu xanh lá, họ sẽ sử dụng phông xanh lam.
Dĩ nhiên khi đã kỳ công như vậy, các phụ kiện, quần áo cũng không được dùng màu xanh. Nhờ vậy, việc xử lý hậu kỳ sẽ nhanh chóng và đơn giản hơn.
Trong lĩnh vực điện ảnh, khái niệm phông xanh xuất hiện rất sớm, từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Thành công vang dội đầu tiên mà phát minh này mang lại đó chính là trường hợp của bộ phim nổi tiếng The Thief of Bagdad (năm 1940) của đạo diễn Michael Powell. Trong bộ phim này, phông xanh đã được ứng dụng cho cảnh quay “Mô tả một vị thần thoát ra từ 1 cái chai” và với hiệu ứng kỹ xảo điện ảnh mới lạ này, tác phẩm đã đoạt giải thưởng Oscar năm đó với đề cử cho hạng mục “Phim có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất”.
Sau hơn 70 năm tồn tại và đồng hành cùng sự phát triển của nền điện ảnh Nhân loại, tấm vải nhó bé đó không hề mất đi vai trò quan trọng mang tính quyết định của mình. Thậm chí người ta thường nói đùa rằng “Nếu không có phông xanh, thì không có khái niệm về kỹ xảo điện ảnh”
Câu nói đó hoàn toàn phù hợp với hiện thực ngày nay, khi chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của máy tính, hay của các trình ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp, nhưng phông xanh vẫn đang là nhân tố chủ đạo cho thành công của mỗi ý tưởng, mỗi bộ phim, mỗi giải pháp, dù cho giải pháp ấy toàn diện đến thế nào.
Thực tế đã chứng minh, ngày nay khi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trong nghề làm phim, chiếc phông xanh nhỏ bé lại càng phát huy được tầm quan trọng của nó. Xem hậu kỳ của các bộ phim bom tấn - từ Avengers cho đến Mad Max, các cảnh phim hầu hết đều sử dụng phông nền xanh lá cây cho các cảnh áp dụng hiệu ứng kỹ xảo.