Ngày 18-4, ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 của Công ty Bkav đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế khai trương dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ứng dụng Bluezone được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch.
Ứng dụng lưu vết người nghi nhiễm Covid-19
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông TT-TT), Bluezone là ứng dụng công nghệ Bluetooth để xác định vùng an toàn. Mục tiêu trong phòng dịch Covid-19 là làm sao xác định được người nhiễm nhanh nhất, chính xác và ít tốn kém nhất. Điều này chỉ có thể giải quyết được bằng công nghệ.
Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, đây là công nghệ tối ưu, giúp kiểm soát các tiếp xúc gần. Khi phát hiện ca dương tính F0, thay vì cách ly cả nghìn người, chúng ta chỉ cần cách ly vài chục người.
Ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm, gần như cùng lúc với nhiều nước trên thế giới. Kết quả là sự ra đời của ứng dụng Bluezone. Tuy Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên giới thiệu giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.
Ưu điểm của ứng dụng Bluezone.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đơn vị phát triển Bluezone, người dùng cần tham gia vào cộng đồng Bluezone bằng cách cài đặt ứng dụng. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi mọi người có tiếp xúc, ứng dụng trên điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện" với nhau. Nếu phát hiện có sự tiếp xúc gần (trong khoảng cách 2m), thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký. Nếu phát hiện ra một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được nhập lên trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng.
Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh (F1).
Bluezone thậm chí có thể cung cấp cụ thể việc bạn đã tiếp xúc với F0 vào lúc nào và trong khoảng thời gian là bao nhiêu lâu. Ứng dụng cũng sẽ cung cấp liên hệ của cơ quan y tế có thẩm quyền và khuyến cáo người sử dụng liên hệ để được hướng dẫn, trợ giúp. Khi cơ quan thẩm quyền nhận được dữ liệu của F1, họ sẽ tiếp tục nhập lên hệ thống để cảnh báo các F tiếp theo một cách nhanh chóng và chính xác.
Triết lý của Bluezone là để người dùng tự bảo vệ chính mình rồi sau đó bảo vệ cộng đồng. Người sử dụng nó sẽ biết ngay được rằng khi có F0 thì mình có thuộc diện F2, F3, F4... hay không. Khi người dùng kết nối với hệ thống, mạng lưới này mới đủ lớn để từ đó bảo vệ cho cộng đồng.
Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server. Chỉ khi người dùng bị xác định là F0 thì dữ liệu mới được nhập lên rồi đưa xuống dưới. Lúc đó, người dùng được báo là F1 sẽ tự đưa dữ liệu lên để bảo vệ cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, ứng dụng này không thu thập vị trí. Bluezone chỉ ghi nhận hai người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết họ gặp nhau ở chỗ nào. Người dùng Bluezone cũng sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Bên cạnh đó, nhà phát triển Bluezone cũng sẽ minh bạch bằng cách cung cấp bộ mã nguồn mở.
Phần mềm mở nguồn để toàn cầu sử dụng
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo bốn nhóm gồm Memozone ở TP Hồ Chí Minh, VNPT, MobiFone và Bkav độc lập phát triển, cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức về kỹ thuật, thảo luận phương án giải quyết để có thêm ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Cuối cùng ứng dụng Bluezone của Công ty Bkav được đánh giá cao nhất và được lựa chọn.