Từ những tựa game point-and-click cực kì nổi tiếng cho đến việc trở thành một trong những trò chơi hải tặc hay nhất, thương hiệu Monkey Island đã gầy dựng nên một di sản đáng nể trong thể loại game phiêu lưu
Bình minh của thế giới game PC vốn dĩ không có nhiều thể loại game. Các tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất có được sử khởi đầu với Wolfenstein 3D và Doom, thể loại game thể thao có thể lần ngược về trò Pong, và thể loại game phiêu lưu bắt đầu chỉ đơn giản là những trò đầy chữ nghĩa. Dựa trên các đầu sách "Choose Your Own Adventure", những trò chơi đầy chữ này dần phát triển thành những chuyến phiêu lưu có hình ảnh, được hoàn thiện bằng nhiều phong cách đồ họa khác nhau và hệ thống âm thanh.
Tuy không phải là trò chơi phiêu lưu đầu tiên, seri Monkey Island của LucasArts đã có một bước tiến dài trong việc phát triển thể loại này. Từ những nguồn gốc tương đối cơ bản nhưng đậm tính đột phá cho đến di sản huyền thoại của nó, Monkey Island đã trở thành một hình tượng của thể loại game phiêu lưu, và là một trong những seri game quan trọng nhất mọi thời đại.
Khởi nguồn từ The Secret of Monkey Island
Được đông đảo game thủ xem là tựa game phiêu lưu đầu tiên, Colossal Cave Adventure ra mắt vào năm 1976, và nó là một trò chơi chữ nghĩa cực kì đơn giản. Người chơi được giao nhiệm vụ khám phá một hang động bằng việc nhập vào một đến hai từ, tìm kiếm kho báu rồi ra khỏi đó. Mặc dù rất kì lạ nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay, Colossal Cave Adventure được xem là một trong những trò chơi có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, và mang đến nền tảng cho thể loại game phiêu lưu.
Mười năm sau đó, LucasArts bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành công nghiệp game. Tận dụng những gì Colossal Cave Adventure đã thiết lập nên, và nhiều tựa game khác theo sau đó, LucasArts tạo ra chuyến phiêu lưu có hình ảnh đầu tiên của mình, Labyrinth, dựa trên bộ phim kinh điển của David Bowie. Mặc dù phần hình ảnh khá trần trụi, lối chơi của nó vẫn đầy hứa hẹn, với một "bánh xe chữ" mang tính cách mạng được dùng để đưa ra mệnh lệnh, trái ngược với những tựa game phiêu lưu khác khi người chơi chỉ đơn giản là đoán đúng mệnh lệnh.
Sau đó, LucasArts ra mắt Maniac Mansion, hướng đến phong cách chơi chỉ-và-nhấn. Được viết kịch bản bởi Ron Gilbert và Gary Winnick, Maniac Mansion dùng lối viết sắc sảo và châm biếm để đả kích thể loại kinh dị quái vật. Đến năm 1990, tựa game Monkey Island đầu tiên ra đời. Được thiết kế bởi Ron Gilbert, Tim Schafer và Dave Grossman, The Secret of Monkey Island áp dụng lối hài hước châm biếm của Maniac Mansion và đẩy nó phát triển lên hơn nữa. Người chơi vào vai Guybrush Threepwood, một anh chàng gầy gò được định mệnh sắp đặt trở thành hải tặc giỏi nhất.
Bằng việc nhấn mạnh vào những nhân vật kì quái, đối thoải dí dỏm và sự hài hước theo chủ nghĩa phi lý, The Secret of Monkey Island ngay lập tức trở nên nổi bật so với các đối thủ. Bên cạnh yếu tố hài hước, The Secret of Monkey Island còn mang đến trải nghiệm gameplay ấn tượng nhất trong tất cả những game của LucasArts đã làm khi đó, với một giao diện hình họa mang đến cho trò chơi khả năng truy cập ấn tượng.
Phần âm thanh của trò chơi, được phổ nhạc bởi Michael Land, cũng giúp nó vượt qua các đối thủ, với các giai điệu mang đậm âm hưởng Caribbean trong toàn bộ trải nghiệm. Giao diện thân thiện, hình ảnh và âm thanh tốt ở thời điểm đó, sự nhấn mạnh vào yếu tố hài hước và các câu đố mang đến thách thức hoàn hảo, The Secret of Monkey Island đã trở thành một trong những ngọn cờ đầu của thể loại game phiêu lưu.
Trui rèn sự vĩ đại với Monkey Island 2: LeChuck's Revenge
Chỉ một năm sau đó, LucastArts đã cho ra mắt Monkey Island 2: LeChuck's Revenge. Mặc dù vẫn tiếp tục tái hiện những điểm sáng của phần tiền nhiệm, Monkey Island 2 cũng được xem là một bước tiến nhẹ, nhấn mạnh nhiều hơn nữa vào các yếu tố hài hước. Cùng việc có nhiều câu nói đùa hơn, Monkey Island 2 còn đơn giản hóa giao diện người dùng, khiến phần tiếp theo này dễ tiếp cận hơn. Âm thanh và hình ảnh cũng được cải thiện, mang đến trải nghiệm tương tự phần đầu nhưng chặt chẽ hơn.
Mặc dù tiếp tục nhận được những đánh giá cao, đội ngũ thiết kế của Monkey Island đã được thông báo rằng LeChuck's Revenge là một thất bại về mặt doanh thu, do đó dự án tiếp theo của họ cần phải thay đổi bối cảnh và yếu tố hài hước đặc trưng của dòng game này. Điều này có thể xem là một trong những yếu tố khiến cho Ron Gilbert quyết định không tiếp tục hợp tác cùng LucasArts cho các dự án Monkey Island sau đó.
Tiếp tục xu hướng với The Curse of Monkey Island
Năm 1997 chứng kiến màn ra mắt của The Curse of Monkey Island, phần đầu tiên trong seri không được cầm trịch bởi cha đẻ Ron Gilbert. Ra mắt 6 năm sau phần trước đó, The Curse of Monkey Island có nhiều lợi thế nhờ vào những tiến bộ công nghệ LucasArts đã đạt được. Nó mang đến cho seri sự đại tu về hình ảnh và đổ bóng. Được thiết kế bởi Bill Tiller, phong cách đồ họa mới này vẫn nắm bắt được cái hồn của hai tựa game gốc, đồng thời mang tới tạo hình hiện đại hóa cần thiết. Lần đầu tiên trong lịch sử thương hiệu, diễn viên lồng tiếng được áp dụng, với Dominic Armato mang đến cho Guybrush chất giọng lanh lợi đã trở thành biểu tượng sau này.
Nhằm khiến cho Curse of the Monkey Island dễ tiếp cận hơn, một hệ thống hành động mới được thêm vào. Được phát triển dựa trên trò chơi Full Throttle năm 1995 của LucasArts, người chơi có thể mở menu hành động bất kì lúc nào. Với hình dạng một đồng xu vàng, người chơi có thể chọn một trong ba hành động, bao gồm bàn tay đại diện cho tương tác vật lý, đầu lâu thể hiện sự quan sát, và một con vẹt đại diện cho hội thoại. Mặc dù không có sự góp mặt của người tạo ra seri này, The Curse of Monkey Island được đánh giá tốt và bán cũng rất chạy, tiếp tục thúc đẩy di sản của seri mang tầm ảnh hưởng lớn này sang kỷ nguyên game hiện đại.
Nỗ lực duy trì với Escape from Monkey Island
Tựa game phiêu lưu cuối cùng được phát hành bởi LucasArts, Escape from Monkey Island ra mắt năm 2000, đánh dấu một sự chuyển đổi hình ảnh khác cho seri, lần này tiến chân vào lĩnh vực 3D thông qua việc sử dụng engine GrimE, vốn được tạo ra cho seri Grim Fandango. Mặc dù được đánh giá cao và bán cũng rất chạy, sự đón nhận chung dành cho Escape from Monkey Island tương đối trái chiều. Rõ ràng game thủ đã bắt đầu trở nên chán chường với thể loại phiêu lưu chỉ-và-nhấn, và việc tái sử dụng địa điểm với nhịp độ câu chuyện trong Escape from Monkey Island không thể thuyết phục người hâm mộ về khả năng tồn tại của thể loại này.
Kết thúc chuyến hành trình với Tales of Monkey Island
Với phần lớn các nhà phát triển game phiêu lưu của LucasArts rời khỏi công ty trong giai đoạn 2003 - 2004 do việc hủy bỏ một tựa game Sam & Max mới, seri Monkey Island cũng bị bỏ ngỏ. Nhưng vào năm 2009, thương hiệu này trở lại một lần nữa với Telltale Games cầm trịch. Do Dave Grossman dẫn dắt, Telltale đã tung ra Tales from Monkey Island từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010. Chia ra làm nhiều chương, Tales from Monkey Island mang seri này vào kỷ nguyên hiện đại với một thiết kế hình ảnh hoàn toàn mới, vừa nắm bắt được phong cách hiện thực của hai phần game đầu, nhưng đồng thời cũng pha trộn với phong cách hoạt hình của các phần sau.
Tales of Monkey Island đã nhận được các đánh giá khá tích cực, và là trò chơi bán chạy nhất của Telltale cho đến khi Back to the Future ra mắt. Với cơ chế điều khiển chặt chẽ, hình ảnh đẹp nhất trong seri cùng sự hài hước nắm bắt hoàn hảo nhịp độ của bản gốc, Tales of Monkey Island là một cái kết hoàn hảo cho seri, dĩ nhiên là cho đến khi Return to Monkey Island được công bố sẽ lên kệ cuối năm nay.