Với việc Diablo 2 Resurrected sẽ ra mắt trong năm nay, rất nhiều game thủ mới lẫn cũ đều muốn tìm về tựa game Diablo 2 để trải nghiệm trước, và với những người chơi mới, các sai lầm là không thể tránh khỏi
Với việc Diablo 2: Resurrected được công bố sẽ phát hành trong năm nay và cho phép người chơi chuyển dữ liệu từ bản gốc sang, nhiều người hâm mộ mới lẫn cũ hẳn sẽ muốn trải nghiệm tựa game hành động nhập vai kinh điển một thời này trước khi bước sang phiên bản nâng cấp. Nhưng Diablo 2 rất khác so với hậu bản của nó là Diablo 3, được thể hiện qua độ khó cao và nhiều cơ chế chưa được giải thích rõ ràng. Blizzard đã xác nhận Diablo 2: Resurrected sẽ là một bản nâng cấp hình ảnh của tựa game cũ, và gần như không có thay đổi gì về lối chơi hay độ khó. Nó không phải một trò chơi sẵn sàng "cầm tay chỉ việc" cho những tân binh, do đó bất kì ai lần đầu làm quen với thương hiệu Diablo hoàn toàn có khả năng mắc phải một số sai lầm thường thấy sau đây.
Tả xung hữu đột giữa bầy quái vật
Diablo 3 đã nhận về khá nhiều chỉ trích vì game tỏ ra khá dễ lúc mới ra mắt. Về cơ bản nó giống như một tựa game chặt chém mà không có bất kì chiều sâu hay thử thách nào cả. Nhưng Diablo 2 lại là một câu chuyện khác. Điều cơ bản đầu tiên cần nhớ khi đặt chân vào thế giới của Diablo 2 là không bao giờ tìm cách làm "siêu nhân" giữa hàng đàn quái vật chỉ vì có những đòn tấn công lan. Diablo 2 sẽ khiến cho những cuộc chạm trán với 2 hoặc 3 kẻ địch tưởng chừng đơn giản trở nên vô cùng thách thức. Đặc biệt, mỗi cuộc chạm trán lại cần đến những chiến thuật khác nhau. Những game thủ kiên nhẫn và dành thời gian tiến lên qua những hành lang phức tạp của trò chơi sẽ cảm thấy việc trải nghiệm "dễ thở" hơn những ai xem Diablo 2 như một tựa game ngày nay.
Đánh quái không thể cứ lao vào trong vô thức
Tiêu quá nhiều vàng lúc ban đầu
Vàng trong Diablo 2 cực kì hữu dụng cho rất nhiều thứ, nhưng sẽ vô dụng khi người chơi ... không có chúng. Đó là một cái bẫy trong rất nhiều game nhập vai, khi nó khuyến khích người chơi dùng vàng cho những nâng cấp và tiện ích nhỏ. Nhưng ở các cấp độ cao hơn trong Diablo 2, mọi thứ sẽ bắt đầu ngốn nhiều vàng hơn. Tiêu xài quá nhiều trong lúc thăng cấp sẽ khiến người chơi rơi vào tình trạng khó khăn hơn về sau. Chi phí sửa đồ, đặc biệt với những vật phẩm Runeword, tốn nhiều vàng hơn trang bị thông thường. Đặt cược là một cách hữu ích để có thêm vật phẩm, nhưng thường thì nó không tương xứng với số vàng bỏ ra. Những tay lính đánh thuê ở các cấp độ về sau sẽ tốn đến khoảng 10,000 vàng để hồi sinh, do đó hãy tiết kiệm hết mức có thể.
Đừng tưởng vàng rơi nhiều là xài sao cũng được
Không mua đủ thuốc vì quá ... tiết kiệm
Dĩ nhiên ngoài việc "tiết kiệm là quốc sách", người chơi Diablo 2 cũng cần sử dụng vàng một cách thông minh để chuẩn bị mọi thứ trước khi bắt đầu phiêu lưu, và các bình thuốc chính là những thứ đó. Bình máu, mana và những bình thuốc tăng chỉ số khác mặc dù có thể tìm được ở nhiều địa điểm xuyên suốt trò chơi (đôi khi rớt ra từ xác lũ quái), nhưng người chơi vẫn phải trữ sẵn một lượng nhất định cho riêng mình. Việc chết trong Diablo 2 sẽ vất vả hơn rất nhiều so với Diablo 3 hay những tựa game tương tự (Path of Exile). Sau khi chết, nhân vật của người chơi sẽ bị rớt trang bị, và phải tìm đường trở lại chỗ đó để nhặt mọi thứ. Việc có đủ tiền để mua thuốc sau khi chết có thể giúp người chơi dễ dàng tìm lại chỗ cái xác của mình hơn.
Luôn trữ đầy đủ các bình thuốc
Skill nào cũng nâng điểm
Một sai lầm phổ biến, đặc biệt với những tân binh đang nghiên cứu việc build các nhân vật theo cây kỹ năng trong Diablo 2, là tăng cấp các kĩ năng ngang nhau. Mặc dù điều này sẽ giúp một nhân vật duy trì sự cân bằng, nhưng tình trạng "cào bằng" đó không thể tốt bằng việc tập trung vào một thứ cụ thể. Diablo 2 và những tựa game Diablo khác đều đặt trọng tâm lớn vào việc tối ưu hóa một hướng build cụ thể, để phát huy tiềm năng tối đa cho nhân vật. Ví dụ, một nhân vật tập trung vào các đòn đánh xa sẽ không dùng đến những kĩ năng tăng cường cho các khả năng cận chiến. Một nhân vật nhanh nhẹn sẽ phát triển việc tăng cơ hội né đòn, còn một nhân vật cận chiến sẽ tăng tỷ lệ đánh trúng, và các kĩ năng cự ly gần.
Không phải skill nào cũng cần được nâng
Không dùng phím tắt trong game
Về mặc định, Diablo 2 có một vài phím tắt đã bật sẵn cho người chơi. Nhưng các khả năng và kĩ năng có thể gắn với bất kì phím nào người chơi muốn, để chiến đấu nhanh hơn, và ít phải nhấn lên màn hình hơn. Mặc định, từ F1 đến F8 có thể dùng để thiết lập các kĩ năng, các số 1 đến 4 dùng để đặt các bình thuốc, và phím mũi tên dùng để chạy. Ngoài ra còn có một số phím tắt hữu dụng khác có thể bật trong menu của game, như dùng phím Alt để hiện đồ nằm trên mặt đất. Bằng việc nhấn vào nút kỹ năng ở góc dưới bên trái màn hình, người chơi có thể chọn kỹ năng nào họ muốn đặt phím tắt vào.
Thiết lập phím tắt để chơi "dễ thở"
Trao đổi trang bị giữa các nhân vật
Việc trao đổi vật phẩm giữa các nhân vật trong Diablo 2 khó hơn nhiều so với Diablo 2: Resurrected. Để trao đổi vật phẩm, người chơi phải ném nó ra đất ở một thế giới, thoát ra ngoài, xong vào lại với nhân vật cần món đồ đó, đi đến đúng chỗ mình đã vứt món đồ trong thời gian giới hạn, và hi vọng chưa có ai "loot" nó. Còn với Diablo 2: Resurrected, sẽ có một cơ chế Cache giống như trong Diablo 3, cho phép toàn bộ các nhân vật trong cùng một tài khoản sử dụng những nội dung trong đó. Vậy nên thay vì ném vật phẩm ra đất, người chơi có thể bỏ chúng vào một cái rương riêng, và sau đó dùng nhân vật khác để truy cập vào cái rương đó.
Chuyển trang bị sẽ dễ dàng hơn giữa các nhân vật
Bỏ qua tuyến truyện chính lẫn các đoạn cắt cảnh
Thế giới của Diablo có rất nhiều những khoảnh khắc tuyệt vời và cốt truyện hấp dẫn. Ngay cả những chỉ trích của Diablo 3 cũng phải dành lời khen cho chiều sâu của cốt truyện trò chơi. Diablo 2 có thể mang đồ họa lỗi thời hơn (và sẽ không phải là vấn đề với phiên bản Resurrected), nhưng cốt truyện của nó là một trong những điều để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất của thương hiệu Diablo. Hãy đảm bảo dành thời gian để "hấp thu" từng mảng thông tin trò chơi cung cấp. Nó là một tựa game không "cầm tay chỉ việc" người chơi, nhưng bất kì ai dành thời gian để khai thác và hiểu những gì đang diễn ra sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn nhiều với cái kết của trò chơi, so với những ai chỉ đơn giản chơi thật nhanh qua nó.