Nghe qua có vẻ rất khó tin, song đối với phụ nữ Ấn Độ chu kì nguyệt san hàng tháng đã trở thành gánh nặng lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Vì vậy, những người phụ nữ kém may mắn đã đi đến quyết định cắt bỏ tử cung.
Từ xa xưa, trong văn hoá Ấn Độ, kinh nguyệt hay chu kì nguyệt san hàng tháng của những người phụ nữ được xem là bẩn thỉu, là điều cấm kỵ. Vì vậy trong thời gian xảy ra chu kì, các bé gái và phụ nữ không được góp mặt hay tham dự những sự kiện văn hoá, tôn giáo - tín ngưỡng của đất nước này. Cho đến ngày nay, khi xã hội văn minh đã bình thường hoá các hiện tượng sinh lí mang tính tất yếu này và các nền văn hoá cũng thôi nghiêm trọng hoá nó đi, thì đối với phụ nữ Ấn Độ đây vẫn là một nỗi ám ảnh.
Nhiều người tại đây đã phải đưa ra lựa chọn đau đơn và vô cùng nguy hiểm để duy trì miếng cơm manh áo của mình - cắt bỏ tử cung. Trong khoảng ba năm gần đây đã có rất nhiều phụ nữ trẻ tuổi đã chủ động đưa ra yêu cầu cắt bỏ tử cung để "cắt" luôn chu kì nguyệt san hàng tháng. Hầu hết những đối tượng lâm vào hoàn cảnh này là người có xuất thân nghèo khó và làm việc trên các cánh đồng mía. Chu kì kinh nguyệt hàng tháng luôn khiến họ phải nghỉ làm từ một đến hai ngày mỗi tháng và bị phạt tiền.
Từ lâu, vấn đề vệ sinh phụ khoa và chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ ở đất nước này luôn là thách thức rất lớn đối với chính phủ. Có những khu vực tình trạng dân trí thấp đã kéo theo sự nghèo đói, túng thiếu để rồi những chiếc băng vệ sinh hàng tháng đối với phụ nữ Ấn Độ trở thành món đồ xa xỉ hơn bao giờ hết. Lá cây, vải vụn đã trở thành đồ dùng thay thế cho thứ nhu yếu phẩm hàng tháng và được tái sử dụng nhiều lần. Việc làm này dẫn đến những bệnh phụ khoa nghiêm trọng, gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng cơ quan sinh dục.
Thêm vào đó, các nữ công nhân là việc trên các cánh đồng ở Ấn Độ phải sống trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Ở trong những túp lều gần cánh đồng, đôi khi phải làm đêm và không có nhà vệ sinh, chưa kể đến việc không có các nhu yếu phẩm hàng tháng, họ đã mắc các bệnh vùng kín, thậm chí là nhiễm trùng. Đáng ra những vấn đề này phải được xử lý bằng các biện pháp y tế và thuốc nhưng vì không muốn gián đoạn công việc và tránh đi những tổn thất kinh tế họ đã được những bác sĩ vô nhân đạo khuyến khích cắt bỏ tử cung với lý do việc làm này hoàn toàn vô hại khi người phụ nữ đã có con và không muốn sinh thêm.
Con người sinh ra đủ đầy vốn thuận theo tự nhiên. Song tự ý làm khuyết đi một phần cơ thể tức là đi ngược lại với tạo hoá, Mà cái gì phi tự nhiên thì đều để lại những hậu quả khôn lường. Hơn 4000 ca phẫu thuật đã được thực hiện cho các phụ nữ từ 20-40 tuổi. Một số người đã phải gánh chịu những biến chứng sau ca phẫu thuật dẫn đến mất đi khả năng lao động.
Chính quyền Ấn Độ đã và đang triển khai các biện pháp để loại bỏ tình trạng trên, đồng thời góp phần biến kinh nguyệt trở thành vấn đề bình thường trong một xã hội văn minh. Bên cạnh đó, vấn đề bình đảng giới có lẽ cũng nên được cân nhắc cải thiện tại đất nước này.
Yin Li