"Người nhân bản" (tựa gốc: Seobok) là tựa phim lấy đề tài nhân bản và biến đổi gen ở người của xứ Kim Chi. Với sự góp mặt của hai "cực phẩm" là Gong Yoo và Park Bo Gum, chuyện phim mang đến nhiều thông điệp đây ý nghĩa và nhân văn về sự sống - cái chết, gợi lên nhiều suy tư, trăn trở cho khán giả về cuộc sống và con người.
Người nhân bản xoay quanh hai nhân vật trung tâm là Min Ki Hun (Gong Yoo) - một cựu đặc vụ sống tách biệt với thế giới bên ngoài kể từ sau biến cố trong quá khứ, chấp nhận thực hiện nhiệm vụ cuối cùng từ Cơ quan Tình báo và cậu bé Seobok (Park Bo Gum) - người nhân bản được tạo thành từ công nghệ nhân bản tế bào gốc và biến đổi gen, có khả năng chữa nhiều bệnh và gần như bất tử.
Nhiệm vụ cuối cùng của Ki Hun là bảo vệ Seobok khỏi các thế lực bí ẩn muốn diệt trừ cậu bé hoặc sử dụng cậu như một vật mẫu với những mục đích riêng. Mang trong đầu khối u não ác tính, thời gian còn lại của Ki Hun không nhiều. Liệu anh có bảo về được Seobok hay cậu bé sẽ rơi vào tay kẻ muốn chiếm đoạt vận mệnh của toàn nhân loại?
Cái tên Seobok của cậu bé người nhân bản tiếng Hán là Từ Phúc - một nhân vật thời nhà Tần. Đây cũng chính là cảm hứng để đạo diễn Lee Yong Zoo sáng tạo ra tựa phim Người nhân bản. Truyền thuyết kể rằng Từ Phúc từng làm ngự y cho Tần Thủy Hoàng. Sau khi lên ngôi, vị vua này bị ám ảnh bởi sự trường sinh bất tử, mong muốn sống lâu dài để đảm bảo quyền hành, cai trị đất nước nên đã sai Từ Phúc ra vùng biển phía đông (ngày nay là khu vực biển quanh Hàn Quốc và Nhật Bản), đến núi Bồng Lai - nơi các tiên nhân ở, tìm cho được bí kíp trường sinh bất tử. Từ Phúc đi hai chuyến, nhưng chuyến sau cùng lại không thấy trở về. Tương truyền ông đã dừng lại ở Nhật Bản, tìm được bí kíp trường sinh bất tử và sống tới 300 tuổi.
Dựa trên truyền thuyết thú vị này, cậu bé mang cái tên Seobok cũng mang trong mình một sứ mệnh với nhân loại. Tuy nhiên, sự hiện diện của cậu đã dấy lên tham vọng của những kẻ khao khát quyền lực với mơ ước trường sinh, khoẻ mạnh.
Chúng ta đều hiểu rõ, sinh - lão - bệnh - tử vốn là quy luật tất yếu của cuộc đời, của tạo hoá. Việc muốn được trường sinh là đi ngược với xu hướng phát triển của tự nhiên, nhưng nó không sai bởi bản năng con người luôn sợ hãi cái chết. Song, vẫn cần phải nhìn nhận rõ việc khoa học phát triển và tìm thấy con đường kéo dài sự sống của loài người không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể lợi dụng nó như một công cụ nhắm đến mục đích thống trị.
Mặt khác, bộ phim còn kí thác những thông điệp rất nhân văn về sự sống và cái chết. Được sống chưa hẳn là một chuyện tốt, chết đi cũng khồng hẳn là quá tệ. Fredrik Backma từng viết trong Người đàn ông mang tên Ove thế này: "Chúng ta sợ chết, nhưng đa phần chúng ta sợ nhất là khi nó đem một ai đó đi mất chứ không phải chính chúng ta. bởi lẽ nỗi sợ hãi lớn nhất khi đối mặt với cáii chết là việc nó sượt qua chúng ta. Và bỏ lại chúng ta một mình".
Đúng thật như thế, xem xong Người nhân bản, bạn sẽ không sợ cái chết ập đến với chính mình nữa. Bên cạnh đó, mỗi người trong chùng ta sẽ ý thức rõ ràng hơn về giá trị của sự sống, giá trị của bản thân với cuộc đời này và hơn hết là ý thích về việc sống trọn vẹn hơn từng ngày.
Ngoài những lợi thế về phần nhìn với hai cái tên đình đám Gong Yoo và Park Bo Gum, Người nhân bản còn mang đến màn ảnh những thông điệp vô cùng nhân văn và cùng những thước phim thực sự chỉn chu. Tuy nhiên, đây không phải là tựa phim dành cho đại trà khán giả bởi nó sở hữu đề tài tương đối mới cùng cách kể chuyện khác lạ với nhịp phim chậm rãi, ổn định. Song, với những gì mình sở hữu, Người nhân bản xứng đáng trở thành một lựa chọn ưu tiên của khán giả tại phòng chiếu tháng 4.
Phim chính thức công chiếu toàn quốc từ 15/04/2021.
Điểm: 7/10