Ra đời vào ngày 13 tháng 1 năm 2009, trải qua 15 năm hình thành và phát triển, VIRESA đã góp phần định hình môi trường thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí Việt Nam một cách bài bản, từng bước tiến đến chuyên nghiệp, với mong muốn thúc đẩy khát khao chinh phục đỉnh cao của các vận động viên Việt Nam.
Cách đây 15 năm, giai đoạn mà “thể thao điện tử” còn là một khái niệm khá xa lạ với phần lớn cộng đồng người chơi tại Việt Nam, đã có những con người mong muốn một ngày nào đó biến Việt Nam thành một Trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế về Thể thao điện tử và thể thao giải trí của khu vực và thế giới. Và Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, hay còn gọi là VIRESA, đã chính thức ra đời vào ngày 13 tháng 1 năm 2009. Trải qua chặng đường 15 năm, giờ đây khi nhìn lại, Việt Nam đã thực sự có những bước tiến đáng kể.
Việt Nam trước 2010: Khi chơi game chưa được xem là thể thao, còn vũ đạo thể thao giải trí mới manh nha ở mức thể thao đường phố
Ngày trước, khi nhắc đến chơi game, nhiều người nhận định đó đơn thuần chỉ là một sự giải trí giết thời gian. Dù vậy, khái niệm thi đấu đã có dấu hiệu manh nha từ những giải “net cỏ” với một số trò chơi như Age of Empire (Đế Chế), CS 1.6 (Half-Life), hoặc được đầu tư chuyên nghiệp hơn từ các ông lớn VNG, VTC, FPT,… Việc du nhập game online về và tổ chức giải đấu để vinh danh các tuyển thủ tài năng ngày ấy vẫn còn khá đơn giản, không có định hướng cụ thể, và tập trung chủ yếu vào thành tích cá nhân.
Trong khi đó, với những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, thể thao điện tử đã bắt đầu có sự nở rộ mạnh mẽ. Cùng với sự xuất hiện của các trò chơi thuộc thể loại MOBA, thi đấu đồng đội, Hàn Quốc sớm nhận ra tiềm lực của thể thao điện tử chuyên nghiệp. Họ nhanh chóng đầu tư và khai thác một cách chuyên nghiệp, bài bản, qua đó dần tạo nên những giải đấu lớn hơn. Nhìn sang các nước khu vực Bắc Mỹ, họ cũng dần khai thác điểm mạnh của mình trong thể loại game bắn súng, và xây dựng các đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp.
Cũng trong giai đoạn này, nhiều nội dung thể thao giải trí rất mới mẻ được du nhập vào Việt Nam và phát triển nhanh chóng thông qua các hoạt động thể thao giải trí đường phố như Hiphop, breaking….VIRESA với sự tham gia của nhiều nhà giáo dục thể thao hàng đầu đã tiếp cận và từng bước bổ sung hoạt động thể thao giải trí vào danh mục thi đấu và tập luyện có hệ thống. Tuy nhiên, về cơ bản các bộ môn vũ đạo thể thao giải trí vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng tầm quy mô hoạt động và mức độ chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu.
Sự “sinh sau đẻ muộn” của thể thao điện tử Việt Nam bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó văn hóa và giáo dục có thể đánh giá đóng vai trò rất lớn. Hình ảnh những “cậu nhóc” ngồi bên máy tính để tập luyện và thi đấu hàng giờ liền hầu như chưa bao giờ được gọi là “thể thao”. Thậm chí, những hệ lụy xấu có liên quan tới chơi game càng khiến cho xã hội nước nhà có cái nhìn khắt khe hơn với các “game thủ”, và gần như không xem đó là một nghề. Suốt một thời gian dài, việc đầu tư phát triển thể thao điện tử chuyên nghiệp tại Việt Nam đã phải trải qua muôn vàn sóng gió mới có được những thành tựu nhất định trong những năm gần đây.
2011 - 2020: Chặng đường xây dựng môi trường thể thao điện tử chuyên nghiệp, bước đầu phổ biến phong trào vũ đạo thể thao giải trí
Bước sang giai đoạn 2014 - 2015, Việt Nam bắt đầu chứng kiến sự chuyển mình của khái niệm thi đấu chuyên nghiệp. Đó cũng là thời điểm mà Liên Minh Huyền Thoại - Một trò chơi MOBA do Riot Games phát triển - bắt đầu trở thành cái tên được chú ý tại thị trường game online Việt Nam. Dần dần, một số đội tuyển thể thao điện tử được xây dựng từ con số 0, mà những năm sau đó đã được biết đến nhiều hơn.
Có thể nói, trong quãng thời gian từ 2014 đến 2019, Liên Minh Huyền Thoại là trò chơi thể hiện rõ nét nhất khái niệm “Thể thao điện tử” tại thị trường Việt Nam, phần lớn nhờ vào sự phổ biến vượt trội của nó so với các trò chơi trực tuyến khác. Đặc biệt, thể thao điện tử giai đoạn này đã có sự phát triển mạnh mẽ trên điện thoại di động. Những sự xuất hiện của tựa game Liên Quân Mobile, PUBG Mobile cũng bắt đầu kéo theo sự quan tâm của game thủ Việt đến khái niệm thể thao điện tử.
Những giải đấu quốc nội dần được tổ chức nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn dưới sự giám sát và quản lý của các đơn vị tổ chức có tên tuổi, điển hình như Garena và VTC. Thời điểm đó, Garena nắm giữ trong tay ba thương hiệu game online lớn của thể thao điện tử Việt Nam là Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile và FIFA Online, VTC chủ trì bộ môn Đột Kích (Crossfire), nhờ đó mà cả những người chưa từng biết đến thể thao điện tử cũng bắt đầu nhìn thấy sức hút nó mang lại. Các đội tuyển thể thao điện tử Việt Nam cũng dần có vị thế nhất định trên đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc thể thao điện tử vẫn chỉ dừng lại ở mức giải trí, biểu diễn tại những Đại hội thể thao cấp khu vực, điều này cũng hạn chế phần nào tiềm năng phát triển của VIRESA nói riêng và Việt Nam nói chung. Các game thủ Việt khao khát chứng tỏ bản thân phải lựa chọn con đường xuất ngoại, nhưng khả năng thành công cũng không cao. Định kiến về việc “chơi game” nhìn chung còn khá nặng nề, làm cho những người trẻ tuổi không có nhiều cơ hội phát triển, trong khi tuổi đời của một game thủ chuyên nghiệp lại khá ngắn ngủi. Thể thao điện tử cũng chưa hề được đưa vào môi trường giáo dục, càng khiến cho hành trình của VIRESA trở nên khó khăn.
Cho đến năm 2019, khi thể thao điện tử chính thức được đưa vào nội dung thi đấu tranh huy chương tại SEA Games 30 ở Philipines, thể thao điện tử Việt Nam lần đầu tham dự sân chơi Đại hội thể thao đa môn đã giành 3 huy chương đồng ở các bộ môn Dota 2, StarCraft II và Liên Quân Mobile. Cũng tại SEA Games 30, Breaking Dance Việt Nam góp mặt và thể hiện được bản lĩnh cũng như phong độ thi đấu xuất sắc khi giành được 1 huy chương bạc vô cùng quý giá, ghi nhận sự nỗ lực của các vận động viên Breaking trong điều kiện môi trường tập luyện, thi đấu cọ xát chưa nhiều.
2020: Cột mốc đáng nhớ với đại dịch COVID-19
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, Việt Nam và cả thế giới bước vào thời kỳ đại dịch kinh hoàng mang tên COVID-19. Sự lây lan dễ dàng và mức độ nguy hiểm của nó ảnh hưởng nặng nề đến tất cả ngành nghề, thể thao điện tử cũng không nằm ngoài cuộc. Mặc dù về bản chất, thể thao điện tử là hoạt động thi đấu trực tuyến và không nhất thiết phải gặp mặt nhau, nhưng ở thời điểm mà người ta phải dành nhiều sự quan tâm hơn cho vấn đề sức khỏe, không dễ dàng gì để “chơi game” nhận được nhiều sự chú ý.
Tuy vậy, thể thao điện tử Việt Nam vẫn đảm bảo duy trì tổ chức giải đấu, cụ thể là Vietnam Championship Series Mùa xuân 2020 diễn ra ở GG Stadium. Điều đáng tiếc duy nhất là các trận đấu thể thao điện tử phải diễn ra với hình thức không có khán giả trực tiếp. Giai đoạn đầu 2020 đã trôi qua vô cùng nặng nề với sự hiện hữu của COVID-19.
Trong giai đoạn này VIRESA cũng đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần III để bầu ra Ban chấp hành mới với 27 thành viên. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thông Số Việt Nam, được bầu làm Chủ tịch nhiệm kì 2020 - 2024. Ông Đỗ Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Thể thao Điện tử, công ty VTV Live, được bầu làm Tổng Thư ký.
Bước sang giai đoạn tháng 9, sau khi đại dịch COVID-19 đã phần nào được khống chế, VIRESA cũng bắt đầu có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Có thể kể đến việc hợp tác cùng VNG để đồng tổ chức giải đấu PMPL VN S2 nói riêng và hệ thống giải đấu chính thức của PUBG Mobile Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, VIRESA cũng tổ chức vòng loại quốc gia Việt Nam thuộc Giải Thể thao Điện tử Vô địch thế giới 2020 - IESF Esports World Championship 2020, với ba môn thi đấu là eFootball PES, Tekken 7 và DOTA 2. Sự bùng nổ này phần nào cho thấy dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ của thể thao điện tử nước nhà.
Giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 cũng bắt đầu chứng kiến những thay đổi bản lề đối với Vũ đạo thể thao giải trí khi các hoạt động thi đấu cấp độ toàn quốc và giao hữu quốc tế được diễn ra với qui mô và chất lượng ngày một tốt hơn, tạo tiền đề cho việc hình thành đội tuyển quốc gia bộ môn Breaking chuẩn bị cho các kỳ thi đấu SEA Games và ASIAD.
2021 - 2022: Dấu ấn của thể thao điện tử Việt Nam trên đấu trường quốc tế, Breaking nhanh chóng hội nhập
Năm 2021 bắt đầu chứng kiến sự vươn mình của thể thao điện tử, với hàng loạt các giải đấu lớn nhỏ khai mạc. Từ những bộ môn phổ biến ở Việt Nam như Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, PUBG Mobile, nay còn có thêm sự hiện diện của Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và FreeFire. Với kế hoạch đầu tư và định hướng rõ ràng, VIRESA đã đồng hành cùng những giải đấu này để hỗ trợ cho các đội tuyển tham gia xây dựng môi trường chuyên nghiệp, từ đó nâng cao thành tích của Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới. Đồng thời, các hoạt động phát triển, cổ vũ phong trào vũ đạo thể thao giải trí ngày càng được củng cố, nhất là các hoạt động thi đấu đỉnh cao dành cho các vận động viên bộ môn Breaking và Hiphop ở quy mô toàn quốc và các giải đấu giao hữu quốc tế.
Đặc biệt, vào ngày 10 tháng 6 năm 2021, VIRESA đã chính thức phát hành “Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021”, cung cấp các thông tin quan trọng trong lĩnh vực thể thao điện tử, vẽ nên bức tranh thể thao điện tử Việt Nam trong vài năm trở lại. Cùng với đó là những chuyên đề mang tính chất thời sự, giúp người đọc nắm bắt được những thăng trầm của thể thao điện tử nước nhà trong giai đoạn đổi mới và phát triển. Nhiều cuộc khảo sát được thực hiện, nhiều số liệu thống kê đã cho thấy sự phổ biến của thể thao điện tử, từ cả người xem cho đến người chơi trực tiếp.
Tất cả những dấu hiệu tích cực này đã trở thành “ngòi nổ” cho một năm 2022 vô cùng đáng nhớ, ghi đậm dấu ấn của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi của các tuyển thủ, sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao nói chung và VIRESA nói riêng, thể thao điện tử Việt Nam không những đã nỗ lực khắc phục được hoàn toàn những rào cản, khó khăn trong giai đoạn đại dịch, mà còn gặt hái được những thành tựu lớn lao, thúc đẩy nền thể thao điện tử nước nhà vươn lên một tầm cao mới.
Điểm nhấn đầu tiên chính là SEA Games 31 tổ chức thành công tốt đẹp tại Hà Nội, Việt Nam. Đoàn thể thao điện tử Việt Nam đã đóng góp vào bảng thành tích huy chương với 4 huy chương vàng ở các nội dung Liên Minh Huyền Thoại, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến, Đột Kích, PUBG Mobile và 3 huy chươn bạc ở các nội dung Liên Quân Mobile, PUBG Mobile và FIFA Online 4.
Những tấm huy chương, những màn trình diễn ấn tượng, những nỗ lực không biết mệt mỏi của các vận động viên, không chỉ mang lại vinh quang cho Tổ quốc, cho khán giả và người hâm mộ, mà còn là niềm tự hào dành cho gia đình, người thân, bạn bè của mỗi tuyển thủ. Và đồng thời, là lời khẳng định về sự thành công tất yếu của khát khao chiến thắng và tinh thần kiên cường theo đuổi giấc mơ của những đứa trẻ “mê game”. Bên cạnh đó là hàng loạt những đội tuyển Esports Việt Nam giành được các thành tích ấn tượng trên mọi mặt trận.
Xem thêm: Việt Nam để lại nhiều ấn tượng đẹp tại IESF WEC 2022
Từ một đất nước không mấy ai biết đến trên bản đồ thể thao điện tử thế giới, Việt Nam đã chứng minh cho bạn bè quốc tế rằng chúng ta có đủ khả năng và thực lực để vươn mình đạt đến những thành tích cao. Vô địch giải đấu AIC 2022, đoạt huy chương Vàng Global Esports Games 2022, vô địch FIFAe Continental Cup 2022, lọt Top 6 giải đấu PGC 2022, lọt vào Bán kết Wild Rift Icons Global Championship 2022 và Top 6 MSI 2022 là những thành tựu mà thể thao điện tử Việt Nam đã tạo nên trong năm 2022.
2023: Chuyên nghiệp hóa thi đấu thể thao điện tử và Breaking tại các sân chơi quốc tế
Với một năm 2022 thăng hoa, thể thao điện tử giải trí Việt Nam bước vào năm 2023 bằng sự tự tin và chuyên nghiệp trong định hướng xây dựng các đội ngũ thi đấu quốc tế. VIRESA đã đồng hành cùng Esports Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua, từ việc kí kết những hợp tác toàn diện với các đối tác quốc tế, xây dựng bộ khung quy chuẩn thi đấu để ngày càng trở nên hiện đại hơn, và hợp tác cùng các nhà phát hành trong nước để tổ chức những giải đấu quy mô lớn, tìm ra tài năng trẻ cho tương lai.
Đặc biệt, ngày 11/3/2023, lần đầu tiên VIRESA triển khai hoạt động Vinh danh và Phong đẳng cấp cho các lực lượng tham gia vào môn thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí. Căn cứ theo tiêu chuẩn số 44 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 07 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch VIRESA đã ký quyết định phong cấp Vận động viên Kiện tướng cho 84 vận động viên thể thao điện tử Việt Nam tham gia thi đấu tại SEA Games 31.
Sự kiện này đánh dấu sự công nhận và ghi nhận của toàn xã hội với vị thế và những đóng góp của ngành thể thao điện tử, đặc biệt là sự nỗ lực của lực lượng vận động viên và các đội tuyển quốc gia. Giờ đây, vận động viên thể thao điện tử đương nhiên thuộc danh sách vinh danh và phong cấp như nhiều vận động viên các môn thể thao truyền thống khác. Điều này có tác động to lớn đến sự thay đổi góc nhìn và nhận thức của toàn xã hội với thể thao điện tử.
Bên cạnh đó, VIRESA cũng thực hiện hoạt động chứng nhận vận động viên, huấn luyện viên quốc gia, đồng thời tri ân các đối tác đồng hành phát triển thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí Việt Nam. VIRESA cũng thường xuyên kết hợp cùng các đơn vị báo chí trong nước để phổ biến tin tức thể thao điện tử đến với tất cả mọi người, giúp mọi người có được cái nhìn tích cực hơn về thể thao điện tử, hướng đến việc xem nó là một nghề cho “game thủ” trong tương lai không xa. Đặc biệt, vào ngày 17 tháng 4 năm 2023, VIRESA đã ký kết biên bản hợp tác cùng Liên đoàn Thể thao Điện tử châu Á (AESF) nhằm hướng đến việc quảng bá, phát triển bền vững thể thao điện tử trong khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong năm 2023, thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí nói chung đã đạt được các cột mốc quan trọng, bao gồm việc thể thao điện tử và breaking tiếp tục là môn tranh huy chương tại SEA Games 32, và lần đầu tiên được tính vào các môn thể thao tranh huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) Lần thứ 19 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc.
VIRESA vinh dự khi đồng hành cùng các đội tuyển thể thao điện tử và Breaking Việt Nam trên hành trình chinh phục huy chương tại SEA Games 32 và ASIAD 19, chia sẻ khó khăn với các vận động viên, trở thành cầu nối giữa các vận động viên với khán giả nước nhà. Tại SEA Games 32, thể thao điện tử Việt Nam đã đạt được tổng cộng 7 huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng. Bộ môn Breaking tạo nên điểm sáng chói khi 2 vận động viên nữ của Việt Nam 1 giành huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại nội dung thi đấu dành cho B-girl, khẳng định vị thế của Breaking Việt Nam tại Đông Nam Á.
Xem thêm: VNG đồng hành cùng Esports Việt Nam tranh tài tại ASIAD 19
Dấu ấn ngoại giao thông qua thể thao điện tử
Tại SEA Games 32, ngoài vai trò đảm bảo chuyên môn cho các đội tuyển quốc gia tranh tài ở môn thể thao điện tử và môn Breaking. VIRESA đã được Ban tổ chức SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia tin tưởng giao chủ trì toàn diện công tác tổ chức thi đấu các nội dung thể thao điện tử SEA Games 32 tại PhnomPenh trong tháng 5/2023. Cách VIRESA vận động toàn bộ nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ chủ nhà Campuchia tổ chức thành công môn thể thao điện tử tại SEA Games 32 đã cho thấy uy tín và năng lực vươn tầm của thể thao điện tử Việt Nam cả về chuyên môn thi đấu và trình độ tổ chức.
Cũng trong giai đoạn này, VIRESA còn chủ trì bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất từ SEA Games 32 để phục vụ nội dung thi đấu thể thao điện tử trình diễn tại Para Games 2023 diễn ra tại PhnomPenh ngay sau SEA Games 32. Đây là một dấu ấn lớn về ngoại giao thể thao của Việt Nam thông qua thể thao điện tử, được các cơ quan bộ ban ngành đánh giá rất cao và ghi nhận thông qua hoạt động khen thưởng, động viên kịp thời. Rất nhiều cá nhân và tập thể thuộc thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Tại ASIAD 19, VIRESA đã phối hợp cùng các ban ngành đoàn thể triển khai nhiều hoạt động quan trọng để chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia Việt Nam, bao gồm tổ chức thi đấu giao hữu với đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc, ứng viên hàng đầu cho tấm huy chương vàng bộ môn này tại ASIAD 19. VIRESA cũng liên tục đưa tin về hành trình chinh phục huy chương của đoàn thể thao Việt Nam suốt quá trình diễn ra các môn thi đấu của Đại hội. Sự hiện diện của VIRESA đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thể thao điện tử đến với khán giả nước nhà, giúp đa dạng hóa các đối tượng theo dõi thể thao điện tử.
Xem thêm: VIRESA và AESF ký thỏa thuận hợp tác về thể thao điện tử
“Trong suốt hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam với vai trò Liên đoàn thể thao quốc gia luôn xác định vị trí cầu nối, kết hợp các nguồn lực xã hội, cùng nhau dẫn dắt ngành thể thao điện tử giải trí Việt Nam hoà mình vào dòng chảy thể thao thế giới. Chúng tôi cũng nhận thức được còn rất nhiều thách thức ở phía trước để thực sự tạo nên một con đường phát triển bền vững. Vì vậy, VIRESA cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn bộ các nguồn lực để có những bước tiến vững chắc tiếp theo, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng, khán giả và người hâm mộ”, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch VIRESA chia sẻ.
Tuổi 16 và những kỳ vọng mới
Năm 2024 chỉ vừa mới bắt đầu, thể thao điện tử giải trí Việt Nam chắc chắn sẽ còn rất nhiều biến động, thách thức trong thời gian tới. Với sự phát triển và phổ biến của thể thao điện tử, sự thúc đẩy vũ đạo thể thao giải trí mạnh mẽ mà VIRESA đã nỗ lực xây dựng cùng với các đối tác, các nhà phát hành, các cơ quan báo chí trong suốt chặng đường 15 năm qua, năm 2024 hứa hẹn sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa. Dù rằng thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí Việt Nam Việt Nam hiện vẫn chỉ có thể xem là tương đối non trẻ so với các cường quốc khác trong khu vực, nhưng với quyết tâm thúc đẩy thể thao điện tử giải trí Việt Nam hướng tới những thành tích quốc tế cao hơn, chắc chắn VIRESA sẽ luôn đóng vai trò “đầu tàu” quan trọng trong việc nâng tầm các đội tuyển quốc gia trên con đường xây dựng môi trường thi đấu bài bản, chuyên nghiệp và đạt được nhiều thành công quan trọng hơn nữa.