Nhà phát triển của một trò chơi kinh dị có thể khiến cho người chơi của mình phải hoảng sợ khi chơi tựa game của họ bằng những thủ thuật không ai ngờ đến
Liệu có bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng những tựa game kinh dị bom tấn lại có thể khiến cho bạn sợ hãi vô cùng hay không? Tất nhiên khi phát triển một trò chơi kinh dị thì những nhà làm game không chỉ đưa vào những phân cảnh kinh dị thông thường, mà trong đó còn rất nhiều những thủ thuật tâm lý được kết hợp một cách tài tình để đạt được một mục đích duy nhất, đó là làm người chơi phải nơm nớp lo sợ mỗi khi chơi game.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng thử điểm qua những thủ thuật kinh điển nhất mà những nhà làm game kinh dị đã sử dụng để tạo nên cảm giác sợ hãi tột độ cho người chơi nhé.
Giới hạn tầm nhìn của người chơi
Việc đối đầu với một con quái vật khổng lồ hiện rõ ngay trước mặt chắc chắn sẽ không đáng sợ bằng những thứ ẩn nấp trong bóng tối và chực chờ nhào ra khi bạn mất tập trung. Nguyên do là bởi con người luôn có xu hướng sợ những thứ mà không nhìn thấy được, vì vậy một môi trường càng âm u, kèm theo đó là những âm thanh sột soạt sẽ tạo nên một nỗi sợ vô hình mỗi khi người chơi tham gia vào một trò chơi nào đó.
Thủ thuật giới hạn tầm nhìn được những nhà làm game thực hiện thông qua việc hạn chế góc camera của người chơi. Ví dụ điển hình nhất chính là siêu phẩm Resident Evil và Silent Hill khi góc quay camera của người chơi luôn bị cố định một chỗ. Điều này đã khiến cho game thủ không thể nào đoán được liệu thứ gì sẽ nhảy ra mỗi khi góc quay của họ thay đổi.
Trong những tựa game kinh dị trong những năm gần đây thì nhà phát triển sẽ trao cho người chơi một cái máy ảnh hoặc một cái đèn pin có thể bị hết pin bất cứ lúc nào. Môi trường xung quanh cũng trở nên tối mụt khiến bạn phả bị lệ thuộc vào những thiết bị cầm tay. Tất nhiên không có gì đáng sợ bằng việc bị bỏ lại trong một bệnh viện tối tăm cùng một chiếc đèn pin sắp tắt cả.
Nghệ thuật tạo ra những âm thanh đáng sợ.
Âm thanh là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với một trò chơi kinh dị khi nó đem lại những cảm giác rợn người đến người chơi. Việc một người phải vặn nhỏ âm thanh để đỡ cảm thấy sợ hãi là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Những âm thanh đáng sợ sẽ không hề cố định mà được thay đổi một cách linh hoạt tùy theo từng tình huống mà người chơi phải đối mặt.
Ví dụ điển hình nhất chính là sự xuất hiện của Mr.X trong phần game Resident Evil 2 Remake, bởi khi gã quái nhân này càng đề gần bạn thì tiếng bước chân của hắn ta cũng trở nên to hơn, lúc này âm nhạc rùng rợn cũng sẽ nổi lên để thông báo cho người chơi biết rằng bạn nên chạy đi là vừa.
Tất nhiên hầu hết mọi người đều sẽ cuống cuồng lên và chạy thật nhanh chứ không phải ai cũng đủ bình tĩnh để có thể chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra, trừ khi trong tay đang có một món vũ khí hạng nặng và thách thức bất kì kẻ thù nào.
Ngoài ra thì một số trò chơi còn tận dụng âm thanh của những thiết bị xung quanh để tăng thêm nỗi sợ cho người chơi, cụ thể là trò chơi Alien: Isolation khi bạn phải dựa vào tiếng Beep của thiết bị theo dõi chuyển động để biết được rằng liệu có một con Xenomorph nào đang ở trên trạm không gian hay không.
Không cho phép người chơi chống trả kẻ thù
Những tựa game kinh dị ngày trước còn khá "nhân từ" với người chơi khi trao cho họ những công cụ để chống trả kẻ thù, điển hình là một số loại vũ khí xuất hiện trên đường đi. Tuy nhiên khi tham gia vào những trò chơi như Amnesia, Outlast hoặc một số trò chơi mới trong vài năm gần đây thì game thủ gần như chẳng có gì để chống trả lại kẻ thù cả.
Nhiệm vụ của người chơi mỗi khi bản thân gặp nguy hiểm đó là "vắt giò lên mà chạy" theo đúng nghĩa đen bởi những thứ mà bạn phải đối mặt đó là những con quái vật ghê tởm nhất và khổng lồ nhất.
Vì không thể chống trả nên khi chạy, cảm giác mà người chơi nhận được đó chính là sự bất lực hoàn toàn, bởi bạn sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ được giao trong quá trình chạy trốn những con quái vật truy đuổi theo mình.
Chơi đùa với những dự đoán của người chơi
Dù bạn là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc chơi những trò chơi kinh dị từ căn bản nhất cho đến đáng sợ nhất, tuy nhiên những nhà làm game cũng không dễ dàng gì cho bạn thoát khỏi nỗi sợ bất thình lình, không bằng cách này thì bằng cách khác.
Chơi đùa với những dự đoán, cảm tính của bạn? Tưởng chừng như là một điều không thể nhưng bạn có thể lấy tựa game kinh dị Outlast làm ví dụ điển hình. Tại những phân cảnh đầu tiên của game, khi bạn bước vào khu bệnh viện thì sẽ thấy ngay một bệnh nhân ngồi trên chiếc xe lăn chắn ngang đường.
Theo lẽ thông thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra, cố gắng lách qua và chuẩn bị tâm lý rằng gã bệnh nhân này sẽ nhảy vồ vào người mình. Nhưng lúc này chẳng có chuyện gì xảy ra cả và mọi thứ vẫn diễn ra một cách bình thường.
Dù vậy sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao thì bạn sẽ lại một lần nữa phải lách sang gã bệnh nhân này thêm một lầ nữa. Tưởng chừng như mọi thứ sẽ bình yên như ban đầu nhưng không, hắn ta sẽ nhảy xổ vào người của bạn và chắc chắn điều này sẽ khiến cho không ít người chơi phải giật mình.
Điều này cho thấy được rằng những nhà làm game đang chơi đùa với những dự đoán trong đầu của người chơi và những phân cảnh yên tĩnh chỉ được tạo ra để đánh lừa sự cảnh giác của bạn mà thôi.