Bạn có vô tình lạc vào một vũ trụ song song?
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác bước chân vào một căn phòng, lần đầu tiên, mà ngỡ mình đã từng ở đây rồi? Hay nói chuyện với bạn bè về một nội dung y hệt những gì hai người từng nói trước đó?
Còn nhiều hoàn cảnh lạ lùng kiểu như vậy. Nhưng điểm chung trong tất cả các trường hợp, đó là việc bạn trải nghiệm những cảm giác và khung cảnh hoàn toàn mới, rồi bất chợt nhận ra mình đã từng trải nghiệm chúng trước đây rồi.
Những cảm giác lạ lùng này không vượt quá 30 giây, có đôi chút thú vị xen lẫn hoang mang. Nhưng đừng lo, đó chỉ là hiện tượng Déjà vu mà thôi. Bạn chẳng hề bị đánh cắp ký ức hay vừa đi lạc vào một vũ trụ song song nào. 70% tất cả dân số thế giới ít nhất một lần bị ảnh hưởng bởi Déjà vu trong cuộc đời.
70% tất cả dân số thế giới ít nhất một lần bị ảnh hưởng bởi Déjà vu trong cuộc đời.
1. Déjà vu là gì?
Déjà Vu là một từ tiếng Pháp với nghĩa là "đã từng nhìn thấy". Nó còn có rất nhiều biến thể: Deja vecu - đã từng trải qua, Deja Senti - đã từng nghĩ tới, Deja Visite - đã từng ghé qua.
Năm 1876, nhà tâm thần học người Pháp Emile Boira, một trong những người đầu tiên để ý hiện tượng này đã chọn cái tên Déjà Vu để miêu tả trong tài liệu của mình. Tuy nhiên, phải mất hơn một thế kỷ để các nhà khoa học thống nhất được một định nghĩa phổ quát cho hiện tượng Déjà Vu.
Đó là vào năm 1979, Tiến sĩ Vernon Neppe, nhà thần kinh học nổi tiếng người Mỹ đã miêu tả Déjà Vu là “bất kể một ấn tượng chủ quan rất quen thuộc của một thực tại đang diễn ra với một quá khứ không xác định rõ được”.
Định nghĩa khoa học này áp dụng cho tất cả những hiện tượng Déjà Vu, cả trong đời thường và y khoa, chẳng hạn như những bệnh nhân có triệu chứng động kinh hoặc tâm thần phân liệt cũng trải nghiệm Déjà Vu.
Thế nhưng, hiểu một cách đơn giản trong đời thường, Déjà Vu là việc bạn cảm thấy một đối tượng nào đó rất đỗi quen thuộc, tới từng chi tiết mặc dù rõ ràng là bạn tiếp xúc với đối tượng đó lần đầu tiên.
2. Tại sao nó xảy ra?
Déjà Vu là một hiện tượng xảy ra mang tính bất chợt, bởi vậy, bạn không thể ép mình hay người khác rơi vào trạng thái Déjà Vu. Đó cũng là một lý do khiến nghiên cứu để giải thích hiện tượng Déjà Vu là cực kỳ khó.
Cho tới thời điểm hiện tại, không một nhà khoa học nào dám khẳng định 100% rằng mình giải thích được cơ chế chính xác của Déjà Vu. Mặc dù vậy, chúng ta hãy cùng điểm qua một số giả thuyết khoa học của hiện tượng này:
Giả thuyết phân tán nhận thức (Divided Attention – The Cellphone Theory)
Năm 2008, trong một nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Alan Brown hiện đang làm việc tại Đại học Columbia đã cố gắng tái tạo một trải nghiệm tương tự như Déjà vu.
Ông và đồng nghiệp đưa một nhóm sinh viên vào ngồi trước một màn hình trình chiếu, cho họ nhìn lướt qua một loạt hình ảnh ở tốc độ cực ngắn – từ 10-20 phần nghìn giây. Đây là khoảng thời gian đủ để não bộ tiếp nhận những hình ảnh, nhưng chưa đủ dài để các sinh viên kịp xây dựng nhận thức về chúng.
Tiếp theo đó, nhóm sinh viên được cho xem một bộ hình ảnh khác trộn lẫn cả những hình đã xem trước đó và chưa từng xem. Kết quả là những hình ảnh đã được trình chiếu đều tạo cảm giác quen thuộc hơn cho ứng viên. Trong một thí nghiệm khác, khi hình ảnh được thay bằng từ ngữ, kết quả tương tự cũng được ghi nhận.
Dựa trên nghiên cứu này, Tiến sĩ Brown đề xuất một giả thuyết được gọi là Phân tán sự nhận thức (Divided Attention). Theo đó, khi chúng ta không tập trung, những thông tin về trải nghiệm xung quanh chúng ta vẫn có thể được thu thập rồi đi vào tiềm thức. Sau đó, khi chúng ta bắt đầu tập trung trở lại, những thông tin này dần được nhận thức rõ lại một lần nữa. Thế là chúng trở nên quen thuộc với chúng ta.
Ví dụ, khi bạn bước vào một căn phòng lần đầu tiên và trải qua Déjà vu. Trước khi chính thức tập trung quan sát căn phòng, bộ não đã vô thức xử lý những thông tin về thính giác, thị giác. Chính vì vậy, khi bắt đầu tĩnh tâm và chú ý đến căn phòng, chúng ta cảm thấy như đã từng ở đó mặc dù không thể nhớ chính xác đó là khi nào.
Giả thuyết toàn ảnh (Hologram)
Nhà tâm thần học người Hà Lan, Hermon Sno,từng đề xuất ý tưởng về một giả thuyết gọi là toàn ảnh. Ông cho rằng chúng ta có thể tái tạo không gian ba chiều từ bất kỳ một chiều nào trong đó.
Nhờ vậy, Hermon Sno giải thích Déjà vu là việc bạn gặp lại một sự vật đơn lẻ, trùng lặp với những gì trước đây, nhưng bộ não lại tái tạo toàn bộ cảm giác quen thuộc về cả khung cảnh ấy.
Bất kỳ đặc tính nào của môi trường (hình ảnh, âm thanh, hương vị) quen thuộc với một trải nghiệm nào đó đều có khả năng khiến con người ghi nhớ lại toàn bộ chúng một cách rõ ràng.
Một số nhà nghiên cứu khác cũng đồng ý với ý tưởng chỉ cần một cảm giác quen thuộc nhỏ cũng kích hoạt Déjà vu.
Ví dụ, khi bạn bất chợt cảm thấy cuộc hội thoại mình tham gia cực kỳ quen thuộc. Đó là bởi người bạn của bạn đã nói chính xác một câu đã từng nói trước đây. Chỉ tại trong trải nghiệm lần trước đó, bạn đã không để ý và không nhớ được câu nói.
Câu nói đã gợi ra tất cả các cảm giác quen thuộc quay trở lại, bạn sống trong khung cảnh cũ và thế là bạn có 30 giây Déjà vu.
Giả thuyết xử lý thông tin cùng lúc (Dual Processing)
Đây cũng là một giả thuyết phổ biến để giải thích hiện tượng Déjà vu, được đưa ra bởi bác sĩ Robert Efron vào năm 1936. Khi đó, ông đang làm việc tại Bệnh viện cựu chiến binh Boston.
Robert Efron cho rằng một sự trì hoãn trong quá trình xử lý thông tin của não đã tạo ra Déjà vu. Theo đó, thông tin đi vào não và trải qua nhiều con đường khác nhau. Nếu quá trình tải thông tin này đồng bộ giữa các tuyến đường, chúng ta sẽ có được nhận thức bình thường.
Trên tuyến đường đi của thông tin ấy, bác sĩ Efron tìm ra một phần trong não trái chịu trách nhiệm cho việc phân loại các thông tin, và quy trình này có những sự trì hoãn ở mức độ một triệu million giây. Sự trì hoãn này xảy ra trong quá trình xử lý và xảy ra một lần nữa khi thông tin được chuyển qua não phải.
Nếu sự trì hoãn này diễn ra lâu hơn mức bình thường, bộ não có thể phân loại những thông tin mới này là những ký ức. Nghĩa là não bộ bị đánh lừa trong khoảnh khắc, rằng một sự kiện đang diễn ra đã từng xảy ra trước đó rồi. Nhưng bởi đó chỉ là cảm giác bị đánh lừa, nó sẽ không thể truy xuất lại được về thời điểm xảy ra đó trong quá khứ.
Giả sử khi bạn đứng trước một khung cảnh, thị giác thu thập những dữ kiện A-B-C. Ba dữ kiện này được chia theo 2 con đường xử lý, một qua não trái rồi não phải để phân loại. Ở con đường này chúng đã được tiếp nhận xong: A-B-C.
Nhưng đồng thời một con đường xử lý khác qua vỏ não thị giác bị mất đồng bộ. Nó sẽ nói rằng bạn đang nhìn thấy dữ kiện A-B…-C.
Dữ kiện A-B được đồng bộ nhưng sự gián đoạn ở C đã tạo cho bạn cảm giác Déjà vu.
3. Bạn có muốn một lần nữa trải nghiệm Déjà vu?
Như đã nói, Déjà vu sẽ tìm đến bạn một cách bất chợt, chứ chúng ta không thể tự tạo ra cảm giác Déjà vu. Bởi vậy, nếu bạn muốn trải nghiệm Déjà vu một lần nữa, cách duy nhất là chờ đợi.
Dưới đây là một số kết luận được rút ra từ những khảo sát và nghiên cứu về Déjà vu. Có thể sẽ hữu ích nếu bạn muốn "chờ đợi" Déjà vu một cách chủ động hơn:
1. Tính trung bình, một người bình thường chỉ trải nghiệm Déjà vu một lần mỗi năm
2. Déjà vu thường xuất hiện trong trạng thái căng thẳng hoặc cực kỳ mệt mỏi
3. Con người bắt đầu gặp Déjà vu từ năm 8-9 tuổi, càng lớn thì càng ít gặp
4. Déjà vu thường xảy ra với những khung cảnh trong nhà
5. Người có giáo dục, điều kiện kinh tế tốt và hay đi du lịch sẽ trải nghiệm Déjà vu nhiều hơn
Tổng hợp