Mặc dù không có gì lạ khi các trò chơi có sự góp mặt của một số diễn viên nổi tiếng, bản chất ngành công nghiệp này có thể hạn chế việc nhiều diễn viên hơn tham gia vào
Những tựa game chuyển thể từ các thương hiệu bản quyền khác đã có một lịch sử không mấy tốt đẹp trong nhiều năm, bất kể là dựa vào truyện tranh hay bộ phim bom tấn nào. Nhưng với các ví dụ như Marvel's Spider-Man hay seri Arkham, điều đó rõ ràng không hoàn toàn chính xác nữa. Ngay cả bên ngoài mảng truyện tranh, những tựa game James Bond 007 chất lượng cũng cho thấy hoàn toàn có tiềm năng với những trò chơi chuyển thể như vậy. Ngay cả Sean Connery cũng trở lại với vai của chính mình trong tựa game From Russia with Love, chuyển thể từ bộ phim cùng tên ra mắt 20 năm trước đó. Những diễn viên có tên tuổi tiếp nhận các vai trò khác nhau trong trò chơi điện tử không thực sự hiếm như một vài người nghĩ đến, nhưng hiện tượng đó lại không còn phổ biến ở thời điểm hiện tại.
Có rất nhiều ví dụ về các diễn viên trở thành những ngôi sao hạng A sau khi góp mặt trong game, nhưng hiếm khi điều ngược lại xảy ra (Diễn viên hạng A góp mặt trong game). Nhiều ngôi sao đã từng tham gia vào những trò chơi trong quá khứ, và tuy không phải là một sự xuất hiện phổ biến, những ví dụ gần đây có thể khiến các diễn viên truyền thống xa rời khỏi ngành giải trí này. Những ví dụ như Cyberpunk 2077 và Death Stranding là minh chứng cho sự biến động có thể cảm nhận được từ việc hoạt động trong môi trường trò chơi điện tử, từ góc độ của một diễn viên. Ngay cả khi đó là một trong những vai diễn hay nhất của người diễn viên, sự tranh cãi hay đón nhận chia rẽ có thể khiến các diễn viên khác quay lưng khỏi việc tham gia vào các vai trò khác nhau trong những trò chơi, dù không có bằng chứng thật sự nào cho thấy điều này đang xảy ra.
Sự trỗi dậy, thất bại và trỗi dậy lần nữa của các diễn viên trong game
Vào giữa thập niên 2000, ngành công nghiệp game cực kì khác biệt so với hiện tại. Rất nhiều những diễn viên hạng A tham gia vào các vai trò khác nhau trong những tựa game lớn, với các ví dụ điển hình như Samuel L. Jackson trong Grand Theft Auto: San Andreas, Mark Hamill trong nhiều thương hiệu khác nhau, Liam Neeson trong Fallout 3, hay Patrick Stewart trong nhiều tựa game X-Men. Các diễn viên từ mọi lĩnh vực, phim điện ảnh lẫn phim truyền hình nổi tiếng, đều sẵn sàng tham gia hoạt động trong các trò chơi điện tử, và ở mức độ nào đó, điều này vẫn còn đúng cho đến ngày nay, nhưng nó vốn từng là một bước tiến ổn định trong ngành công nghiệp này chỉ vài năm trước.
Khi thế hệ Xbox 360/PS3 gần kết thúc, phần lớn các trò chơi bắt đầu tập trung hoàn toàn vào những diễn viên kì cựu tài năng. Công bằng mà nói, không có gì sai khi chọn các diễn viên kì cựu tham gia vào ngành công nghiệp game thay vì những diễn viên phim ảnh/phim truyền hình khác. Một vài trong số các diễn viên giỏi nhất của toàn bộ lĩnh vực giải trí (Laura Bailey, Troy Baker, Ashley Burch, Nolan North, Erica Lindbeck, Noshir Dalal) đều chủ yếu được biết đến vì các vai diễn trong game. Và hơn nữa, nhiều người trong số các diễn viên này có nhiều tài năng và khả năng diễn xuất đến mức họ thường góp mặt trong nhiều thương hiệu game biểu tượng. Các diễn viên điện ảnh/truyền hình vẫn tiếp tục thủ vai trong các trò chơi những năm gần đây, vì nó không hoàn toàn hiếm, nhưng đã không còn phổ biến như giai đoạn thập niên 2000 nữa.
Nhận thức về sự biến động hay thiếu hụt lợi nhuận có là rào cản?
Hiện nay, nhiều người vẫn đang tranh luận về việc liệu xu hướng giảm dần việc các diễn viên góp mặt trong những trò chơi điện tử có tiếp tục sang thế hệ tiếp theo hay không. Ngay cả khi Keanu Reeves đã mang đến vai diễn để đời trong Cyberpunk 2077, danh tiếng của anh vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiều tranh cãi bao quanh CD Projekt Red và bản thân trò chơi. Dựa trên việc tin tức về màn ra mắt đầy rắc rối của Cyberpunk 2077 phổ biến tới mức nào, điều đó hoàn toàn có thể khiến Reeves không còn muốn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giải trí này nữa. Đấy là còn chưa kể đến bất kì diễn viên nào đang cân nhắc việc hoạt động trong game, và nhìn thấy những vấn đề của Cyberpunk 2077 là hình mẫu của sự biến động trong thành công ở ngành công nghiệp game.
Mặt khác, có những ví dụ như Death Stranding, khi mà sự đón nhận của giới phê bình và thương mại cực kì chia rẽ. Điểm may mắn của trò chơi này, là Norman Reedus đã muốn hợp tác với Hideo Kojima, bất kể trò chơi sẽ như thế nào đi nữa. Họ vốn đã hợp tác với nhau trong Silent Hills, trước khi tựa game đó bị hủy bỏ, và Kojima rời đi thành lập hãng game riêng. Không hề có vấn đề giữa Reedus và Kojima, nhưng dĩ nhiên, doanh thu của Death Stranding rõ ràng không hề đáp ứng những kì vọng từ phía Sony. Nói cách khác, sự cống hiến để ghi hình chuyển động trọn vẹn và diễn xuất trong các trò chơi có thể không được đáp trả xứng đáng, nếu rào cản để gia nhập của nó quá cao với những diễn viên tiềm năng khác.
Hi vọng đến từ các trò chơi như Far Cry 6
Những tựa game được nhắc đến trong bài viết này không hề tệ vì diễn xuất kém từ các diễn viên, mà thay vào đó là các vấn đề xoay quanh trò chơi. Như Cyberpunk 2077 là một trường hợp đặc biệt, nhưng các vấn đề của sự kì vọng so với thực tế trong các trò chơi là điều thường xuyên diễn ra, vì đó là bản chất hiện tại của ngành công nghiệp này. Trong khi những trailer và các bài đánh giá sớm của các bộ phim truyền hình và phim điện ảnh về cơ bản là đại diện của sản phẩm sau cùng, điều đó không đúng với các trò chơi. Những bản chơi thử tại E3 hay các bài đánh giá sớm hoàn toàn có thể là những ý tưởng khái niệm được kết hợp lại với nhau, hay tệ nhất là hoàn toàn không đại diện cho sản phẩm sau cùng.
Những dự án sắp tới như Far Cry 6 và Ark 2 chắc chắn vẫn là hi vọng cho sự hợp tác giữa các diễn viên phim truyền hình/điện ảnh và các trò chơi điện tử. Ngay cả khi ở thời điểm hiện tại, trò chơi điện tử đã có những bước tiến vượt bậc về chất lượng đồ họa siêu thực cùng lối chơi ấn tượng, nó vẫn là một ngành giải trí non trẻ nếu so với phim ảnh và phim truyền hình. Sự tiến bộ đã diễn ra rất nhanh trong các trò chơi, đặc biệt khi các ví dụ của cách kể chuyện trưởng thành trong các trò chơi như The Last of Us và Ghost of Tsushima cho thấy ngành công nghiệp này trưởng thành như thế nào. Nhưng các vấn đề kèm theo như các nhà phát triển phải làm thêm giờ, hay những tranh cãi gay gắt đều không khác gì các scandal trong ngành công nghiệp giải trí truyền thống, do đó có lẽ thời gian sẽ mang đến câu trả lời.